Chuyện Anh Hùng Xạ Điêu có trích đoạn rất hay về nguyên tắc đồng cam cộng khổ trong cầm quân của Thành Cát Tư Hãn. Lúc ấy ông bị người anh em kết nghĩa là Trác Mộc Hợp phản bội và tập kích. Quân cận vệ của Thành Cát Tư Hãn bị giết gần hết chỉ còn một nhóm nhỏ bị vây khốn trên núi đất. Đến lúc ngàn cân treo sợi tóc rồi Quách Tỉnh và đám tướng lãnh mới bảo ông lấy con thần mã Hãn huyết bảo câu của Quách Tỉnh mà cưỡi. Cả bọn sẽ đánh xuống mở đường máu cho ông chạy trước. Ông khẳng khái nói “Ta mà tham sống sợ chết như vậy thì đã không làm Đại hãn của các ngươi rồi” Qua được kiếp nạn đó. Từ một bộ lạc nhỏ trên thảo nguyên khô cằn, Thành Cát Tư Hãn bằng các cuộc chiến đã tạo ra một đế quốc rộng 24 triệu km2 chiếm 16% diện tích quả đất. Đây là đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử loài người và giờ là phần lãnh thổ của 28 quốc gia từ Á sang Âu. Quân Mông Cổ nổi tiếng lấy ít chống nhiều, lấy tốc độ và sự tinh nhuệ áp đảo số lượng. Đội quân thiện chiến nhất thời Trung Cổ được lãnh đạo và huấn luyện trên 6 nguyên tắc trụ cột: 1. Chọn người cẩn thận 2. Luyện tập chăm chỉ 3. Thưởng phạt công bằng 4. Hiệu lệnh rõ ràng 5. Kỷ luật nghiêm minh 6. Đồng cam cộng khổ. 800 năm sau tác giả Jim Collins trong quấn Good To Great, sau khi nghiên cứu 15 công ty thành công nhất thời hiện đại đã chỉ ra mô hình phát triển chung. Cuốn sách nhanh chóng trở thành sách gối đầu giường của giới quản trị cao cấp phương Tây. Điều kỳ lạ là mô thức phát triển của các công ty thành công nhất thời hiện đại có phần quản trị nhân sự gần như trùng lặp với 6 nguyên tắc cầm quân của Thành Cát Tư Hãn. Trong đó điều kiện đầu tiên của các công ty nhảy vọt là “Lãnh đạo cấp độ 5”. Họ được miêu tả là những người khiêm tốn, không ăn to nói lớn, ăn vận đơn giản, lái chiếc xe bình thường và ăn ở nhà ăn công ty. Nói thì vậy nhưng “Đồng cam cộng khổ” là nguyên tắc khó giữ nhất và là nguyên nhân cho sự trì trệ, thất bại của những công ty mới thành công vang dội hôm qua. Khi nghèo khó thì dễ rồi. Sếp và lính chia nhau gói mì tôm khi tăng ca. Nhưng khi thành công thì lại khác. Sếp giờ nhiều tiền đành phải mua biệt thự, mua cái Mẹc, Lex xù. Sếp phải đi nhiều hội, giao lưu với nhiều người rồi post facebook cho người ta biết mình đã gia nhập “Tầng lớp tinh hoa” chứ. Sếp bà phải đi nước ngoài Shopping xoành xoạch. Mua cái túi LV bằng 1 năm lương lính, tậu vài viên kim cương bằng hạt ngô mà giá bằng ... 100 năm lương lính. Sếp ông thì phải oánh Golf giải nọ giải kia. Phải mua Rolex, Patek Philippe cho ngang với cục kim cương của bà. Lúc sếp ông check in ở sân Golf, sếp bà check in ở cửa hàng LV ấy thì thằng công nhân đang tăng ca chết bỏ trong xưởng, thằng bán hàng đang chạy thục mạng ngoài trời nắng. Sếp có nhiều lý do lắm vì sếp khổ nhiều rồi, sếp bỏ vốn cho tụi mày có công ăn việc làm, sếp vất vả suy tư .... abc ... xyz. Thiên hạ cũng đồng ý vậy, lính tráng cũng đồng ý vậy. Nhưng chả hiểu sao công việc cứ trì trệ, nhân viên thì lãng công, mấy thằng nhanh tay thì nhặt nhạnh được chỗ nào thì nhặt. Lúc lương tâm có áy náy tí thì chúng nó tặc lưỡi “Mình làm chết bỏ, sếp giàu thế mất tí có hề gì” Cứ 100, 1.000, 10.000 thằng lính tặc lưỡi thế là công ty cỡ nào cũng banh xác. Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả những công ty lớn cũng chết trên thành công của ngày hôm qua chỉ vì người lãnh đạo đã quên mất nguyên tắc “Đồng cam cộng khổ” Chính người viết bài này cũng rất nhiều lần tần ngần đứng trước ranh giới mong manh của “Đồng cam cộng khổ” và chút xa xỉ “có lẽ” mình xứng đáng được hưởng sau những tháng ngày vất vả. Rất mong các anh chị chia sẻ thêm kinh nghiệm của mình khi xử lý tình huống này!