Lâu lắm rồi mới bước chân vô tiệm ăn nhanh McDonald’s tuy là ở Sydney đâu đâu cũng thấy nó. Đập ngay vô mắt là bảng menu hộp đèn quảng cáo “All-day breakfast menu” - thực đơn ăn sáng bán nguyên ngày. À, thì ra bây giờ McDonald’s mới chịu bán mấy món ăn sáng cả ngày chứ không chấm dứt đúng 12h trưa như trước đây. Được vậy thì Michael Douglas đâu đã tức giận mà xả súng bắn nát bét cái cửa hàng fastfood bán hamburger ở Los Angeles - cảnh trong phim Falling Down nổi tiếng đầu thập niên 90. Tuy tránh ghi chữ McDonald’s trong phim nhưng ai cũng biết những người làm phim đang ám chỉ đến ai vì màu sắc và kiểu trang trí nội thất trong cửa hàng này cũng na ná và quan trọng hơn là ngay thời điểm lúc đó ở Mỹ đã có rất nhiều dư luận than phiền là tại sao không có thể mua bánh muffin kẹp trứng ở chuỗi cửa hàng này sau 12h trưa. Dĩ nhiên tình huống trong phim Falling Down đã được cường độ hoá lên nhiều lần, nhưng dù sao cũng đã chuyển tải được mấy thông điệp phản ánh tình trạng căng thẳng và trong chừng mực nào đó - sự thất vọng và mất phương hướng của không ít người trong xã hội phương Tây lúc đó. Đó là câu chuyện một anh chàng đã ly dị vợ, phải ra hầu toà rắc rối (Michael Douglas thủ vai), trên đường đi làm về lái xe đến nhà vợ cũ để thăm con gái nhân ngày sinh nhật cho đúng giờ mà bị kẹt xe rồng rắn nên cuối cùng stress quá chịu hết nổi, bước ra khỏi xe, đóng sầm cửa và bỏ mặc luôn chiếc xe giữa đường mà đi bộ như thằng điên. Rồi tiếp tục gặp phải nhiều chuyện rắc rối, xui xẻo khác giữa đường, bao gồm chuyện đụng độ với một nhóm thanh niên ngoài công viên, để rồi sau đó tiện tay lượm luôn khẩu súng và xách nó đi nghênh ngang vô tiệm bán thức ăn nhanh như kể trên. Lúc đó đã quá 12h trưa mấy phút, nên theo qui định thì cửa hàng đã bắt đầu chuyển qua bán các món ăn trưa chứ không còn bán các món ăn sáng nữa. Thèm quá cái bánh muffin kẹp trứng vẫn còn nằm chình ình trên kệ kia mà bị từ chối không cho mua, vị khách gặp toàn chuyện rắc rối từ sáng đến giờ không còn kiềm chế được nữa nên lia luôn khẩu súng bắn loạn xạ - may mà không trúng ai! Một trong những cảnh đầy ấn tượng và nổi tiếng nhất của phim Falling Down. Câu chuyện còn nhiều đoạn ly kỳ nhưng một trong những điều làm người ta suy nghĩ là bất cứ nền kinh tế giàu nghèo gì rồi cũng có vấn đề riêng của nó. Vấn đề bạo lực trong gia đình, trong nơi công cộng, vấn đề kiểm soát vũ khí, vấn đề phân biệt đối xử, kỳ thị màu da, vấn đề căng thẳng tinh thần do công việc, ly hôn, xe cộ. Và dĩ nhiên bao gồm cả vấn đề thương mại hoá đã đi quá trớn. Người xem phim Falling Down không khỏi tự đặt câu hỏi là tại sao các chuỗi thức ăn nhanh mà đại diện là McDonald’s phải cứng ngắt như vậy. Tại sao món bánh muffin trứng lại không thể bán sau 12h trưa tuy nó là món ăn truyền thống giành cho buổi sáng, trong khi có rất nhiều yêu cầu và mong mỏi của khách hàng như vậy (bởi vậy mới thể hiện lên phim). Tại sao một tập đoàn thức ăn nhanh hàng đầu thế giới lại bỏ qua một nhu cầu của khách hàng một cách khôi hài, cứng ngắt như vậy? Câu trả lời chính thức của McDonald’s trên website ghi lý do tại sao họ không bán các món ăn sáng vào buổi trưa nhu sau: “We don’t have space in the kitchen” (Chúng tôi không có đủ mặt bằng trong nhà bếp). Cụ thể hơn là lò nướng của McDonald’s lúc đó đã không được thiết kế để làm cùng lúc nhiều loại bánh, sáng trưa tối nhập chung như vậy. Điều này đã được xác nhận trên phương tiện thông tin đại chúng, ngay cả tại Úc khi McDonald’s vừa mới giới thiệu chương trình “All-day breakfast” này cách nay chỉ hơn nửa năm. Nhiều nhân viên và quản lý của chuỗi thức ăn nhanh này tham gia trả lời phỏng vấn và than phiền là nhà bếp không đủ chỗ để bán chung các món ăn sáng vào các buổi khác trong ngày. Rằng chiến lược kinh doanh này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và làm ùn tắt công việc hằng ngày của họ (dĩ nhiên là nhân viên dấu tên). Còn về phía phát ngôn chính thức của công ty thì tính đến thời điểm hiện tại thì phản hồi của khách hàng là rất tốt, chưa thấy vấn đề gì nổi cộm trong khâu tổ chức và trước mắt là doanh số được cải thiện một cách rõ rệt. Ở Mỹ cũng vậy, nhờ chương trình “All-day breakfast” này mà doanh thu tăng bình quân 5,7% trong quý 4 vừa qua (so sánh cùng một cửa hàng). Một thành công đáng kể. Điều thú vị là để thực hiện chương trình này, chỉ để bán thêm cái bánh muffin kẹp trứng trong menu buổi trưa và buổi tối McDonald’s đã phải chần chừ mấy chục năm, từ thời người viết bài này còn đi xem phim Falling Down trong rạp chiếu bóng ở cạnh khu nội trú của trường đại học Western Sydney. Biết rằng họ đã có giải thích lý do tại sao nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên khi đến tận bây giờ họ mới áp dụng. Vì càng áp dụng trễ thì càng khó vì số lượng cửa hàng càng nhiều hơn, thay đổi nhiêu khê hơn. Do đó bài học được rút ra là ngay cả đối với những đại gia ẩm thực cũng phải nhớ đến từ “flexibility” (uyển chuyển) trong chiến lược kinh doanh và đặc biệt là trong khâu thiết kế mô hình kinh doanh. Đành rằng làm chuỗi là phải tiêu chuẩn hoá, đồng bộ hoá tất cả, tất cả phải có kỹ luật, nguyên tắc chặt chẽ từng li từng tí nhưng cũng không thể không cân nhắc tính uyển chuyển, tuỳ cơ ứng biến trong kinh doanh. Nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn bao giờ hết. McDonald’s, KFC vào đến thị trường Châu Á còn phải đưa món cơm vào menu. Mấy chục năm trước đâu ai ngờ có ngày McDonald’s lại cũng chuyên bán cà phê còn Starbucks lại đưa thức ăn vào menu để tồn tại. Vụ không có mặt bằng trong bếp để bổ sung thực đơn cũng là một bài học xương máu của Phở 24 tại thị trường Singapore. Cái bếp của tiệm Phở 24 nhượng quyền ở khu shopping sầm uất Millenial Walk được thiết kế với thực đơn chủ yếu xoay quanh món phở. Nhưng rồi thực tế cho thấy tiệm phở ở đây muốn có lợi nhuận thì phải bán được thêm các món ăn Việt Nam khác vào buổi tối (không như ở Việt Nam người ta có thể ăn phở sáng trưa chiều tối). Mà đối với ngành kinh doanh ẩm thực mà chỉ đông khách một buổi trong ngày thì khó có thể nào kiếm đủ doanh thu để trang trải cho chi phí thuê mặt bằng 3 buổi hay 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Thế là cùng với đối tác chúng tôi phải tìm mọi cách để cứu vãn tình thế nhưng cuối cùng đành bó tay vì diện tích bếp quá nhỏ và có kết cấu đặc thù không thể thay đổi gì được. Rồi đành phải nhìn tiệm phở này thất bại trong sự bất lực. Một bài học về “flexibility” trong chiến lược kinh doanh và trong thiết kế bếp, thiết kế mô hình kinh doanh. Một bài học thấm thía. Cho nên tôi có thể hiểu cái bếp của McDonald’s gặp khó khăn như thế nào. Chỉ có điều là tại sao phải mất lâu như vậy mới hành động. Có lẽ câu trả lời là trước đây doanh thu họ vẫn tăng trưởng đều đều hằng năm thì cần gì, còn bây giờ xu thế này đã chững lại, khó khăn tứ phía. Nên phải thay đổi để tìm nguồn doanh thu mới thôi. Và suy nghĩ đọng lại khi tôi rời khỏi tiệm McDonald’s hôm đó là, ngay cả một tập đoàn với mấy chục ngàn cửa hàng trên thế giới mà còn phải “uyển chuyển” thì nói gì tới mấy nhà hàng hay mấy business nhỏ lẻ. Tác giả: Lý Quý Trung Link bài viết: Đã kinh doanh thì phải uyển chuyển