Nếu không có định hướng đúng, trào lưu khởi nghiệp có thể tổn hao tài nguyên quốc gia. Nhà nước hãy dành những đồng vốn quý giá của mình cho đào tạo, dùng nguồn lực của mình để tạo chính sách và hãy để mọi thứ vận hành theo quy luật thị trường. Còn các bạn trẻ hãy bình tình tìm ra lẽ sống của mình trước khi khởi nghiệp. Khác với lập nghiệp (entrepreneurship), khởi nghiệp (start-up) phải sáng tạo ra cái mới chưa ai có, nó có thể là một sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay một mô hình kinh doanh mới. Tâm lý bầy đàn đã biến khởi nghiệp thành trào lưu thời thượng. Nghe người khác thành công là cứ lao vào như thiêu thân mà không biết ngay cả những nơi có hỗ trợ tốt cho khởi nghiệp như Mỹ có hơn 75% start-up thất bại và thế giới chỉ có vài người như Steve Jobs. Nếu nhà nước không có những chính sách, định hướng kịp thời, danh sách “giải cứu” sẽ có cái tên tiếp theo là “khởi nghiệp”. Các chuyên gia đánh giá hầu hết các nhà sáng lập (founder) Việt Nam thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm. Chính phủ cũng đã nhìn thấy và phê duyệt “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 884) , khá đầy đủ và toàn diện. Trong đó có đề cập đến việc hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho các founder. Dù vậy, tôi vẫn lo sợ các chương trình “Nhà nước” sẽ không chạm đến cái gốc năng lực của các founder. Kiến thức, Kỹ năng khởi nghiệp thôi không đủ; phải giúp họ điều chỉnh được Thái độ - Thái độ của một nhà khởi nghiệp thực thụ. Khi đó mới giúp họ “tăng tốc” ứng dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tế và rèn luyện chúng thành những THÓI QUEN tốt – thói quen của những doanh nhân thành đạt. Năng lực lõi khác họ cần được “bồi bổ” đó là tư duy sáng tạo. Khởi nghiệp phải sáng tạo, nhưng hầu như nhà trường không dạy họ sáng tạo. Chúng ta đã quen vâng lời thay vì phản biện. Vì vậy rất nhiều start-up sao chép ý tưởng chứ ít đột phá. Làm sao phát triển vượt trội được. Năng lực lõi tiếp theo là thấu hiểu con người. Nếu họ chưa thấu hiểu họ, chưa thấu hiểu đồng đội, chắc chắn họ không thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu thị trường. Cho nên, sản phẩm làm ra không bán được, hoặc chết yểu do đâm đầu vào “đại dương đỏ”. “Nhu cầu học là vô hạn, cho nên tiềm năng thị trường rất lớn”. Nghe quen quen phải không các bạn? Nhiều hệ thống E-learning ra đời và chết yểu cũng vì am hiểu sơ sài của founder. Khi đó mới thấy có gì sai sai nhưng không rõ tại sao? Tôi chia sẻ điều này với mong muốn chính phủ vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa chọn được đơn vị thiết kế, triển khai chương trình đào tạo sao cho TRÚNG và xa hơn hãy thay đổi cách đào tạo, hãy dạy trẻ con tư duy sáng tạo, tư duy phản biện từ nhỏ thì mới mong có Quốc gia khởi nghiệp được. Khó khăn thứ hai của Start-up là vốn. Start-up cần những nhà đầu tư thiên thần. Đề án 884 đã đề cập đến vấn đề này. Nhưng tôi tin các start-up muốn “tiêu” được cũng “ốm đòn” thủ tục. Cứ thử quyết toán với Ngân hàng Nhà nước và tuân thủ các quy định liên bộ chồng chéo thì biết. Thực sự tôi nghĩ các Start-up không cần vốn nhà nước. Thay vào đó Nhà nước có những bài toán quốc gia, có đặt hàng, có chính sách ưu tiên cho các Start-up trong nước với cơ chế tuyển chọn công khai, minh bạch. Ngân sách của thị trường công lớn, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư thiên thần tư nhân, không nhiêu khê thủ tục, đầu tư cho các Start-up. Các vườn ươm tự khắc có cách đầu tư để sinh lời. Hãy để mọi thứ vận hành theo cơ chế thị trường. Nhà nước định hướng bằng chính sách. Tinh thần khởi nghiệp là phải tự lực, phải nắm lấy cơ hội. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ thực sự hiệu quả của Nhà nước, các bạn trẻ cần tìm thầy mà học. Nếu không, cứ bình tĩnh đi làm vài năm để biết thực sự mình Giỏi cái gì, Đam mê cái gì. Cộng với rèn luyện sự thấu hiểu khách hàng, các bạn sẽ biết mình làm cái gì để khách hàng Cần, cái gì họ sẵn sàng Trả tiền cho mình. Khi định hình rõ 4 yếu tố này, các bạn đã tìm ra được lẽ sống (Ikigai) cho mình và lý do cho sự tồn tại (sứ mệnh) của công ty mình sẽ khởi nghiệp. Khi đó hãy khởi nghiệp. Thiên thần tự “dẫn xác” đến với bạn. --------------- Lời tâm sự: - Bài viết thể hiện một góc nhìn của tác giả, mong các bạn mổ xẻ thêm để góc nhìn thêm phong phú. - Cám ơn chị Yen Truong Kim đã gọt giũa và đăng bài. Đây là bài gốc. - Tựa mới được Mr. Coach Lam Binh Bao gợi ý (tựa cũ là Giải cứu Khởi nghiệp). Cám ơn Mr. Coach rất nhiều. Luôn có những điều mới học hỏi từ anh. Tác giả: Đinh Duy Linh Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Link bài viết: ĐỂ THIÊN THẦN "DẪN XÁC"