Được theo dõi các bài viết của mọi người chia sẻ rất tuyệt vời , nó là những bài học kinh nghiệm giá trị của từng người , cho nên hôm nay tôi mạn phép nói về việc học , rất mong được sự chấp thuận của admin ! Chưa bao giờ việc học được toàn xã hội chúng ta quan tâm như mấy năm vừa qua. Ta đã bàn nhiều về những điều mà xã hội phải lo cho người học, nhưng còn bản thân người học phải lo thế nào cho việc học của chính mình thì có lẽ còn ít được bàn tới. Trong một đời người thì việc học ở nhà trường có thầy có lớp nhiều lắm cũng khoảng mươi, mười lăm năm, còn ngoài ra để học suốt đời thì chủ yếu là tự học. Tôi thường gặp tình huống: khi học một quyển sách, đọc từ đầu đến cuối tưởng rằng mình đã hiểu cả, nhưng rồi lần sau đọc lại mới phát hiện ra rằng mình đã hiểu sai cả, và điều đó không phải chỉ xảy ra một lần. Kinh nghiệm đó lặp đi lặp lại với sách này rồi sách khác dạy cho tôi một ý thức cảnh giác với những gì mà mình tưởng là đã hiểu. Cho nên, phân biệt cho được cái biết và cái chưa biết, cái hiểu và cái chưa hiểu quả thực không dễ. Vậy, hiểu là thế nào nhỉ? Tôi nghĩ rằng hiểu phải là nắm bắt được cái cốt lõi bản chất của một tri thức, hay như người ta thường nói, cái hạt nhân "chân lý" chứa đựng trong tri thức, thậm chí cả vẻ đẹp của tri thức đó. Khi đọc một quyển sách, thoạt đầu ta tiếp xúc với câu chữ, với ngôn ngữ, rồi với các lập luận từ câu này sang câu khác. Ta nghĩ rằng ta đã hiểu là vì các câu chữ rõ ràng, lập luận hợp logic... Nhưng lần sau ta nhận ra ta đã hiểu sai, là vì bản chất của tri thức thường nằm đằng sau, ẩn bên trong cái vỏ hình thức của những ngôn ngữ và lập luận đó. Còn vẻ đẹp của tri thức thì họa hoằn lắm ta mới phát hiện được qua hình bóng của những ánh chớp tư tưởng đã từng xuất hiện ở những giây phút thần kỳ nào đó của sự sáng tạo, mà chỉ những cảm thụ đặc biệt nào đó mới phát hiện ra được. Cho nên, đọc sách mà muốn hiểu được sâu sắc một tri thức thì thường phải tìm lại được quá trình sáng tạo nên tri thức đó, mà ta nhớ rằng cách trình bày một tài liệu (khoa học) thường đòi hỏi tuân theo một logic diễn dịch (hình thức), gần như theo con đường ngược lại với logic của quá trình sáng tạo! Trên đây là nói về sự hiểu và không hiểu một tri thức mà đối với nó có một cách hiểu đúng duy nhất. Nhưng ngày nay, nhận thức của con người càng ngày càng động chạm đến những vấn đề phức tạp, khó có một tri thức nào về những vấn đề như vậy có thể được xem là duy nhất đúng, thì cái hiểu và không hiểu lại càng khó phân biệt hơn nhiều. Khoa học, trước yêu cầu nhận thức cái phong phú, đa dạng và phức tạp đó của thiên nhiên và cuộc sống, cũng không còn tự đặt cho mình mục tiêu phát hiện các "chân lý" phổ biến nữa, mà trở thành "khiêm tốn" hơn, khoa học xem mục đích của mình là tìm kiếm các cách "giải quyết vấn đề", các câu trả lời cho những vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống của mình. Cuộc sống luôn luôn đặt ra các câu hỏi về thiên nhiên, về vũ trụ, về thế giới, về sự sống, về kinh tế, về xã hội, về văn hóa, v.v..., con người tùy trình độ của từng thời đại mà có những câu trả lời khác nhau, có thể không tuyệt đối đúng nhưng phù hợp với nhận thức của thời đại và giúp con người có những cách hành xử thích hợp với thời đại mình. Biết mình không biết là khởi đầu của việc học và tự học, nó cũng là khởi đầu của mọi sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo khoa học. Cho đến nay, khoa học đã đạt được rất nhiều thành tựu rực rỡ. Nhưng, những câu hỏi chưa có trả lời đặt ra cho thế kỷ mới cũng càng ngày càng nhiều. Hy vọng rằng với tinh thần "biết là còn nhiều điều mình chưa biết" sẽ giúp cho chúng ta thêm năng lực sáng tạo để tìm được câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi đó. Tôi rất mong những quan điểm nhỏ nhoi này được sự đón nhận và góp ý của mọi người. Hà nội 8/9/2017 Nguyễn Thành Văn