Lưu cho mình cho bạn, những người "Vì thế hệ tương lai" quan tâm AI - "Trí tuệ nhân tạo". Biết ơn! ---- [CON NGƯỜI] "THỜI ĐẠI CÔNG NGHIỆP 4.0" VÀ NHỮNG ẢO TƯỞNG Tác giả: Thầy Chòi Chiêm Tinh, Nhà cải cách 30+ năm sống và làm việc tại Canada, nhà đầu tư công nghệ (Thảo đoán thôi chớ chưa gặp bác ngoài đời), Doanh nhân đầu tiên ứng dụng "Trí tuệ nhân tạo" & Robot vào công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp & tương hợp tình duyên. Một ngày đầu tháng 12/2017. Khi đọc dòng chữ "thời đại công nghệ 4.0" trong bài báo viết về cậu thanh niên 8x mở dịch vụ đặt phòng khách sạn "homestay" bằng smartphone trên một hòn đảo ở Việt Nam nhờ có nhà mạng vừa phủ sóng 4G trên đó ... tôi phì cười ! Có vẻ như thành ngữ "thời đại công nghệ 4.0" (hay "cách mạng công nghiệp 4.0") đang bị LẠM DỤNG QUÁ ĐÀ trong khi nhiều người Việt Nam vẫn còn suy nghĩ lệch lạc hay chưa hiểu chúng thật ra là cái gì ?! "NGÀY XỬA NGÀY XƯA" Rất nhiều năm trước, tôi bắt đầu làm việc quản lý kỹ thuật trong một công ty sản xuất nhỏ ở Canada. Thời gian đầu, công việc của tôi diễn ra bình thường không có gì đáng nói, cho đến một ngày mùa đông khi ông chủ rủ tôi đi cùng đến một cao ốc trong khu trung tâm thành phố. Trên đường đi, ông chủ cũng chẳng nói gì về mục đích chuyến đi, ngoài việc chúng tôi tán gẫu về thời tiết và thời sự thế giới. Lên đến nơi, tôi nhận ra rằng đây là một cuộc họp "kín" khi chúng tôi là những vị khách mời duy nhất và vây xung quanh là nhóm đối tác đông gấp 3-4 lần chúng tôi ! Tôi để ý rằng, mặc dù thái độ rất nhiệt tình chào đón chu đáo nhưng đằng sau đó, họ luôn chăm chú theo dõi mọi lời nói và động thái của chúng tôi. Một hồi sau, tôi mới ngộ ra đây thực chất chính là văn phòng đại diện của trung tâm nghiên cứu với ngân sách hàng TỶ đô-la mỗi năm cho những máy móc mà chúng tôi sử dụng. Đây là nơi họ trưng bày toàn những máy mẫu "prototype" vẫn đang được nghiên cứu, phát triển hoặc còn "mới tinh" chưa tung ra thị trường. Sau khi tham quan và ngồi vào bàn bắt đầu nói chuyện nghiêm túc, tôi biết thêm một số điều thú vị mà tôi chưa hề được nghe qua trước đó từ lúc mới vào làm trong công ty. Trong buổi trao đổi ấy, tôi ngỡ ngàng khi nhận ra rằng ông sếp bấy lâu nay của tôi thật ra là một "ông trùm của các ông trùm" trong "làng" công nghiệp mà chúng tôi công tác. Ai cũng biết điều này, ngoại trừ một "lính mới" như tôi ! Đến giây phút đó, tôi đã hiểu lý do tại sao phía đối tác họ "khúm núm" tiếp đón chúng tôi. Đơn giản là vì chỉ cần một cái "gật đầu" của ông chủ tôi cho một loại máy nào đó mà họ làm ra thì hầu như tất cả mọi người trong ngành cũng sẽ đồng ý mua sản phẩm của họ. Với hiệu quả doanh số trên mức đầu tư hàng năm luôn "vượt chỉ tiêu", tiếng nói của ông chủ tôi rất có "trọng lượng" và dường như mọi người trong ngành đều tin tưởng ông ấy một cách tuyệt đối. Nó sẽ tạo ra một "hiệu ứng dây chuyền", bởi vì khi ông chủ tôi đồng ý thì các "ông trùm" khác khắp Canada cũng sẽ đồng loạt đồng ý. Và khi tất cả mọi người trong ngành ở Canada đồng ý thì khả năng rất cao là các "ông trùm" khác ở Mỹ, Ấn Độ và các nơi khác trên thế giới cũng sẽ "ok" với sản phẩm của họ, thuận tiện cho việc tiếp thị "marketing", nhất là khi các khách hàng của ngành chúng tôi không những là cá nhân, doanh nghiệp mà còn là các tập đoàn, chính phủ và quân đội. Điều ngạc nhiên bất ngờ hơn nữa, tôi phát hiện ra người mà sếp tôi đặt hết niềm tin vào trong mọi quyết định lại chính là một nhân viên bình thường như ... tôi !? Trong khi tham quan, ông thường ghé tai tôi nói nhỏ: "Cậu thấy thế nào ? Chức năng này hay chức năng kia có ổn không ? Nghiên cứu cho kỹ và hãy cho tôi biết ý kiến của cậu về những thông số đó." v.v... Nếu một trong 2 người chúng tôi không đồng ý thì sếp tôi sẽ nói "không" với họ, cho đến khi nào chúng tôi thảo luận và đạt được sự đồng thuận. Khi hiểu ra được vai trò trọng trách mà ông chủ "ngầm" đặt để ở mình, tôi vô cùng cảm kích và ngưỡng mộ sự "khiêm tốn" của sếp tôi từ bấy lâu nay. Về lại công ty, tôi tiếp tục phân tích và báo cáo cho ông về những khía cạnh cũng như chiến lược thực tế nếu đưa chiếc máy đó vào sản xuất. Thậm chí nếu thích, bên đối tác sẽ cho xe tải chở cả hệ thống máy đó đến lắp ráp tận nơi cho chúng tôi dùng thử miễn phí vài tháng ! Song song với những công việc trách nhiệm hàng ngày ở công ty, chúng tôi dành một thời gian nhất định để thử nghiệm, thảo luận về hiệu quả của máy mẫu, đồng thời trao đổi trực tiếp với các kỹ sư ở nhiều bộ phận khác nhau bên đối tác khi phát sinh vấn đề nhằm chỉnh sửa hay cải thiện máy mẫu đó. Những năm trước khi có tôi, ông chủ thường phải thay luôn công việc của tôi. Từ ngày có tôi thì ông muốn "giao khoán" mọi vấn đề nhận định tính năng kỹ thuật cho tôi, còn ông sẽ tập trung vào chuyện kinh tế. Và đó là một thời gian rất vui khi chúng tôi trở thành một "cặp đôi quyền lực" để đưa ra những quyết định quan trọng về những công nghệ mới nhất ảnh hưởng đến tương lai "cả làng" trong ngành nhiều năm sau và đến tận bây giờ, dù sếp tôi đã về hưu và tôi không còn làm việc với sếp nữa ... Tôi kể câu chuyện trên đây để các bạn hiểu được phần nào công việc của tôi trong thời đại chuyển tiếp giữa "Công nghiệp 3.0" và "Công nghiệp 4.0", và giai đoạn chuyển tiếp này thật ra đã bắt đầu từ thập niên 1980 - 1990 cho đến nay chứ không phải là một cái gì đó quá "mới mẻ" gần đây. "CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0" LÀ GÌ ? Nhiều tài liệu sẽ giải thích chi tiết hơn, nhưng để các bạn đọc yêu quý của tôi khỏi bị "lùng bùng điếc lỗ tai", tôi sẽ tóm gọn ở đây về định nghĩa thế nào là "cách mạng công nghiệp 4.0" (hay gọi tắt là "công nghiệp 4.0" hay "thời đại 4.0"). Đây là danh sách và nội dung chính của 4 giai đoạn "cách mạng công nghiệp": 1.0 Thế kỷ 18: Thay vì thủ công như trước đó, con người bắt đầu "cơ giới hóa", chế tạo ra động cơ và sử dụng máy móc để làm ra sản phẩm (tiểu thủ công nghiệp) 2.0 Thế kỷ 19: Con người đấu nối các máy móc lại với nhau để tạo ra "dây chuyền sản xuất", hình thành "nhà máy" và khu công nghiệp, song song với sự phát minh và ứng dụng của "điện" 3.0 Thế kỷ 20: Từ "điện", con người phát minh ra "điện tử" (công nghệ bán dẫn) và dùng "điện tử" để làm ra "mạch điều khiển", rồi đến "computer" và "robot" nhằm tự động hóa (automation) một phần hay đa số công đoạn trong dây chuyền sản xuất trong nhà xưởng, trong địa phương hay trong những quốc gia qua các hệ thống truyền thông, mạng internet. 4.0 Thế kỷ 21: Mục tiêu sản xuất vẫn tương tự như 3.0, nhưng khác ở chỗ "computer" và "robot" sẽ liên kết chặt chẽ hơn, tích hợp (integrated) với nhau thành mạng lưới như một "hệ thần kinh" (neural network) để có thể "suy nghĩ" (trí tuệ nhân tạo), thay thế con người nhiều hơn trong những "quyết định" đòi hỏi sự chính xác và tốc độ Sở dĩ "hệ thần kinh" của computer / robot được phát triển là nhờ vào tiến bộ của 2 công nghệ quan trọng, đó là: 1/ CÔNG NGHỆ "CẢM BIẾN" (sensors) như "đếm" (count), "sờ mó" (touch), "định vị" (location awareness), "xử lý phim ảnh" (image processing), ánh sáng, nhiệt độ, áp suất, hóa chất, từ tính v.v... Những cảm biến này đã có từ lâu trong thời Công nghiệp 3.0, nhưng nay trở nên tinh vi hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn, có thể cài đặt hàng loạt với số lượng đông đúc hơn. 2/ Tiếp theo, các đơn vị cảm biến (sensor unit) được liên kết với nhau bằng những CÔNG NGHỆ "KẾT NỐI" (interconnectivity) để truyền tải và chia sẻ dữ liệu (data) mà chúng ta thường thấy như mạng internet, wifi, 3G/4G/5G, LAN/WAN, FCoE, cáp quang, cáp xuyên địa lý (mặt đất, đại dương) ... hay đi sâu vào bên trong "bo mạch tích hợp" (IC, integrated circuitry) như HDMI2, Thunderbolt, Infinity Fabric, GDDR5X, HMC2, iSCSI ... Các dữ liệu thu thập sẽ được ghi nhận vào trong "bộ nhớ" (memory) như DRAM, ROM, thẻ nhớ, ổ cứng ... trong phạm vi cá nhân hay tại các trung tâm dữ liệu (data warehouse). Tương tự như công nghệ cảm biến, công nghệ kết nối cũng đã được phát minh và có từ thời Công nghiệp 3.0 nhưng được cải thiện nhanh hơn, rẻ hơn và đôi khi "chằng chịt" hơn trong Công nghiệp 4.0. Nhờ có "hệ thần kinh" gần giống như con người này, các hệ thống computer / robot trở nên "thông minh" hơn khi chúng bắt đầu có đủ dữ liệu sâu sát với tình hình thực tế để xử lý. Vì khối lượng dữ liệu thu thập được từ các cảm biến là "nhiều cực khủng" nên con người sẽ cần phải có một "trí tuệ nhân tạo" hỗ trợ phân tích các dữ liệu đó một cách nhanh chóng. "Trí tuệ nhân tạo" mở ra nhiều khả năng ứng dụng thông minh cho các máy computer / robot, ví dụ như chúng có thể: - Tự làm ra linh kiện thay thế và khắc phục mình khi bị hư hỏng (công nghệ in 3D) - Tự "sinh con, đẻ cái" bằng cách tự tạo ra thêm những computer / robot mới (điện toán đám mây / cloud computing / virtual machines) để con người có thể kinh doanh trên sức mạnh tính toán của chúng (nông trại máy chủ / server farm) - Tạo ra môi trường "thực tế ảo" (virtual reality) hay "tương tác thực tế" (augmented reality) để con người trải nghiệm / huấn luyện - Tự tính toán ra những phương án tối ưu nhất trong việc trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng, điều khiển các thiết bị gia dụng (nhà thông minh "smarthome", Internet of Things) hay giao thông (lái drone / vệ tinh, lái máy bay / phi thuyền, lái xe) - Phân tích dữ liệu và điều khiển thiết bị trong các lãnh vực khoa học như: nhận dạng sinh trắc (khuôn mặt), an ninh, y tế, sinh học, năng lượng, thủy lợi, môi trường, thiên văn vũ trụ ... - Phân tích tình hình tài chính và hoạch định / quản lý tài nguyên doanh nghiệp (ERP 2.0), tiên đoán xu hướng chứng khoán - Tạo ra nền kinh tế riêng cho mình (tiền ảo) ... ... Tóm lại sự khác biệt cơ bản giữa "Công nghiệp 3.0" và "Công nghiệp 4.0" không nhiều lắm. Có thể hiểu nôm na: "Công nghiệp 3.0" + tăng cường số lượng và mạng lưới cảm biến + kết hợp trí tuệ thông minh nhân tạo (robot) = "Công nghiệp 4.0" Bất kỳ ngành nghề nào, nếu thấy chỉ có "tăng cường số lượng cảm biến" nhưng thiếu phần "trí tuệ thông minh nhân tạo" thì đó chỉ mới là "Công nghiệp 3.0", CHƯA ĐỦ yếu tố để có thể gọi đó là "Công nghiệp 4.0". Nếu có cái tiếng "robot" không cũng chưa chắc là "Công nghiệp 4.0" mà phải xem kỹ xem loại robot đó có yếu tố "trí tuệ thông minh nhân tạo" nữa thì mới đúng là "Công nghiệp 4.0". Một khác biệt nho nhỏ nữa giữa "Công nghiệp 3.0" và "Công nghiệp 4.0" đó là trong giai đoạn "Công nghiệp 3.0", phần "trí tuệ thông minh nhân tạo" được quyết định ở "trung tâm" nơi các dữ liệu tập trung dồn về. Ví dụ như hiện tại, bạn xài bao nhiêu kWh điện thì đồng hồ điện ở nhà bạn sẽ gửi thông tin về máy tính ở trung tâm điện lực để tính hóa đơn hàng tháng cho bạn. Trung tâm này cũng có thể tự động tắt / mở dịch vụ cung cấp điện nếu như có trục trặc về thanh toán. Nếu là "Công nghiệp 4.0", phần "trí tuệ thông minh nhân tạo" sẽ được quyết định ở "đầu cuối" nhiều hơn rồi mới gửi kết quả về cho "trung tâm mẹ". Như ví dụ trên, đồng hồ điện thông minh trong "Công nghiệp 4.0" không những chỉ tính toán số lượng điện tiêu thụ, mà nó còn có thể tích cực tham gia điều khiển các thiết bị điện gia dụng trong nhà bạn một cách hợp lý, cảnh báo cho bạn (và các thành viên trong nhà) mỗi khi có hỏng hóc, rò rỉ hay lượng điện sử dụng gia tăng bất ngờ. Không những thế, đồng hồ điện ấy sẽ so sánh số liệu sử dụng điện với ... bảng lương và tài khoản trong ngân hàng của bạn, cân đối "ngân sách" dùm cho bạn và tự động thanh toán tiền điện cho bạn với máy trung tâm ! Những khái niệm trong ví dụ này không phải mới, đã có từ lâu trong giai đoạn "Công nghiệp 3.0" nhưng sẽ được "tích hợp" (integrated) nhiều hơn trong "Công nghiệp 4.0". LIỆU CON NGƯỜI THẤT NGHIỆP VÌ "CÔNG NGHIỆP 4.0" ? Nhiều người sẽ hỏi rằng liệu con người sẽ bị "thất nghiệp" dài dài khi máy móc robot "lên ngôi" ? Câu trả lời đó là "Đúng" VÀ "Không đúng". "Đúng" là trong thời gian trước mắt, một số ngành nghề sẽ bị thay thế bằng "robot", nhưng "không đúng" ở chỗ điều đó không phải ở địa phương hay ngành nghề nào cũng xảy ra. Vì ngay cả khi con người bị robot thay thế, thị trường nghề nghiệp sẽ phát sinh thêm một loạt ngành nghề MỚI cần đến con người nhằm lắp ráp, tái chế, sửa chữa, bảo trì hay lập trình các robot và hệ thống cảm biến đó. Ngày nay, hầu hết các lãnh vực ngành nghề mà chúng ta biết sẽ được kết hợp với robot hay trí tuệ thông minh ở một dạng nào đó để có thể tăng tính "cạnh tranh" trong kinh doanh. Song song đó, cơ thể con người cũng có thể được tích hợp một phần với robot thông minh để điều trị bệnh tật, gia tăng sức mạnh về thể lực hay trí tuệ. Ngoài ra, xu hướng tương lai (sau Công nghiệp 4.0) đó là con người sẽ chuyển sang các ngành nghề mang tính "DỊCH VỤ" nhiều hơn: dịch vụ cho robot và dịch vụ cho con người. Ngược lại khi sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng cũng sẽ có 2 chọn lựa: dịch vụ do robot, dịch vụ do con người đảm nhiệm, hoặc cả hai (Công nghiệp 5.0) ... Nhưng hãy nhớ rằng, dù công nghệ có cách mạng lên tới "5.0, 10.0" hay tiến bộ cỡ nào trong vài chục năm nữa hay các thế kỷ sắp đến, bản chất tự nhiên trong con người chúng ta đó là vẫn thích được nói chuyện và tương tác với những ... CON NGƯỜI "đồng loại" khác, chứ không phải loài robot vô cảm ! VIỆT NAM VÀ "CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0" = "ẢO TƯỞNG" ! Ok, trở lại câu chuyện đầu bài này, việc một thanh niên "startup" tạo ra ứng dụng "đặt vé qua mạng" (online booking) cho một dịch vụ nào đó hoàn toàn KHÔNG PHẢI là "cách mạng công nghiệp 4.0" ! Đặt vé xe, gọi taxi, đặt pizza hay mua sắm qua mạng hay điện thoại thông minh cũng KHÔNG phải là "cách mạng công nghiệp 4.0". Tự động đọc số đo điện nước để tính tiền hóa đơn hàng tháng hay đo đếm lượng điện tải trong từng khu vực cũng chẳng có gì "ghê gớm" và cũng CHƯA phải là "cách mạng công nghiệp 4.0" ... Đúng ra, những tiện ích này chỉ là loại công nghệ 3.0 đã có (ở những nước phát triển) từ khi điện thoại / internet nở rộ trong thập niên 1980, 1990 và 2000 đến nay mà thôi ! Gần đây, tôi thấy nhiều bài báo Việt Nam giật tít những tựa đề về "cách mạng công nghiệp 4.0" - tôi xin lỗi, nhưng có thể nói đó là những "sáo ngữ trống rỗng", "vẽ vời thiếu thực tế" theo kiểu "hữu danh vô thực". Tìm trên Google "thời đại công nghệ 4.0" thì sẽ thấy hàng loạt những tựa đề "thổi phồng" (hype) như vậy ... Tôi chẳng hiểu sao họ có thể "hùng hồn" dám "phán bừa" để rồi dẫn dắt người khác vô một "ảo tưởng" như thế !? Có lẽ một số người ngồi "máy lạnh xe hơi", "máy lạnh văn phòng" quá lâu hay "mới rớt từ cung trăng xuống" nên không có thời gian đi sâu sát chăng ?! Bởi vì thực tế Việt Nam chúng ta đang phát triển theo kiểu "lổn ngổn". Nhưng dù là thế nào, đa số chỉ mới ở 2.0 với một phần "mới chập chững", có nơi "loay hoay" dừng lại hoặc "chưa tiêu hóa nổi" ở 3.0, chứ đừng nói gì đến 4.0 => nằm mơ thôi ! Cho dù hiện nay, nỗ lực "đón đầu" xu hướng Công Nghiệp 4.0 của một số công ty Việt Nam (nhất là những công ty có FDI) là điều đáng khích lệ, nhưng rồi chúng ta chủ yếu cũng rơi về một trong những "lối mòn" mà lâu nay vẫn không có gì thay đổi: 1) "mượn đồ" người khác (về "mổ ra", "xào lại", "dựng lên" hoặc đóng mác của mình để bán lẻ ra thị trường nội địa) 2) "gia công" làm dùm cho người khác (các công ty nước ngoài, FDI) hoặc 3) đồ chúng ta làm, nhưng phải đóng mác của nước ngoài (qua một trung gian) để có thể bán ra thị trường thế giới Khi đối chiếu kết quả từ báo cáo "định hướng nghề nghiệp" cho Việt Nam (như tôi vẫn hay làm dịch vụ cho các bạn), tôi thấy rằng Việt Nam lâu nay đã là một đất nước nặng về "dịch vụ". Trước "dịch vụ", nay "dịch vụ" và mai sau vẫn sẽ là ... "nô lệ cho dịch vụ" ! Về công nghiệp, chúng ta thường không "tự sản xuất" hay "tự lực" được mà chúng ta thường phải "lệ thuộc", "copy" hay "vay mượn" ("nhập về") vật tư, nguyên liệu, công nghệ từ nước ngoài. Bạn không tin ư ? Hãy đi đến tận nơi và điểm danh các tập đoàn nhà máy lớn nhất Việt Nam xem, có đúng như vậy không ?! Bước vào chợ siêu thị ở gần nhà bạn nhất, hãy chỉ ra xem sản phẩm nào từ Công Nghiệp 2.0, 3.0 hay 4.0 mà không có vật tư, công nghệ nước ngoài ?! LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯA CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM LÊN "THỜI ĐẠI 4.0" ? 1/ Câu trả lời ngắn: Với đà này ư ? Còn lâu lắm, có thể ít nhất 50-80 năm cho đến cả hơn trăm năm nữa ! Và có thể Việt Nam thật ra cũng *KHÔNG CẦN* phải phát triển lên đến "Thời đại 4.0" để mọi người mới được no ấm thịnh vượng. Trước mắt, khả thi nhất đó là Việt Nam có thể đóng vai trò "gia công" cho các nước khác để họ phát triển "Công nghiệp 4.0" trên đất nước họ, nhưng chính bản thân nội địa Việt Nam và nhất là đời sống con người ở Việt Nam sẽ CHƯA thể phát triển "Công nghiệp 4.0" trong thời gian tới, ít ra là trong cuộc đời này khi bạn và tôi vẫn còn đang sống. Ngay cả những quốc gia phát triển vẫn cho rằng họ chỉ mới đang "thử nghiệm" khả năng bước lên "Công nghiệp 4.0" trong vài chục năm tới, huống gì là Việt Nam ?! Thống kê của một "thinktank" (chuyên gia tư vấn ý tưởng) nước ngoài cho rằng "đến năm 2018-2020, sẽ có khoảng 30% các tập đoàn lớn sẽ chuyển sang Công nghiệp 4.0". "Tập đoàn lớn" mà họ nói đến là những công ty đa quốc gia "đếm trên đầu ngón tay" chiếm thiểu số trong nền công nghiệp thế giới. Và con số "30%" là một con số cũng "khá lạc quan", vì thực tế có thể không nhiều đến như thế. Và nếu có những tập đoàn lớn "ào ào" nhảy vào "Công nghiệp 4.0" (như một ... dịch cúm!), vấn đề xảy ra đó là vì LỢI ÍCH, họ sẽ tìm cách "hất văng" các công ty đối thủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay "startup" khác, có thể là bằng "lobby" (vận động hành lang) chính sách, thu tóm hay giá cả sản phẩm trên thương trường - và đây cũng chính là một yếu tố kìm hãm phần nào bước tiến đa dạng của "Công nghiệp 4.0". Về việc tại sao Việt Nam có thể không cần đến "Công nghệ 4.0", có một câu chuyện như vầy. Trong đầu thập niên trước (năm 2000), có một người bạn tôi muốn đem về Việt Nam hệ thống rửa xe ô tô hoàn toàn tự động. Đây là hệ thống tân tiến nhất thời bấy giờ, điều khiển hoàn toàn bằng robot từ việc cảm biến xe chạy vào, xịt nước và xà phòng, chà rửa rồi sấy khô cho xe. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị ông bố anh ấy ở Việt Nam bác bỏ hoàn toàn, và cho tới giờ này 20 năm sau, những gì ông ấy nói vẫn còn đúng. Đó là chi phí để rửa xe bằng con người ở Việt Nam quá rẻ và sạch hơn, nên không lý do gì mà lại đầu tư vào một hệ thống quá đắt tiền ! Năm 2000, giá rửa xe ô tô tự động ở Canada hay Mỹ trung bình là USD $10 - $15. Thời đó, $1 USD đổi ra được 11.000đ VND và một chỉ vàng chưa tới 500.000đ. Nếu muốn rửa ô tô thì thời đó phải bỏ ra tương đương 1/3 chỉ vàng, giá trị hơn 1,2 triệu đồng VND hiện nay (2017). Với giá hệ thống rửa xe lúc đó nhập về lên đến cả hơn triệu đô: quá đắt, chừng nào mới thu hồi được vốn ?! ... 2/ Câu trả lời dài: "Công nghệ" dù gì cũng chỉ là một "công cụ" - để sử dụng công cụ đó cho hiệu quả thì đằng sau đó phải được hậu thuẫn bởi một "TƯ DUY" vừa có trí tuệ và có tầm nhìn của "con người". Đó là cả một quá trình thay đổi lâu dài trong "Ý THỨC" qua việc giáo dục, rèn luyện văn hóa và quan trọng hơn đó là sự hình thành nhân cách. Và điều này xảy ra không phải ở một vài cá nhân, tập đoàn, "băng nhóm" mà là sự đồng lòng, đoàn kết của cả một dân tộc hay XÃ HỘI. Tại sao nước Đức (cha đẻ của khái niệm "Công Nghiệp 4.0") hay Nhật Bản - những đất nước từng bị hoang tàn vì chiến tranh thậm chí còn "nát" hơn cả Việt Nam lại có thể đứng dậy và nhanh chóng trở thành những cường quốc như ngày hôm nay ? Tại sao một đất nước bé tí như Singapore lại có tiềm lực tài chính, công nghệ, giáo dục và ý thức vệ sinh công cộng tốt hơn Việt Nam ? Chìa khóa rất đơn giản: đó là vì đầu tiên, họ biết tự nhìn nhận mình YẾU ĐUỐI và KHIÊM TỐN. Dù hiểu biết về lịch sử, nhưng họ không ra rả vỗ ngực xưng danh "xuất thân ba đời nhà mình" là "con rồng cháu tiên". Họ không ảo tưởng rằng họ đang sống trên một đất nước "rừng vàng biển bạc" hay chủ quan rằng quê hương luôn sẵn có "chùm khế ngọt". Họ cũng chẳng "sính ngoại" đến nỗi rủ nhau lũ lượt di tản qua những châu lục quốc gia khác để sinh sống, mà họ chọn ở lại để xây dựng nó, hay "thu gom" mọi kiến thức tốt nhất ở phương xa rồi quay lại đất nước họ để có thể cải thiện thay đổi nó. Trong giai đoạn đen tối nhất, họ chỉ thấy một điều duy nhất, rằng: họ đã sai. Đối với họ, việc "chiến thắng ngoại xâm hay bao nhiêu thế lực trong Quá khứ" không quan trọng bằng việc làm sao để chiến thắng với chính bản thân mình ở Hiện tại. Họ chấp nhận sự thật rằng họ đang thua kém người khác ở những đất nước xung quanh. Đó là một nỗi nhục nhã chung mà mỗi công dân họ tự cảm thấy, ý thức được và chia sẻ nội bộ với nhau. Và để vượt qua cái "sai" đó, họ không "đổ lỗi" cho người khác hay hoàn cảnh mà họ tự KỶ LUẬT với chính mình, thể hiện qua nhiều vấn đề ý thức trong đời sống hàng ngày. [Liên tưởng đến quy tắc "tự đổi đời" trong Chiêm Tinh Học, "tự kỷ luật với chính mình" cũng chính là nỗ lực để thay đổi "cung Nhà thứ 1" (số mệnh, số mạng) trên lá số] Trong xã hội của họ, dù "hạ lưu" như cô Tấm hay "thượng lưu" như nàng Cám thì cả hai Tấm và Cám đều phải biết XẾP HÀNG theo thứ tự khi mua sắm, lấy đồ ăn hay nhận lãnh quyền lợi ở nơi công cộng. Cả hai vẫn đều có giá trị đóng góp vào công cuộc xây dựng chung, không phải là cái cớ để rồi khinh bỉ, dùng thủ đoạn bon chen, hãm hại, "dìm hàng" hay giết nhau vì những lý do cá nhân, băng nhóm, tham lam sân si và "thù vặt" vớ vẩn ... [Ý thức về "tài sản / vật chất / giá trị" chính là "cung Nhà thứ 2"] Ngoài ra, có những dấu hiệu cơ bản khác để chúng ta dễ thấy mỗi ngày và nhanh chóng biết được khi nào Việt Nam sẵn sàng cho "Công nghiệp 4.0". Đó là hãy nhìn vào "ý thức khi tham gia giao thông" [cung Nhà thứ 3] và "ý thức bảo vệ môi trường" [cung Nhà thứ 4]. Ngày nào hai ý thức tối thiểu này chưa được "quán triệt" thì ngày đó "công nghiệp 4.0" đối với chúng ta vẫn còn ... "xa lắm" ! Cuối cùng, dù có tiền mua được trong tay "Công cụ 4.0" đi chăng nữa nhưng "Tư duy" chỉ mới "2.0" thì chẳng khác nào quăng một chiếc máy tính hiện đại cho một em bé hay một ... con khỉ: chưa đủ suy nghĩ trí tuệ mà chỉ biết "đập phá", suốt ngày thích "bú, mút" hay tìm cách làm sao móc rút ra thật nhiều "kẹo". Và em bé càng không thể "chạy" (4.0) khi chưa hề học xong vững vàng cách "bò dậy" và "bước đi" (2.0, 3.0). ---- Tác giả: Thầy Chòi Chiêm Tinh, Nhà cải cách 30+ năm sống và làm việc tại Canada, nhà đầu tư công nghệ (Thảo đoán thôi chớ chưa gặp bác ngoài đời), Doanh nhân đầu tiên ứng dụng "Trí tuệ nhân tạo" & Robot vào công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp & tương hợp tình duyên. Thầy nghiên cứu & chia sẻ về Chiêm tinh học như 1 môn khoa học có thể chứng minh được để đưa cái nhìn đa chiều kích về TÂM LINH (tâm thức + linh hồn) trong tương giao của tiếng nói lương tâm "phúc cho ai không thấy mà tin" (ai nói quên rồi nè) và năng lực tự làm chủ chính mình để tu tân - tề gia - trị quốc... TÂM LINH hoàn toàn khác với MÊ TÍN (mê lầm cuồng tín bám chấp vào một niềm tin thiếu luận cứ khoa học) Gửi ý nguyện được hầu chuyện thầy ngoài đời Biết ơn! Hình minh hoạ: Linh Thảo chọn 10 phim Hollywood đưa cái nhìn cải cách về tầm nhìn tương lai, cú sốc văn hoá và bản chất thật - lành - đẹp của con người. Lưu ý có những phim ra đời cách nay gần 20 năm. Các nhà quản trị và khởi nghiệp quan tâm Đổi mới sáng tạo và thiết kế trải nghiệm thời đại 4.0 nên xem để tự kiến tạo tầm nhìn vượt trước 50 năm tới cho bản thân nhé. Linh Thảo, Sáng lập Vietnam Creative Festival Đối tác cấp quốc gia tổ chức Creative Business Cup tại Việt Nam Innovation Coach