"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới này." Mahatma Gandhi. (“Be the change that you wish to see in the world.”) ** Tôi tình cờ coi một đoạn video sáng nay, trong đó có kể câu chuyện về 3 con người. Người thứ nhất, đi ra khỏi tiệm bánh và vứt rác xuống đường. Người thứ hai nhìn thấy người thứ nhất và phê phán anh ta "hành vi này là xấu...". Người thứ ba, nhặt rác lên làm cho đường sạch hơn. Bạn có bao giờ nghĩ đến tương lai của chính mình, và của của doanh nghiệp mà bạn đang góp phần xây dựng? Nó sẽ như thế nào? Từ rất nhiều năm nay, câu hỏi này luôn xoáy đi xoáy lại trong tôi. Tôi tin rằng, mỗi người, mỗi doanh nghiệp đều cần trở thành con người thứ ba trong câu chuyện ở trên - xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo cách của mình. Không chỉ nhặt rác lên - làm cho thế giới bớt xấu xí hơn, chúng ta còn cần phải trồng hoa - tạo ra những điều đẹp đẽ mà trước đây chưa từng có. Và điều chúng ta cần làm đầu tiên là bỏ bớt rác, trồng hoa trong chính mình, và cộng đồng xung quanh mình. Chúng ta có trách nhiệm xây dựng một xã hội tươi đẹp hơn. Không chỉ bằng niềm tin, bằng lời nói mà bằng những hành động rất cụ thể, rõ ràng. Trong một bài viết trước tựa đề CEO LỚN - từ Tầm nhìn cho tới Con người, tôi từng chia sẻ về Văn hóa trong doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa mạnh nếu mọi người (hoặc tỷ lệ rất cao) cùng tin rằng: 1 Ý nghĩa Chúng ta đang đi nhặt rác, trồng hoa - Việc chúng ta làm là có ý nghĩa, có giá trị cho cuộc sống. Chúng ta cần tiền cho cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng ta làm việc không chỉ vì tiền, mà vì cả tình yêu vào công việc, vào ý nghĩa, giá trị mà công việc đem lại cho mọi người. 2 Sáng tạo Vì tình yêu đó, chúng ta có thể ngày đêm rèn luyện, để nâng cao chính mình và đồng đội của mình, để cống hiến một "cuộc chơi" vui hơn, đẹp hơn, ấn tượng hơn. Như một người nghệ sỹ luôn tìm cách nâng cao nghệ thuật của mình, chúng ta cần liên tục học và sáng tạo ra những điều mới lạ hơn, thú vị hơn, có giá trị cho mọi người hơn. 3 Tôn trọng Ai cũng có câu chuyện để kể, ai cũng là chuyên gia về một vấn đề gì đó mà bạn chưa giỏi, vì thế cần lắng nghe nhau. CEO cũng lắng nghe người bảo vệ góp ý. Chúng ta trân trọng nhau và cùng ghi nhận ý kiến của nhau, tin tưởng nhau đều có thể xuất phát từ tâm tốt, và có thể đóng góp được giá trị cho mục đích chung. Chúng ta có thể đối lập (khác ý kiến, cùng mục đích), nhưng không đối nghịch (khác mục đích). Chúng ta minh bạch điều chúng ta muốn, chuyện chúng ta làm và cách chúng ta tương tác cùng nhau. Mấy ngày vừa qua, "cư dân mạng" rộ lên chuyện đề xuất chuyển đổi chữ viết tiếng Việt của một người. Tôi lướt qua hàng chục bài của mọi người và cảm thấy lòng rất buồn. Tôi cho rằng, ngoài ba nguyên lý vừa nêu trên, chúng ta còn cần tham khảo chữ THINK (Suy nghĩ) trước khi nói hay chia sẻ bất kỳ điều gì: T - is it True? Nó có Thực không? H - is it Helpful? Nó có Giúp mọi người không? I - is it Inspiring? Nó có truyền Cảm hứng? N - is it Necessary? Nó có Cần thiết? K - is it Kind? Nó có Dịu dàng, Yêu mến? Tôi cho rằng phần lớn các bài viết đó đều không hướng về ba nguyên lý tôi vừa nêu trên và chữ THINK. Có lẽ chúng ta không nhận ra rằng khi chúng ta phản ứng với những điều chúng ta không thích bằng cái quyền được nói xấu, chê bai, phân tích,... chúng ta đang "xả rác" vào mạng xã hội. Chúng ta giống như người thứ nhất, hoặc như người thứ hai. Hãy thử dừng lại một chút và nghĩ ngợi về chính mình, gia đình mình và công ty của mình sẽ nghĩ gì khi họ thấy: - Chúng ta bôi nhọ, dẫm đạp lên ý nghĩa công trình của người khác? - Chúng ta đạp đổ sự sáng tạo của người khác dù có thể còn thô sơ? - Chúng ta có tôn trọng một con người khi làm vậy? - Chúng ta có làm rõ lý luận của mình đúng sai ra sao? - Chúng ta có giúp xã hội tốt đẹp hơn bằng những lời phê phán? - Chúng ta có truyền cảm hứng cho người khác kiến tạo ra những công trình mới? - Chúng ta có hề truyền đi tình yêu thương? Bạn muốn - bạn trở thành con người như thế nào? - gia đình bạn trở thành như thế nào? - doanh nghiệp bạn trở thành như thế nào? - xã hội trở nên thế nào? Hãy cùng bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất: Trò chuyện, đối thoại, tin tưởng, minh bạch, tôn trọng, sáng tạo, yêu thương, cảm thông,... Về cá nhân, tuy tôi chưa nhận ra những ích lợi của công trình đó một cách tường tận, nhưng tôi vẫn muốn: - Ghi nhận rằng nó mới, lạ. - Muốn tìm hiểu sâu hơn. - Khuyến khích những công trình mới của chính người đó và những người khác. Hãy trở thành người của tương lai, doanh nghiệp của tương lai. ** Tôi sẽ chia sẻ bài viết này trên timeline của mình. Nếu bạn đồng ý với ý kiến của tôi. Xin bạn hãy click vào nút share và viết thêm vài câu chia sẻ ý kiến của mình để bài viết được lan tỏa mạnh. 1,001 trái tim gửi đến bạn. Trần Xuân Hải - Missionizer 20171128