Nghề nhân sự thực sự đang ở giai đoạn bình minh, đang phát triển rất mạnh mẽ. Một phần là do thị trường lao động có quá nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp; một phần do các Start-up trẻ ngày càng nhiều mà công tác đào tạo lại không thể theo kịp thị trường, vấn đề nhân sự ngày càng trở nên đau đầu và khó khăn với cả doanh nghiệp nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn. Tôi nhìn thấy khá rõ xu hướng về đào tạo trong Doanh nghiệp thời gian gần đây. Và cuối cùng thì tôi cũng thấy các doanh nghiệp đang dần đi đúng hướng. Đúng là nếu theo triết lý của Lão Tử, thì có khi chúng ta không cần tác động gì, chỉ cần thuận theo dòng nước thì mọi thứ sẽ trở về quỹ đạo của nó. Giáo dục hay đào tạo là thứ không dành cho tất cả mọi người mà dần dần phải hướng đến cá nhân hoá. Đương nhiên vẫn có những nội dung kiến thức hay kỹ năng có thể học chung được trong một lớp, nhưng đó chỉ nên là một giải pháp trong đào tạo chứ không nên là chìa khoá vạn năng. Các doanh nghiệp nghĩ đến việc làm đào tạo thì lại chỉ hay nghĩ đến tổ chức lớp. Đương nhiên cách này tốt cho doanh nghiệp vì chi phí được tối ưu hoá nhưng nhìn lại hiệu quả đào tạo mà xem? Rất khó đánh giá đúng không? Nhiều buổi offline, hội thảo nói về chủ đề "Đánh giá hiệu quả đào tạo" qua các lớp training như vậy, nhưng đa phần cuối cùng kết luận là khá bế tắc. Nhiều khi mình còn thấy các anh chị tính hiệu quả đào tạo thông qua các công thức ROI gì gì đó khá phức tạp. Thực ra không cần thiết, vừa mệt, vừa không giải quyết vấn đề gì. Vì mấu chốt của đào tạo là tính cá nhân hoá. Mỗi người có một mục tiêu khác nhau, niềm yêu thích học tập khác nhau, phong cách học tập khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, tố chất, tính cách khác nhau. Nên chỉ 1 giải pháp training trong lớp chưa bao giờ là đủ, hơn nữa đó chỉ là một phần rất nhỏ của đào tạo. Vài năm trở lại đây, có 2 từ được nhắc đến nhiều hơn trong đào tạo, và dần trở thành xu hướng, là Coaching (Huấn luyện) và Mentoring (Tư vấn/cố vấn). Theo mình tìm hiểu thì Coaching là hình thức giúp người học tăng nhận thức, kiến thức thông qua việc đặt câu hỏi. Trong 1 buổi coaching, Người Coach chủ yếu sẽ đặt câu hỏi, dẫn dắt để học viên (Coachee) tự tìm ra câu trả lời cho mình. Đây là phương pháp đào tạo theo xu hướng của người phương Tây. Có thể nó bắt nguồn từ phương pháp dạy học của Socrate - nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp. Theo wiki: Phương pháp Sokrates có thể được diễn tả như sau; một loạt câu hỏi được đặt ra để giúp một người hay một nhóm người xác định được niềm tin cơ bản và giới hạn của kiến thức họ. Phương pháp Sokrates là phương pháp loại bỏ các giả thuyết, theo đó người ta tìm ra các giả thuyết tốt hơn bằng cách từng bước xác định và loại bỏ các giả thuyết dẫn tới mâu thuẫn. Nó được thiết kế để người ta buộc phải xem xét lại các niềm tin của chính mình và tính đúng đắn của các niềm tin đó. Thực tế, Sokrates từng nói, "Tôi biết anh sẽ không tin tôi, nhưng hình thức cao nhất của tinh túy con người là tự hỏi và hỏi người khác" Người học Coach và làm nghề Coach ở Việt Nam đang tăng lên. Đa số Coach thì thích phương pháp này, nhưng theo mình quan sát thì không phải Coachee nào cũng thích phương pháp này. Phương pháp này khá tốn thời gian của cả hai bên, có rất nhiều nguyên tắc ràng buộc người Coach trong quá trình giúp đỡ Coachee học, đặc biệt là Nguyên tắc KHÔNG ĐƯA RA LỜI KHUYÊN. Người Coach chỉ được hỏi, hỏi đến khi nào Coachee bật ra vấn đề thì thôi. Nên đôi khi quan sát 1 buổi Coach tôi thấy nó mất khá nhiều thời gian mới giải quyết xong vấn đề trong khi dùng phương pháp tư vấn, cố vấn thì nhanh hơn nhiều. Dù sao đây cũng là một phương pháp hay. Và đã có doanh nghiệp áp dụng Coach trong đào tạo nội bộ, điển hình tôi thấy là VNG, họ đã xây dựng 1 team Coach nội bộ cho doanh nghiệp mình và xây lộ trình phát triển kỹ năng Coach cho họ, sau đó phục vụ cho cá nhân trong doanh nghiệp. Hình thức đào tạo thứ hai đang được nhắc đến là Mentoring. Với phương pháp này, người Mentor là người có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tốt được giao hướng dẫn, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các cá nhân có nhu cầu. Tức là khi ta ở doanh nghiệp mà có vấn đề không giải quyết được, ta biết đâu là người có thể giúp chúng ta trả lời những thắc mắc đó. Các bạn trẻ bây giờ có nhu cầu tìm Mentor rất cao. Thế hệ 9x là thế hệ của sự TỰ CHỦ. Họ thích tự do làm những gì mình muốn, chủ động trong công việc của họ, nhưng sự giới hạn về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vẫn là điểm yếu của họ. Mỗi khi bối rối, họ cần người chia sẻ, trò chuyện, tư vấn, rồi xong họ lại lao vào làm. Cách này rất phù hợp với họ. Chỉ tiếc là những người có thể làm Mentor không nhiều, cũng không có Hiệp hội như Coaching, không có tổ chức nào về Mentor để hỗ trợ các bạn trẻ. Còn doanh nghiệp thì sao? Có một công ty trong Sài Gòn đã thuê cho các nhân sự key về Marketing của họ 2 Mentor rất giỏi về marketing để tư vấn, review sản phẩm và hỗ trợ họ khi cần thiết, và thuê cho bạn nhân viên nhân sự một Mentor về nhân sự cũng làm công việc đó. Thực sự giải pháp này quá hay, và chi phí không cao, lại giúp cho nhân sự phát triển tốt hơn rất nhiều. Quan trọng là nó thực sự mang tính cá nhân hoá. Rất muốn viết nhiều thêm, sâu hơn, nhưng bài cũng đã dài. Tạm dừng ở đây! Chỉ hứa với các bạn là, đây là mảng tôi rất đam mê - phát triển con người! Nên chắc chắn sẽ cố gắng viết nhiều hơn nữa để phục vụ các bạn nhé!