Tôi nói vậy nghe ngang tai, nhưng đó là sự thật. Đáng tiếc là ở ta có không ít những người trẻ óc chỉ để làm... đầy não. Họ tiếp nhận thông tin một cách bừa bãi, và thường là hấp tấp nhét vào tai bên này rồi lại rơi tuột ra ngay tai bên kia; rất ít thông tin được chuyển hoá thành kiến thức. (Hồi còn đi học, tôi thậm chí thấy sinh viên nhà mình ít chịu hỏi, ít chịu phản biện hơn các bạn Campuchia - vốn vẫn được ta ngang nhiên coi là “đàn em”) Khi tiếp nhận thông tin thì việc đầu tiên cần làm là sử dụng bộ óc để... nghi ngờ (doubt/skepticize) thông tin đó, kể cả thông tin từ thầy. Chứ không phải chưa kịp nghĩ đã lao vào like và share một cách tuỳ tiện. Nghi ngờ thông tin không có nghĩa là không có niềm tin vào tri thức. Nghi ngờ thông tin là lật lại vấn đề, nhìn nhận vấn đề từ những góc nhìn, quan điểm khác nhau. Tây nó gọi cái này là “critical thinking”. Muốn “nghi ngờ” thông tin người khác loan tải thì cần phải có quan điểm, hệ quy chiếu riêng, tức là có nhận thức, hiểu biết, cách nhìn nhận, đánh giá riêng. Có quan điểm riêng nhưng không được cố chấp, mà tâm phải luôn mở để bày tỏ hiểu biết đó của bản thân cũng như tiếp nhận hiểu biết của người khác. Tức là phải sẵn sàng đón nhận sự phản biện, chia sẻ từ những người đứng ở điểm quan sát khác, từ đó hiểu biết đầy đủ hơn về sự việc đang xem xét. 5 ông thầy bói mù có 5 quan điểm khác nhau về con voi, và có thể nói là cùng chính xác trong phạm vi góc nhìn của họ. Nhưng nếu họ lắng nghe nhau thì sẽ hình dung chính xác hơn về con voi. Ham học hỏi là tốt, nhưng hãy bắt đầu việc học bằng cách biết nghi ngờ, biết đưa ra những câu hỏi “cái gì”, "tại sao", “thế nào” để bộ óc tập phê bình (criticise). Làm như vậy bạn mới có thể tiếp thu và hoàn thiện tri thức của bản thân. Rất mong các bạn thanh niên dám nghi ngờ và biết đặt câu hỏi đúng để tri thức có cơ hội được hoàn thiện, thăng hoa . Giờ thì khoan hẵng “like” hay “ném đá”. Hãy tự hỏi xem “bài này viết có dụng ý gì?”