Hết giờ làm việc, thay áo blouse ra là mình thành bạn của mấy em nữ hộ sinh, cặp kè đi ăn trưa tám tạo nghiệp. Có lần đợi nhau ăn, ẻm đứng ngắm giỏ bông bệnh nhân tặng bác sĩ khám buột miệng rằng "biết chừng nào tụi em được bệnh nhân tặng bông như vầy", trời ơi thương gì đâu. Ngẫm lại, thật ra để một thai kỳ suôn sẻ an lành, là công sức của nhiều người lắm chớ. Cô tiếp đón, bạn thư ký y khoa lo hồ sơ giấy tờ, em kỹ thuật viên lấy máu xét nghiệm....Khi sanh đẻ cần nữ hộ sinh túc trực ở bên, và nhất là bác sĩ gây mê khi muốn đẻ không đau hay mổ lấy thai...Mà không nhiều người nhớ đến những người đồng hành này! Cũng phải, bác sĩ khám như nhạc trưởng vậy đó, tổng chỉ huy và chịu trách nhiệm chính. Những người còn lại không đủ "lâu" để bệnh nhân kịp nhớ tên. Hồi lâu mình có đọc cuốn sách người ta bao rằng, một công việc tốt không hẳn là công việc giúp kiếm nhiều tiền, mà là công việc nhận được nhiều lời cảm ơn. Mấy "nhạc công" của bài ca "theo dõi thai" chắc cũng vui khi bác sĩ nhạc trưởng được cảm ơn, khen ngợi, mà cũng không cần gì. Với họ, công việc mang lại niềm vui là đủ. Bản thân mình thuộc dạng "khó gần". Mình làm hết trách nhiệm, nhưng muốn có thế giới riêng của mình, và rất khó kết thân với ai đó. Cũng như mọi bác sĩ khác, mình có những câu chuyện nhớ đời, nhớ từng chi tiết của bệnh nhân, nhưng để thân thiết thì khó. Vì vậy mỗi khi thấy bạn bè đồng nghiệp xung quanh được bệnh nhân thương mến, mình nể phục vô cùng. Phải giỏi và thật tận tâm, mới mong được như vậy. Trở lại câu chuyện ở trên, mình cảm nhận người muốn được "công nhận", là người sẽ còn ra sức cố gắng làm việc tốt. Chứ tới lúc "làm cho xong", không cần gì nữa, mới mệt