Ông Emmanuel Macron, đã trở thành tổng thống Pháp trẻ tuổi nhất và tạo nên một cơn chấn động trong dư luận thế giới. Macron không chỉ là một chính khách, ông còn là một doanh nhân. Vì sao lại như vậy? Trong 5 lý do thành công của ông Macron mà BBC mới đưa ra, bỏ qua các yếu tố chính trị, ta có thể tìm thấy nhiều điều gần gũi với công việc của một người bán hàng. Thứ nhất: Không chỉ gõ cửa, phát tờ rơi cho 300.000 gia đình, các tình nguyện viên của Macron còn tiến hành phỏng vấn sâu với 25.000 người. Các thông tin quý giá này được tập hợp về một cơ sở dữ liệu lớn, giúp đưa ra các chính sách tranh cử sáng suốt. Hãy để ý đến từ “phỏng vấn sâu”. Tâm lý con người giống như tảng băng trôi, 3 phần nổi là những gì người khác dễ cảm thấy, 7 phần chìm là những điều họ khó nói ra, gọi là sự thật ngầm hiểu (customer insight). Nếu như chỉ phát tờ rơi, “khách hàng” của ông Macron chỉ nhận thông tin, mà ông ấy chẳng biết họ nghĩ gì. Cuộc phỏng vấn sâu giúp ông ấy thâm nhập được vào những “phần chìm” trong suy nghĩ cử tri. Trong cuộc chiến trong tâm trí khách hàng, thương hiệu nào chiếm giữ được những “phần chìm” luôn khiến khách hàng lựa chọn nhiều hơn. Thứ hai: Macron không giải thích mình làm gì cho nước Pháp, mà nói rõ người dân sẽ có những cơ hội gì khi ông cầm quyền. Elmer Wheeler (1903 – 1968) người Mỹ, một chuyên gia bán hàng lừng danh thế giới từng tổng kết cách bán hàng đắt khách của mình rằng “Hãy bán âm thanh xèo xèo hấp dẫn, chứ không phải miếng bít tết”. Có vẻ như ông Macron đã vận dụng triệt để nguyên tắc này: Không “bán” những gì mình có, mà “bán” lợi ích của người “mua”. Điều thứ ba, không nằm trong danh sách của BBC, nhưng tôi nghĩ rằng nó là điều rất quan trọng với một người “bán hàng”. Ấy là chuyện tình đẹp như cổ tích với bà Brigitte hơn mình 24 tuổi. Điều tra xã hội cho thấy cử tri Pháp không để chuyện đời tư của ứng viên làm ảnh hưởng đến lá phiếu. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi diễn ra vòng bầu cử thứ hai, hầu như tất cả nữ cử tri cho rằng “chuyến bay” của phi công trẻ Macron khiến họ cảm thấy rất phấn khởi. Khi bán hàng, có một câu chuyện hay để kể luôn khiến cho “hàng hoá” của mình “ăn khách” hơn. Hơn thế nữa, câu chuyện ấy lại rất phù hợp: khẳng định con người có lập trường, biết yêu, thể hiện bản lĩnh đàn ông. Điều đó cũng gián tiếp thể hiện khí phách nhà lãnh đạo... Không biết ông Macron "bán hàng giỏi" có phải vì ông đã từng là nhân viên ngân hàng đầu tư tại Rotschild & Cie, và từng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Dữ liệu số Pháp hay không? Chỉ biết nhiều người sinh ra là để bán hàng rồi! Chuyến đi buôn này, tay “nhà buôn” lọc lõi Macron thắng đậm, nhất là trong tâm trí của các cử tri nữ. Thanh Phương Link bài viết: CHUYẾN ĐI BUÔN CỦA ÔNG MACRON