Viết cho những khó khăn ở quá khứ, những trở ngại ở hiện tại, và cho những thử thách phía trước) Bọn tôi vẫn thường hay nói đùa, ranh giới giữa kiên định và bảo thủ cố chấp, thực chất nằm ở kết quả. Nếu bạn thành công, người ta sẽ nói bạn kiên định với tín niệm, vì thế nên đã vượt qua bao nhiêu gian nan thử thách, bất chấp mọi người ngăn cản…blah blah. Nhưng nếu bạn thất bại, người ta nói bạn là ngu ngốc, là bảo thủ, là cố chấp…. Khi bạn thành công, bạn nói cái quái gì chẳng đúng! Dĩ nhiên, đó chỉ là nói đùa. Vì bản chất của hai định nghĩa này, khác nhau không phải ở kết quả phía sau, mà là ở Mục Tiêu ban đầu. Trong tâm lý học, cố chấp là 1 dạng bẫy tư duy. “Ta kiên định khi không hề dao động trước trở ngại trong lúc đang theo đuổi mục đích của mình. Nhưng sẽ vô cùng cố chấp khi ta cứ tiến hành mọi việc theo hướng mà ta biết chắc sẽ dẫn đến một kết cục bế tắc.” Cố gắng làm một việc làm cho ta khó chịu. Cố gắng giữ một mối quan hệ không thể cứu vãn. Cố gắng duy trì công việc đang làm dù nó rất tồi tệ. Cố gắng nuôi doanh nghiệp của mình, dù càng làm càng lỗ… Nhưng, hầu hết chúng ta lại không nhận ra rằng chúng ta đang sa lầy. Sự cố chấp, được định nghĩa là vẫn tiếp tục tiến hành những công việc đã không giữ được giá trị của chúng. Tôi đã từng gặp rất nhiều câu chuyện như vậy trong cuộc sống. Có người đọc một nửa quyển tiểu thuyết, nói rằng nó rất tệ nhưng vẫn ráng đọc cho xong, có khi việc này kéo dài đến cả tháng. Nếu mục đích ban đầu đọc quyển tiểu thuyết đó của họ là để giải trí, thì sau này việc đọc quyển tiểu thuyết đó đã trở thành 1 gánh nặng. Đó là cố chấp! Có người chán ghét công việc của mình, luôn phàn nàn về công việc, về sếp, về đồng nghiệp, nhưng nói nghỉ việc để tìm việc khác thì lại không làm. Mục tiêu làm việc ban đầu của người ấy là có cơ hội thăng tiến, được trọng dụng xứng đáng với năng lực mình, được sinh hoạt và làm việc trong một môi trường tốt. Nhưng bây giờ thì họ đang làm trong một môi trường và điều kiện ngược hẳn với mục tiêu ban đầu, mà họ ko dám thoát ra khỏi “vòng an toàn” để thay đổi. Đó là cố chấp! Hoặc như, cố gắng kéo dài một mối quan hệ mà cả 2 đều đã biết kết thúc, đã không còn thoải mái và vui vẻ như ban đầu, và khó có thể cứu vãn. Là cố chấp hay kiên định, thì còn tùy thuộc vào cả 2 có còn mong muốn như ban đầu hay không. Đây cũng là phương pháp giúp chúng ta thoát khỏi sa lầy, thoát khỏi tình trạng cố chấp theo đuổi một thứ bế tắc. Đó là TÁI ĐÁNH GIÁ LẠI MỤC TIÊU CỦA BẢN THÂN. Mục tiêu đọc tiểu thuyết là giải trí, nếu nó làm ta mệt mỏi, thì không đọc nữa, kiếm sách khác đọc! Mục tiêu của công việc là được sinh hoạt và làm việc trong một môi trường tốt, có cơ hội thăng tiến… Nếu công việc đang làm không đáp ứng được, thì tìm việc khác. Đa số người ta sợ rằng lựa chọn tiếp theo sẽ tệ hơn hiện tại, nên ko dám từ bỏ. Hoặc do đã đầu tư quá nhiều vào thứ đang có, chẳng hạn như doanh nghiệp của mình, đã đầu tư máy móc, công nghệ, xưởng, con người… Giờ mà chuyển hướng thì sẽ ra sao. Và vì vậy họ mắc kẹt trong đó, không thoát ra được. Tôi đã từng. Khi tôi nói chuyện với em tôi và 1 bạn học trò về khởi nghiệp, tôi dành rất nhiều thời gian để nói kỹ trong phần Định Hướng và Phân Tích Để Chọn Ngành. Bởi tôi đã vướng vào sai lầm đó, nên tôi không muốn các em ấy bị sa lầy giống như tôi. Lần gặp gần nhất, Thầy đã nói, nếu đã biết mình sai, thì phải từ bỏ! Cho dù đã đầu tư bao nhiêu công sức, tiền bạc, thời gian vào, cũng phải bỏ! Bởi vì làm nữa cũng là vô ích! Dĩ nhiên ko phải nói bỏ là bỏ, mà cần phải có 1 quá trình để thoát từ từ. VD như định hướng ngành của bạn sai, bạn biết chắc có làm thêm nhiều nữa, đầu tư nhiều hơn nữa cũng ko thể lớn mạnh hơn, thì bạn phải tìm ra một hướng khác để đi. Nhưng hiện nay nó là nguồn thu nhập lớn nhất của bạn, thì bạn vẫn nên duy trì nó, trong thời gian đó thì nghiên cứu tìm một hướng đi khác tốt hơn, có tương lai hơn. Một mối quan hệ, đã không còn ai muốn tiếp tục, thì tại sao phải ở bên nhau để cho cả hai cùng khó chịu? Một công việc, mà mỗi sáng thức dậy, chúng ta không muốn đến công ty để làm, thì tại sao không đi tìm một công việc khác? Tại sao phải cố chấp? Vì niềm tin người khác đặt lên mình? Vì ánh mắt người khác đặt lên mình? Họ sống thay mình không? Hay vì đã đầu tư quá nhiều, nên “tiếc của”? Hay không dám thừa nhận mình đang thất bại? Hay không dám thoát ra vòng an toàn? Vài dòng, viết cho người cần đọc, và viết để cảnh tỉnh chính mình. Nguyễn Hoàng Nam Ban phát triển năng lực thành viên và doanh nghiệp CEO SG1