CHUNG SỐNG VỚI MẠNG XÃ HỘI

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Bằng Mã, 8/5/17.

  1. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Tôi vừa nói chuyện với một khách hàng. Cô ấy bảo: mỗi khi có tin tốt, dù dùng mọi chiêu quảng bá, lượng người like chỉ được một hai ngàn, nhưng hễ có tin xấu, thì chả ai đụng gì vào cũng có vài chục ngàn người quan tâm, comment, share tùm lum. Mới rồi, có vụ Đồng Tâm, khối người đăng tin theo kiểu "nghe nói" mà cũng lan toả chóng mặt với cả vạn người tin theo. Một vài tờ báo, đăng tin cáo buộc doanh nghiệp theo kiểu đặt câu hỏi chấm, không kiểm chứng thông tin, mà mạng xã hội dậy sóng, doanh nghiệp lao đao.

    Mặc dù Mark Zuckerberg vẫn tiếp tục phủ nhận rằng Facebook là một tờ báo điện tử thì động thái cung cấp tính năng truyền video trực tiếp (live video streaming) cho tất cả mọi người của ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đang biến nó thành một đài truyền hình trực tuyến khổng lồ.

    Đó chỉ là một trong nhiều cơ sở để tin rằng, truyền thông xã hội hoàn toàn có thể hiện hữu, mà ở đó, mỗi cá nhân đều có thể là một kênh truyền tin, với đầy đủ tính năng của một “toà báo” điện tử tích hợp đa phương tiện, với bài viết, hình ảnh, video, đồ thị thông tin, hệ thống tương tác trực tiếp với người đọc.

    Năm 2010, tin tức về vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi ở Tunisia đã lan nhanh trên Facebook, và nhanh chóng thúc đẩy thành những cuộc biểu tình phản đối chính phủ, diễn biến thành một cuộc cách mạng Hoa Nhài theo cách gọi của truyền thông phương Tây. Đó cũng là ngòi nổ của Mùa Xuân Ả-rập, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chính phủ các nước Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya. Năm 2011, tin tức đầu tiên về cuộc đột kích của biệt kích hải quân SEAL và cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden được lan toả trên Twitter. Cũng trong năm 2011, trận động đất và sóng thần kinh hoàng, giết chết hơn 15,800 người ở Nhật Bản đã cắt đứt đất nước này với thế giới bên ngoài, chỉ có Twitter là cầu nối, cung cấp mọi thông tin về diễn biến sự cố, số phận của mỗi cá nhân được cập nhật liên tục…

    Trên thực tế, hầu như nhà báo nào cũng có một tài khoản Twitter. Họ sử dụng công cụ này để dõi theo các nguồn tin, đăng những thông tin ngắn gọn, cấp kỳ trước khi có các bài viết chính thức trên báo chí, đăng lại (retweet) các thông tin mới phát hiện, v.v… Nhiều nhà truyền thông chuyên nghiệp coi Twitter là công cụ quan hệ công chúng quốc tế hữu hiệu nhất, với khả năng lan toả thông tin xuyên biên giới, bất chấp không gian và ngôn ngữ.

    Facebook là mạng xã hội lớn nhất, với số người sử dụng toàn cầu hiện lớn hơn dân số của bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam, con số chưa kiểm chứng là 45 triệu người dùng, so với khoảng 4 triệu vào năm 2012. Với chức năng nguyên thuỷ là kết nối bạn bè, người thân, chia sẻ những câu chuyện riêng tư và những mốc thời gian đáng nhớ, ngày nay Facebook đã vượt rất xa với những tính năng mang tính xã hội rộng lớn. Nó là kênh chia sẻ thông tin lớn nhất, làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của mọi người. Chúng ta đã bắt đầu quen với việc chỉ đọc các bài viết được bạn bè chia sẻ trên dòng trạng thái. Nó là kênh bán hàng trực tuyến hữu hiệu, với đủ chức năng giao dịch, thanh toán. Nó cũng là kênh truyền thông đầy uy lực cho các doanh nghiệp, tổ chức, muốn tiếp cận tương tác trực tiếp với người tiêu dùng và công chúng của mình.

    Tuy vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng, mạng xã hội có những mặt trái của nó. Một con dao sắc trao vào tay người tốt có thể trở thành công cụ lao động tuyệt vời, nhưng nếu rơi vào tay kẻ xấu thì nó lại trở thành hung khí. Đó là thực trạng của Facebook ở Việt Nam hiện nay, và cũng có thể là vấn đề của cả thế giới. Một nhà báo Mỹ kỳ cựu, từng làm việc tại Việt Nam, mới viết dòng trạng thái rằng, anh ấy chỉ thích dùng Twitter để chia sẻ các bài báo và đường dẫn đến các báo chí khác, vì Facebook đã đánh mất tính trách nhiệm đối với thông tin trên đó. Có thể đó là nhận định hơi thái quá, song quả thực sự nhiễu loạn thông tin trên Facebook đang trở thành một vấn đề nóng đối với bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Tính bầy đàn, a dua, thậm chí lựa chọn thông tin để chia sẻ hoặc bình luận một cách thiếu trách nhiệm đã gây ra những khủng hoảng tồi tệ, thậm chí huỷ diệt cả các thương hiệu hoặc con người.

    Mạng xã hội dù ảo, nhưng nó lại là một ma trận kết nối những con người thực lại với nhau, và dù muốn hay không, những người có kết nối vẫn nghĩ rằng họ có quan hệ bạn bè, và vì vậy, họ dễ dàng bị chi phối bởi chính kiến, thông tin và cảm xúc của những người bạn trên mạng. Đó là thứ môi trường “truyền miệng” khổng lồ, là loại hình truyền thông lâu nay vẫn được coi là hữu hiệu nhất trong việc định hướng thay đổi thái độ và hành vi con người. Một số cá nhân có khả năng gây ảnh hưởng lên công chúng, thường được giới truyền thông gọi là KOL (key opinion leader), đóng một vai trò hết sức quan trọng. Việc họ đưa ra suy nghĩ tích cực hay tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và hành xử của đám đông quanh họ.

    Báo động là, báo chí chính thống bắt đầu làm tin dựa trên những gì họ đọc được trên mạng xã hội, thậm chí nương theo xu thế của mạng xã hội. Bắt đầu có hiện tượng một số nhà báo salon, ngồi trong nhà, nhặt nhạnh thông tin trên mạng xã hội để viết bài. Vô tình, họ xác nhận vô thức những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng, rất dễ bị mạng xã hội dắt mũi.

    Câu hỏi đặt ra là, với cả hai mặt truyền thông tốt và xấu đó, các tổ chức, cá nhân có nên tham gia mạng xã hội hay không? Hay nói đúng hơn là nên ứng xử với nó như thế nào?

    Trước hết, phải nhìn nhận là sự tồn tại và phát triển của mạng xã hội là tất yếu. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ di động, mạng xã hội lại ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành công cụ đa năng không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nói một cách khác, dù muốn hay không, mạng xã hội sẽ tiếp tục phát triển và chi phối truyền thông.

    Điều đó có nghĩa là mọi cá nhân và tổ chức đều không thể né tránh, mà ngược lại cần chủ động tham gia vào cuộc chơi của truyền thông xã hội. Trong thế giới truyền thông mở, tương tác và phân hoá cao độ, vai trò của các kênh truyền thông nội tại là hết sức quan trọng. Mỗi đơn vị, tổ chức, ngay cả các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, cũng phải xây dựng cho mình các kênh truyền thông xã hội hữu hiệu, không chỉ là nơi cung cấp các thông tin báo cáo khô cứng, mà thực sự kết nối với hơi thở của xã hội, nhanh nhạy điều chỉnh thông tin sai lệnh, kiểm chứng các thông tin đúng, và chủ động cung cấp thông tin thiết yếu cho cộng đồng.
    Truyền thông hiện đại đề cao chiến lược phối kết hợp kiểu thế chân vạc, gồm các kênh truyền thông tự sở hữu (owned media), các kênh truyền thông trả tiền (pay media), và các kênh truyền thông tự lan toả (earned media). Chủ động mở kênh truyền thông xã hội chính là một phần của owned media vậy.

    Còn mở như thế nào, thì lại là một chủ đề khác, xin hầu chuyện bạn đọc sau.

    Lê Quốc Vinh
    Chủ tịch & CEO, Le Group of Companies
    Đồng sáng lập Elite PR School

    Link bài viết:
    CHUNG SỐNG VỚI MẠNG XÃ HỘI
     
    Last edited by a moderator: 18/5/17
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...