CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN VÀ NHỮNG NHÀ KHOA HỌC THÍCH ĐÙA RẤT DAI

Thảo luận trong 'Bệnh Viện, Phòng Khám, Công Ty Dược Phẩm' bắt đầu bởi Nhà thuốc Đức Hàng Mã, 5/9/22.

  1. Gần nửa thế kỷ trước, nhà tâm lý học Dennis Upper công bố một bài báo đáng chú ý trên Journal of Applied Behavior Analysis, số Mùa Thu năm 1974. Công trình của Upper mang tên “The Unsuccessful Self-Treatment of a Case of “Writer's Block” – tạm dịch: “Tự điều trị không thành công một trường hợp bí ý tưởng” – phản ánh hết sức trung thực và là kết quả trực tiếp của thất bại trong việc tự điều trị tình trạng bí ý tưởng.
    Thật vậy, do bí ý tưởng nên tác giả Dennis Upper đã không viết được bất kỳ một chữ nào trong nội dung công trình. Tuy thế, bản thảo lại nhanh chóng được tạp chí chấp nhận công bố ngay mà tác giả không cần phải chỉnh sửa gì thêm (published without revision) – một kết quả vô cùng đáng thèm muốn với bất kì ai đã từng trải qua năm lần bảy lượt sửa tới sửa lui bản thảo để được các tạp chí đăng tải.
    Chuyên gia bình duyệt bài báo cho biết người này đã nghiên cứu bản thảo rất kĩ lưỡng bằng cả nước chanh lẫn tia X và không phát hiện bất kì sai sót nào trong thiết kế nghiên cứu hoặc cách viết. Ngoài ra, chuyên gia nhận định bài báo tuy ngắn gọn nhưng đã cung cấp đầy đủ chi tiết cho phép các nhà khoa học khác lặp lại nghiên cứu của tác giả.
    Tuy là bài báo khoa học ngắn nhất trong lịch sử xuất bản hàn lâm, công trình “Tự điều trị không thành công một trường hợp bí ý tưởng” của Upper nằm trong số những bài báo được trích dẫn nhiều nhất của nhà tâm lý học này với hơn 100 lượt trích dẫn. Quan trọng hơn, bài báo này liên tục duy trì được ảnh hưởng của nó suốt gần 50 năm qua, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều công trình khác cho tới tận thời điểm hiện tại.
    *
    Tuy được giới tâm lý học hành vi rất quan tâm, mãi 10 năm sau khi xuất hiện trên Journal of Applied Behavior Analysis, nghiên cứu của Dennis Upper mới được tác giả Geoffrey Molloy tại Đại học Monash kiểm chứng khả năng tái lập. Tháng 10/1983, Molloy xuất bản bài báo “The Unsuccessful Self-Treatment of a Case of “Writer's Block”: A Replication” – tạm dịch: “Tự điều trị không thành công một trường hợp bí ý tưởng: Một nghiên cứu lặp lại” – trên tạp chí Perceptual and Motor Skills. Công trình của Molloy cũng không có bất kỳ nội dung gì, và là bằng chứng rõ ràng, thuyết phục nhất về khả năng tái lập nghiên cứu của Dennis Upper.
    Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau đó, cũng trên chính tạp chí Perceptual and Motor Skills, tác giả Bruce Hermann tại Đại học Illinois công bố một bài báo cho thấy kết quả nghiên cứu của Dennis Upper không hoàn toàn có khả năng lặp lại. Thật vậy, trong công trình mang tên “Unsuccessful Self-Treatment of a Case of “Writer's Block”: A Partial Failure to Replicate” – tạm dịch “Tự điều trị không thành công một trường hợp bí ý tưởng: Thất bại một phần trong nghiên cứu lặp lại” – Hermann chứng minh luận điểm của mình bằng một lập luận ngắn gọn, rằng “Self-treatment of "writer's block", while generally reported to be unsuccessful (Molloy, 1983; Upper, 1974), may not be entirely without merit. I say this becau” – tạm dịch: “Tự điều trị bí ý tưởng, tuy thường được ghi nhận là không thành công (Molloy 1983, Upper 1974), có thể không hoàn toàn vô giá trị. Tôi nói điều này bở”. Như vậy, trong khi Upper và sau đó là Molly đều thất bại tuyệt đối trong việc điều trị bí ý tưởng thì Hermann chỉ thất bại một phần khi tác giả này đã có thể viết được tới hơn một câu với độ dài 23,7 từ trong công trình của mình.
    Do tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu, tháng 8/1984, tác giả Kenneth Olson đã công bố một bài báo tổng quan tóm lược các công trình đã công bố. Bài báo “Unsuccessful Self-Treatment of “Writer's Block”: A Review of the Literature” – tạm dịch: “Tự điều trị không thành công bí ý tưởng: Tổng quan tài liệu” – của Olson có nội dung ngắn gọn như sau: “Several replicated case studies of the unsuccessful self-treatment of "writer's block", first reported by Upper (1974), have recently been published (Hermann, 1984; Molloy, 1983). Review shows that the consistent outcome of these studies is” – tạm dịch: “Một số nghiên cứu tình huống lặp lại về việc tự điều trị không thành công bí ý tưởng, được ghi nhận lần đầu tiên bởi Upper (1974), đã được công bố gần đây (Hermann 1984, Molloy 1983). Tổng quan tài liệu cho thấy kết quả nhất quán của các nghiên cứu này là”.
    Bài báo tổng quan của Olson dường như đã khiến giới tâm lý học càng quan tâm hơn đến đề tài nghiên cứu thú vị này. Trong khi 3 công trình của Upper, Molly và Hermann đều cho thấy kết quả thất bại của việc tự điều trị bí ý tưởng đối với cá nhân thì tháng 6/1985, một nhóm 5 tác giả tại Canada đã mở rộng nghiên cứu cho điều trị nhóm. Trong công trình “The Unsuccessful Group-Treatment of “Writer's Block”” – tạm dịch: “Điều trị nhóm không thành công tình trạng bí ý tưởng” công bố trên tạp chí Perceptual and Motor Skills, Skinner và cộng sự chứng minh các nghiên cứu trước đây ở quy mô cá nhân có khả năng lặp lại hoàn hảo khi mở rộng cho điều trị nhóm. Ở phần ghi chú cuối bài báo, nhóm tác giả tiết lộ quá trình điều trị kéo dài tới 2 năm, mỗi tuần 1 giờ, nhưng đều thất bại ở cả 5 tác giả. Đồng thời, nhóm nghiên cứu gửi lời cám ơn đến Philip Muller vì đã giúp chỉnh sửa rộng rãi các bản thảo trước đó của bài báo.
    Nghiên cứu của Skinner và cộng sự không kết thúc sau khi nhóm tác giả công bố bài báo trên. Các tác giả còn tiếp tục theo dõi quá trình điều trị dài hạn trong nhiều năm sau đó. Tháng 2/1996, nhóm nghiên cứu công bố bài báo “The Unsuccessful Group Treatment of “Writer's Block”: A Ten-Year Follow-up” – tạm dịch: “Điều trị nhóm không thành công trình trạng bí ý tưởng: Kết quả theo dõi 10 năm”. Các tác giả cho biết chế độ điều trị 1 giờ mỗi tuần được duy trì trong 10 năm tiếp tục khẳng định những kết quả đã công bố, đồng thời sẽ tìm hiểu xem sự thất bại của quá trình điều trị có phải do hạn chế của việc điều trị nhóm trong điều kiện vắng mặt hay không, bởi một trong các tác giả của bài báo xuất bản 10 năm trước đã chuyển sang làm việc tại một trường đại học khác, và một số người tham gia nghiên cứu ban đầu không có khả năng đáp ứng với trị liệu sau khi qua đời.
    Thêm một thập niên nữa trôi qua nhưng công trình của Dennis Upper vẫn duy trì được sức hút của nó đối với giới nghiên cứu. Cuối năm 2007, một nhóm tác giả từ 4 nước gồm Hà Lan, Úc, Mỹ và Ý tiếp tục mở rộng nghiên cứu về điều trị bí ý tưởng ra khỏi biên giới quốc gia. Trong bài báo “A Multisite Cross-Cultural Replication of Upper's (1974) Unsuccessful Self-Treatment of Writer's Block” – tạm dịch: “Một nghiên cứu đa văn hóa đa địa điểm lặp lại công trình của Upper (1974) về điều trị không thành công bí ý tưởng” công bố trên Journal of Applied Behavior Analysis (cũng là tạp chí đã đăng tải công trình nguyên thủy của Dennis Upper hơn 30 năm trước đó), nhóm tác giả đến từ 4 quốc gia với văn hóa khác nhau chứng minh cực kỳ thuyết phục tính tổng quát trong phát hiện của Upper.
    Patrick Friman, người chịu trách nhiệm bình duyệt bản thảo bài báo này cho biết đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp làm biên tập viên tạp chí, ông chấp nhận đăng tải một bản thảo mà không yêu cầu chỉnh sửa lấy một từ. Bên cạnh đó, Friman hết lòng khen ngợi bản thảo về sự khúc chiết của nó. Ông cũng dẫn lời nhà văn Mark Twain “Tôi xin lỗi vì đã viết dài như vậy. Tôi không đủ thời gian viết ngắn hơn.” để tán thưởng các tác giả vì đã bỏ rất nhiều thời gian viết ra một công trình ngắn gọn đến thế.
    **
    Trước số lượng nghiên cứu cùng khối lượng dữ liệu đã bắt đầu tương đối lớn và không tuyệt đối nhất quán, tháng 8/2014, hai tác giả Derrick McLean và Benjamin Thomas đã tiến hành một phân tích tổng hợp (meta-analysis) nhằm đánh giá khác biệt về hiệu quả giữa điều trị bí ý tưởng ở quy mô cá nhân và quy mô nhóm. Với công trình “Unsuccessful Treatments of “Writer's Block”: A Meta-Analysis” – tạm dịch: “Điều trị không thành công bí ý tưởng: Một phân tích tổng hợp” đăng tải trên tạp chí Psychological Reports, nhóm tác giả đã sử dụng số lượng từ trong nội dung các bài báo từng công bố làm chỉ dấu cho sự thất bại của điều trị bí ý tưởng. Phân tích thống kê rất công phu cho thấy điều trị nhóm có xu hướng ít thành công hơn tự điều trị cá nhân. Thật vậy, trong khi tất cả nghiên cứu điều trị nhóm đều hoàn toàn thất bại khi nội dung các bài báo không chứa bất cứ từ nào, thì một nghiên cứu điều trị cá nhân của Hermann (công bố trên tạp chí Perceptual and Motor Skills vào tháng 4/1984) cho thấy tác giả đã thành công phần nào khi viết được tới 23,7 từ.
    Nhiều nghiên cứu khác tiếp tục phát triển ý tưởng của Dennis Upper và áp dụng vào các lĩnh vực khác nhau. Tháng 11/2016, tạp chí Medical Education công bố bài báo “The Unsuccessful Treatment of a Case of ‘Writer's Block’: A Replication in Medical Education” – tạm dịch: “Tự điều trị không thành công một trường hợp bí ý tưởng: Một nghiên cứu lặp lại trong giáo dục y khoa”. Đến tháng 11/2021, Journal of Trial & Error đăng tải công trình “The Unsuccessful Self-treatment of a Case of ‘Writer’s Block’: A Replication in Science Education” – tạm dịch: “Tự điều trị không thành công một trường hợp bí ý tưởng: Một nghiên cứu lặp lại trong giáo dục khoa học”.
    Không chỉ kiểm định kết quả nghiên cứu năm 1974 của Upper trong từng lĩnh vực riêng lẻ, một nhóm tác giả đã tiến hành đánh giá khả năng tái lập của việc điều trị bí ý tưởng đa ngành. Trong bài báo “A Multidisciplinary Replication of Upper’s (1974) Unsuccessful Self-Treatment of Writer’s Block” – tạm dịch: “Một nghiên cứu đa ngành lặp lại công trình của Upper (1974) về điều trị không thành công bí ý tưởng” công bố tháng 9/2018 trên tạp chí Behavior Analysis in Practice, 6 tác giả làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm Phân tích Hành vi Ứng dụng, Tâm lý Học đường, Tâm lý học Thực nghiệm, Chính sách Giáo dục, Tâm lý Giáo dục và Bệnh học Âm ngữ-Ngôn ngữ lại một lần nữa chứng minh ngắn gọn khả năng tái lập nghiên cứu của Upper.
    Biên tập viên tạp chí Behavior Analysis in Practice nhận định rằng trong bối cảnh ngành tâm lý học đang đối diện với cuộc khủng hoảng tái lập (replication crisis) nghiêm trọng, công trình đa ngành chứng minh khả năng lặp lại nghiên cứu của Dennis Upper được công bố cực kỳ đúng lúc, đóng góp to lớn cho lĩnh vực Phân tích Hành vi Ứng dụng. Hơn nữa, trong khi thiên kiến xuất bản – xu hướng chỉ công bố kết quả can thiệp thành công mà giấu đi các trường hợp thất bại – đã được thừa nhận rộng rãi là một mối đe dọa lớn đối với sự liêm chính của tri thức khoa học, tạp chí Behavior Analysis in Practice lấy làm tự hào vì đã đăng tải kết quả điều trị bí ý tưởng không thành công.
    ***
    Gần nửa thế kỷ nghiên cứu điều trị bí ý tưởng đầy sôi động với hàng loạt công trình đã được xuất bản trên nhiều tạp chí, đáng tiếc, chưa ghi nhận đóng góp của nhà khoa học người Việt nào. Rất nhiều ý tưởng mới có thể triển khai và mở rộng thêm, chẳng hạn: liệu kết quả của Dennis Upper có khả năng lặp lại trên người Việt Nam - khi xét đến đặc trưng chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội, và đặc biệt là yếu tố cơ địa; hay một hướng nghiên cứu thời sự hơn là nhiễm COVID ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng bí ý tưởng?
    Hi vọng rằng trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ sớm chứng kiến người Việt ghi tên vào lĩnh vực nghiên cứu điều trị bí ý tưởng không chỉ vẫn rất tiềm năng, tuy không dễ viết nhưng lại khá dễ đăng bài không phải chỉnh sửa gì, mà còn góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng tái lập ngày càng trầm trọng.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người