Một câu hỏi rất phổ biến mà mình nhận được sau mỗi lần trao đổi với các bạn thực tập sinh ở công ty. Hy vọng ở bài viết này, dưới góc nhìn của một người khối A và đã trở thành một Content Writer hơn 5 năm có thể giúp các bạn giải đáp các thắc mắc và tự tin hơn trên con đường theo đuổi làm Content của mình. 1. CONTENT WRITER LÀ GÌ? Content Writer – người sáng tạo nội dung (người viết hoặc xây dựng nội dung) sử dụng câu chữ, ngôn từ, văn phong và một số kỹ năng chuyên môn khác để tạo nên nội dung ở đa lĩnh vực. Mục tiêu của Content Writer là cung cấp thông tin hữu ích cho độc giả. Như vậy họ phải viết đúng với bản chất của sự vật, hiện tượng, sao cho nội dung truyền tải theo cách dễ hiểu nhất. 2. DỞ VĂN CÓ LÀM CONTENT WRITER ĐƯỢC KHÔNG? Xuất thân từ dân khối A, mình đã từng: Cực kỳ ghét học văn “Nặn” hoài nhưng không ra câu chữ Viết được vài câu nhưng đọc lại thấy dở tệ Mình dặn lòng sẽ né thật xa môn văn, thế nhưng “ghét của nào trời trao của nấy”. Năm nhất đại học, mình apply vào ban Ngoại giao trong CLB của trường, nhưng “đời không như mơ”, ban truyền thông thiếu nhân lực và mình “được” chuyển qua làm admin của Fanpage. Khoảng thời gian đầu tiên thật kinh khủng, những bài viết của mình với bố cục lộn xộn, câu thừa ý, câu thiếu ý, có câu còn chẳng có ý nghĩa gì. Thế nhưng từ việc tham gia CLB, mình bắt đầu quan tâm đến câu chữ hơn. Mình tham gia vào các Group trong lĩnh vực viết, cốt để xem có học hỏi được gì không. Và thật đúng như kỳ vọng, mình biết thêm rất nhiều kiến thức về ngành, từ cơ bản đến nâng cao. Đặc biệt, mình còn nhận được những chia sẻ rất bổ ích từ anh chị về kinh nghiệm hành nghề. Dần dần, câu cú của mình trở nên mạch lạc hơn, không còn dở tệ như những lời phê của cô dạy văn nữa. 2. LỘT XÁC TỪ CHIẾC KÉN Mình đã chính thức phá bỏ lời nguyền “Dân tự nhiên không thể làm Content Writer”. Dưới đây là những điều mình đã rút được sau quá trình “lột kén” này: Content Writing khác Làm văn: Ngôn ngữ khi học văn trong trường lớp sẽ khác rất nhiều với ngôn ngữ tiếp thị và kiếm ra tiền trong môi trường marketing. Như đã nói ở trên, mục đích của Content Writing là cung cấp thông tin cho độc giả, cần viết đúng và dễ hiểu thay vì viết với lời văn hoa mỹ hay quá bay bổng. Nếu như viết văn thiên về cảm nhận, cảm xúc thì content writing là quá trình của tư duy logic. Kỹ năng nghiên cứu về thông tin sản phẩm, cái khách hàng cần chiếm 70% trong quy trình làm ra một bài Content, 30% còn lại là cách diễn đạt, văn phong, chính tả,... Viết có thể rèn luyện được: Viết hay là một kỹ năng, không phải tố chất. Mà kỹ năng thì chắc chắn phải được rèn luyện và trau dồi mỗi ngày. Tóm lại, khi bạn đã lựa chọn theo đuổi ngành nghề đòi hỏi tư duy và sáng tạo cao như Content Writing thì việc trau dồi kiến thức và kỹ năng là rất cần thiết.