CHIA SẺ ĐỂ KINH DOANH THÀNH CÔNG của anh TRẦN BÁ DƯƠNG và anh MAI HỮU TÍN

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Khởi Nghiệp, 3/8/17.

  1. Xin phép được chia sẻ với các bạn những điều đáng suy ngẫm mà tôi đã thu lượm được trong hội thảo CHIA SẺ ĐỂ KINH DOANH THÀNH CÔNG của anh TRẦN BÁ DƯƠNG và anh MAI HỮU TÍN tại hội thảo diễn ra cuối tuần vừa qua.

    1. Chọn NGHỀ, và sống với NGHIỆP: cho dù bạn chọn con đường nào, hãy cố gắng giữ vững Ý CHÍ để đi đến cuối con đường. Bạn có thể làm nhiều nghề, nhưng sẽ là tốt nhất nếu bạn chọn một nghề nào đó và xây dựng, phát triển, sống với nó như một sự nghiệp của chính bạn. Rồi thành công sẽ đến.
    2. Dù là Nghề hay Nghiệp, điều mà công việc, sản phẩm, dịch vụ của bạn nên hướng đến hãy là: (i) tạo giá trị tối đa cho khách hàng/người thụ hưởng/sử dụng/tiêu dùng của mình; (ii) đóng góp hữu ích cho xã hội; (iii) mang lại kinh tế cho bản thân. Sản phẩm, dịch vụ của bạn chính là cái cốt lõi để mọi người nhớ đến bạn, đến doanh nghiệp của bạn, sẽ giúp bạn thành công và kéo dài sự nghiệp.

    [​IMG]

    3. Để thành công trong kinh doanh, điều không thể thiếu là bạn phải xác định được (i) TẦM NHÌN (II) MỤC TIÊU và (III) CHIẾN LƯỢC cho doanh nghiệp của mình. Tầm nhìn và Chiến lược nên được xây dựng, thiết lập cả cho tương lai XA và GẦN, cả CHUNG và TỪNG GIAI ĐOẠN. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cần có sự rà soát, điều chỉnh và củng cố một cách thiết thực, thích ứng với sự phát triển, thay đổi của thị trường, công nghệ để bảo đảm doanh nghiệp của bạn đi đúng hướng, có tính khác biệt với các đối thủ cạnh tranh khác. Từ Tầm nhìn, hãy xây dựng Tầm Nhìn Khả Thi.

    4. Xây dựng TÂM THẾ trong kinh doanh cho doanh nghiệp và cho đội ngũ nhân viên là điều vô cùng quan trọng, và là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó bao gồm: (i) quan điểm, thái độ; (ii) tri thức, kinh nghiệm; (iii) nguyên tắc hoạt động, quản trị; (iv) cách thức xử thế và xây dựng quan hệ với đối tác, người tiêu dùng trong tất cả các giao dịch; (v) môi trường làm việc hướng đến con người trong doanh nghiệp; không ngừng nâng cấp các nguồn lực (tri thức, con người) của doanh nghiệp. Xây dựng tâm thế tốt bao gồm cả việc giữ vững ý chí và có sự chuẩn bị tốt tất cả các nguồn lực nói trên. Có Tâm thế tốt cũng sẽ tạo nên VỊ THẾ vững, ngang hàng khi làm việc, giao dịch, đàm phán với đối tác. Có Tâm thế tốt sẽ giúp ích cho quá trình khởi nghiệp, giúp chuẩn bị cho bản thân, khích lệ “dám dấn thân” để bước ra khỏi vùng an toàn. Tâm thế vững sẽ tránh cho bản thân sa ngã, nản, mất tự tin khi có sự việc hoặc hành động sai lầm. Việc xây dựng Tâm thế cần đi đôi với việc rèn luyện tư duy tích cực.
    5. Là NGƯỜI VIỆT NAM, chúng ta cần phải hiểu về Việt Nam hơn bất kỳ người nước ngoài nào khác đến sống và kinh doanh trên đất nước mình. Không chỉ là nắm rõ thị trường, địa lý, địa danh, mà còn phải hiểu về văn hóa, lối sống, phong tục của con người Việt Nam, lấy đó làm nền tảng, là “sân nhà” cho sự phát triển và chiến thắng của doanh nghiệp mình trước các đối thủ ngoại.

    6. KINH DOANH PHẢI TUÂN THỦ PHÁP LUẬT. Nhưng trong bối cảnh hệ thống Pháp luật trong nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, cần lưu tâm đến một nguyên tắc tối quan trọng, đó là: BẢO VỆ CÔNG LÝ, BẢO VỆ LẼ PHẢI. “Công lý trên Pháp luật, Lẽ phải trên Quy trình” – Mai Hữu Tín.

    7. Khi khởi nghiệp, cần tránh ôm đồm mà hãy bắt đầu từ một phân khúc trong chuối giá trị, khi đã có sự phát triển vững mạnh thì mới mở rộng ra để gia tăng phạm vi và giá trị của sản phẩm và doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn phân khúc để bắt đầu là quan trọng và có ý nghĩa sống còn. Sản phẩm và dịch vụ ban đầu cần phải thỏa mãn các tiêu chí: (i) đáp ứng được ngay nhu cầu; (ii) có tính khác biệt; (iii) có khả năng đón đầu xu thế phát triển (ứng dụng công nghệ), cũng như nhìn trước được nguy cơ.

    8. Trong quản trị nhân sự, thay vì chọn con người phù hợp cho công việc, hãy chọn công việc cho những con người có sẵn để họ có thể phát huy hết khả năng, để họ thấy được nhìn nhận, và để công việc được thực hiện có hiệu quả. Trong công việc, phải biết chấp nhận khiếm khuyết của người khác, và cần có cách quản lý, góp ý, hướng dẫn bằng tình cảm chân thành (“tình yêu thương” – Mai Hữu Tín). Cần đặt sự quan tâm đúng mực đối với việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy trình phù hợp nhằm không ngừng nâng cao trình độ nhân sự để đáp ứng yêu cầu công việc và phát triển.

    9. Công tác chuẩn bị nhân sự phải được tiến hành sớm, không ngừng tìm kiếm những con người phù hợp. Không nên là khi có phát sinh sự việc mới đi kiếm con người vì điều đó có thể làm cho cơ hội trôi qua đáng tiếc. Khi đã có con người phù hợp, lúc đó tự nhiên sẽ có những ý tưởng để cùng làm việc với họ, sẽ tạo ra các cơ hội để phát triển. Những con người đi cùng doanh nghiệp cần phải luôn được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng để họ và doanh nghiệp có sự phát triển song hành. Đây cũng là một trong những vấn đề mà lãnh đạo doanh nghiệp phải quan tâm để giữ được con người, nguồn nhân lực tối quan trọng của doanh nghiệp.
    10. Nguyên tắc trong quản lý: Khi xây dựng doanh nghiệp, cần phải xác định rõ những nguyên tắc hoạt động nhất định, từ đó mới tiến hành xây dựng các quy trình, cấu trúc cốt lõi. Trong quá trình hoạt động, phải lưu ý để có các điều chỉnh, liên kết nhằm tạo ra một cơ cấu phù hợp cho việc vận hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần thêm sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt để các nguyên tắc, quy trình, cơ cấu không bị xơ cứng, khô khan. Các nguyên tắc của doanh nghiệp sẽ là một phần để xây dựng nên cá tính cho doanh nghiệp, là cơ sở để vận dụng một cách công bằng, không thiên vị đối với các đối tác, không lựa chọn theo thương hiệu mà phải dựa trên những tiêu chí cụ thể.

    11. Quản lý chi tiết (micro management): Việc quản lý chi tiết sẽ góp phần tạo ra và gia tăng giá trị, chất lượng cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, góp phần tạo lợi ích tối đa cho khách hàng. Hãy nhớ rằng, ở Phương Đông: 100-1=99, có thể không có sự khác biệt. Nhưng ở Phương Tây: 100-1=00 sẽ dẫn đến sự khác biệt hoàn toàn, nhất là đối với tiêu chí chất lượng sản phẩm và độ chính xác. Đó chính là tầm quan trọng của Quản lý chi tiết. Tuy nhiên, người lãnh đạo không thể thực hiện Quản lý chi tiết mãi, mà nên được thực hiện có thời hạn, nhất là trong thời gian đầu nhằm tạo nền tảng và sự nhuần nhuyễn cho hoạt động quản trị sau đó. Việc quản trị chi tiết cần được xây dựng, chuẩn hóa để có thể chuyển giao truyền đạt cho lớp quản lý kế thừa, cũng như để có thể kiểm tra, rà soát khi có yêu cầu.

    12. Hãy phát triển doanh nghiệp không giới hạn, không gò bó. Nếu sản phẩm, dịch vụ tạo ra giá trị, hãy đầu tư phát triển. Nếu không, hoặc không cần thiết nữa, hãy mạnh dạn cắt bỏ để dành nguồn lực tiếp cận cái mới.

    13. Xây dựng doanh nghiệp để bán, tại sao không? Vấn đề nằm ở cách quản lý nguồn lực (vốn, nhân sự, công nghệ…) và khả năng xác định điểm tới hạn của giá trị doanh nghiệp. Đánh giá điểm tới hạn để đưa ra định giá doanh nghiệp chính xác là khâu quan trọng nhất và sẽ mang lại tối đa giá trị. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định bán doanh nghiệp, phải cố gắng tối đa, khai thác tối đa nguồn lực để đẩy cao giá trị, tránh được tình trạng “bán lúa non” dẫn đến hối tiếc về sau.

    14. Khi thành công và có điều kiện tiến hành hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp, hãy quan tâm bảo vệ các thương hiệu Việt.

    15. GIA ĐÌNH LUÔN LÀ ƯU TIÊN SỐ 1.

    Đây là ghi chép lại một cách vắn tắt và được hiểu, diễn giải theo cách nghĩ của cá nhân. Hy vọng đâu đó sẽ có ích cho các bạn.

    CẢM ƠN CLB QTKN, BTC VÀ CÁC DIỄN GIẢ TRẦN BÁ DƯƠNG, MAI HỮU TÍN ĐÃ CHIA SẺ
     

    Các file đính kèm:

    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...