Câu hỏi "Làm sao tôi biết ý tưởng của tôi là đúng?" đã xây nên quỹ đầu tư lớn nhất thế giới như thế

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi tháng 10, 10/10/17.

  1. tháng 10

    tháng 10 Member

    Ghi chú:
    Bài viết này nằm trong bài viết về chấm điểm nhân viên 20/70/10 nhưng tòa soạn edit bỏ. Bài viết này liên quan không chỉ về chấm điểm và xếp loại nhân viên mà còn về xây dựng văn hóa doanh nghiệp
    **
    Dân đầu tư tài chính thế giới đều biết tới Bridgewater Assosiates, quỹ đầu tư (hedge fund) ra đời 1975 (42 tuổi) với 1,700 nhân viên. Họ là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với tổng tài sản quản lý lên đến hơn 160 tỷ đô (số liệu 2014). Điều thú vị nằm ở người sáng lập, Ray Dalio, tỷ phú 68 tuổi với tài sản 17 tỷ đô, đứng thứ 30 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ, đã thiết kế cách hoạt động của công ty mình theo những cách rất sáng tạo, rất khác biệt. Chính nhờ các cách làm sáng tạo, tạo ra những thành công vượt trội, Ray Dalio được đặt tên là Steve Jobs của ngành tài chính, là một trong những người ảnh hưởng nhất thế giới (Time 100 năm 2011, Bloomberg 50 năm 2012,...). Dalio có rất nhiều điểm khác biệt ấn tượng, nhưng với tôi điểm khác biệt lớn nhất của Dalio là lý luận về sự Minh bạch Cấp tiến (Radical Transparency) và Chế độ Tài năng (Idea Meritocracy - tôi tạm dịch - một hệ thống, cơ chế hoạt động mà ở đó ý tưởng tốt nhất sẽ được lựa chọn, không vì cấp bậc hay uy tín) mà ông liên tục chia sẻ trên nhiều dịp với truyền thông.

    Trong một cuộc chia sẻ với TED.com Ray Dalio chia sẻ về một email mà nhân viên của ông Jim Haskel - mà email này CÔNG KHAI với tất cả mọi người trong công ty - đã gửi cho ông có đoạn:

    "Ray, anh chỉ xứng đáng được điểm 'D trừ' về hiệu quả buổi họp của anh hôm nay... anh không hề có chuẩn bị bởi vì anh chưa từng rối beng như vậy. Trong tương lai, tôi/chúng tôi muốn đề nghị anh dành thời gian ra chuẩn bị và tôi có thể tới gặp anh và nói chuyện với anh để làm nóng hoặc cách nào khác chứ không thể để chuyện này lặp lại được. Nếu anh nghĩ ý tưởng của tôi là sai, xin hãy hỏi những người khác hoặc chúng ta có thể bàn về việc này."

    Xin nhấn mạnh, đây là email từ nhân viên của Ray Dalio, và nó CÔNG KHAI với toàn công ty!

    Tiếp theo, trong một ví dụ khác, kể về cách Bridgewater Assosiates họp bàn công việc, Ray Dalio chia sẻ về việc Jen một nhà nghiên cứu trẻ 24 tuổi mới ra trường chấm điểm ông trong cuộc họp 3 điểm - rất tệ - vì thiếu cân bằng giữa việc cởi mở tư tưởng (open-mindness) và tính quyết đoán (assertiveness). Một lần nữa, xin nhấn mạnh, nội dung chi tiết cuộc họp này và điểm của Jen - một nhân viên trẻ - chấm Ray Dalio được CÔNG KHAI với toàn thể nhân viên.

    Tại Bridgewater Assosiates, Minh bạch Cấp tiến là mọi người đều biết và hiểu người khác đang làm gì, đang nghĩ gì về mình. Các cuộc họp đều được ghi âm và công khai minh bạch với tất cả mọi nhân viên trong công ty. Không có nói xấu nhau, thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn, lo lắng của nhau và hơn hết là công ty có thể sử dụng những tài liệu này để huấn luyện lâu dài, đó là những lợi ích mà Ray Dalio và các cộng sự của ông tin tưởng và nhận thấy rõ. Sâu xa hơn thế, Ray Dalio chia sẻ rất rõ ràng nguyên lý của ông, được phân tích sâu hơn qua cuốn "Nguyên lý" (Principles) mà ông mới phát hành được cả Bill Gates và Tony Robbins khen ngợi hết lời. Tại Bridgewater Assosiates, nguyên lý Sự thật Quyết liệt & Minh bạch Quyết liệt (Radical Truth & Radical Transparency - cá nhân tôi thích dịch chữ "Radical" trong trường hợp này là "khùng khùng" hơn - hiểu Khùng trong trường hợp này là sự khác biệt khủng khiếp và sáng tạo) đã đem lại "sự thấu hiểu điều gì là thiết yếu cho thành công, và minh bạch mọi thứ, bao gồm sai lầm và yếu kém, sẽ giúp cho sự thấu hiểu dẫn đến tiến bộ." Ông và đồng sự của mình tin rằng điều này làm rõ các vấn đề quan trọng cần giải quyết mà không bị che dấu. Ngoài ra, do việc bạn chia sẻ sẽ công khai với tất cả mọi người, nên bạn buộc phải ép mình suy nghĩ tốt hơn và có cách hành xử chuẩn mực hơn. Bạn làm tệ hay làm hay tất cả mọi người sẽ đều đánh giá được, vì thế toàn công ty sẽ có tiêu chuẩn làm việc rất cao. Khi các cách hành xử, phân tích, đối thoại, xử lý tình huống của mọi người đều công khai minh bạch, điều này sẽ giúp ý tưởng tốt sẽ vượt trội lên do mọi người học từ nhau cách xử lý. Đây là cách đào tạo nhanh và cực kỳ hiệu quả. Những người lãnh đạo thì học từ các phản hồi, như trường hợp của Jim và Jen nêu trên, và điều chỉnh cách hoạt động của doanh nghiệp mình cực kỳ nhanh. Điều này cũng càng làm nhân viên tin tưởng vào ban giám đốc và các giá trị cốt lõi của công ty. Mọi người khi nhìn thấy rõ mọi việc đang diễn ra, tại sao nó diễn ra như vậy một cách minh bạch, rõ ràng, khi họ có tiếng nói của mình trong mọi việc, và tiếng nói của họ luôn được lắng nghe. Họ sẽ tin! Và văn hóa của tổ chức hình thành như vậy.

    Bộ lý luận của Ray Dalio rất rõ ràng, và không hề lý thuyết suông, họ đi vào thực tế từng hành động, quy trình rõ ràng, thậm chí xây dựng thành công cụ công nghệ (app) và thuật toán (algorithm) để tăng hiệu quả phân tích tình huống và ra quyết định. Họ sử dụng song song phương án phân tích từ máy - qua thuật toán - và phân tích từ người. Trong sách Nguyên lý, Ray Dalio còn chia sẻ là nhân viên mất tới trung bình 18 tháng để quen với cách làm này vì nó đi ngược lại rất nhiều thứ bản năng "chiến đấu hay bỏ chạy" của con người. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp các cá nhân không thể hòa nhập được, Ray Dalio chia sẻ, chỉ khoảng 2/3 số người trải nghiệm có thể thích ứng với cách hành xử mới.

    Tất cả những lý luận của Ray Dalio đều xuất phát từ một chuyện thành công rất cao và rớt xuống vực thẳm rất nhanh của ông. Ông đã từng dự đoán rất chính xác về khủng hoảng nợ thế giới, nhưng ngược lại phân tích sai dẫn đến thất bại gần như sụp đổ toàn bộ công ty của ông. Ông đã mất sạch tiền, sa thải gần như toàn bộ nhân viên, chưa hết ông còn phải đi vay bố của mình 4,000 đô để trả tiền cho các chi phí gia đình. Kể từ đó, ông đặt câu hỏi "Làm sao tôi biết ý tưởng của tôi là đúng?" và xây dựng một hệ thống rõ ràng, có cơ sở về tâm lý, hành vi, động lực và sử dụng cả thuật toán, sáng tạo, điều chỉnh liên tục, kèm công cụ đòn bẩy công nghệ để từ đáy vực leo lên đỉnh thế giới trong ngành tài chính. Tất cả chỉ nhờ câu hỏi đó và niềm tin là vào một thời điểm nào đó, một người nào đó trong tổ chức có thể đưa ra ý kiến hay hơn ông ấy.

    Ray Dalio gợi ý 5 điểm khi thực hành nguyên lý này của ông:
    1- Bạn nên nhận ra rằng bạn không nên sợ hãi sự thật.
    2- Chính trực và yêu cầu điều đó từ mọi người.
    3- Tạo ra một môi trường mà mỗi người có quyền hiểu điều gì là đúng (make sense) và không ai có quyền giữ một ý kiến cốt tử mà không chịu nói ra.
    4- Minh bạch một cách quyết liệt.
    5- Những mối quan hệ có ý nghĩa và công việc có ý nghĩa hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt khi được hỗ trợ bởi sự thật quyết liệt và minh bạch quyết liệt.

    Từ trường hợp của Ray Dalio và Bridgewater Assosiates, chúng ta quay trở lại bài toán chấm điểm, đánh giá nhân viên, hãy so sánh với cách làm 20-70-10, hoặc so sánh với hệ thống của công ty bạn, bạn có chắc chắn:

    - Sau mỗi đợt nhân viên của bạn được đánh giá, họ sẽ nỗ lực hơn hay họ chỉ nỗ lực trước lúc đánh giá để được điểm tốt, rồi sau đó mọi thứ rơi vào quỹ đạo cũ?
    - Nhân viên hiểu mọi hành động của bạn và có thể góp ý thẳng thắn góc nhìn của người đó về cách bạn làm, dĩ nhiên chiều ngược lại cũng vậy, họ sẵn sàng lắng nghe bạn góp ý xây dựng, hoặc họ sẽ thằng thắn tương tự với những đồng đội khác của mình?
    - Mọi người có tin nhau, tin các hành động của nhau đều xuất phát từ những động cơ tốt, minh bạch và hướng đến sự phát triển của công ty, đem lại giá trị cho khách hàng?

    Hoặc theo một góc nhìn khác:
    - Bạn có dám ghi âm toàn bộ các cuộc họp của công ty và chia sẻ lại cho mọi người trong công ty mình? Nếu không minh bạch thì tại sao?

    Và,

    "Làm sao bạn biết bạn đúng?"
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...