Người đàn ông này là một Cựu chiến binh. Đế chế Mai Linh của ông ấy từng được coi là mô hình kinh doanh hiệu quả với vài chục ngàn nhân viên. Thế rồi, như rất nhiều ngành nghề khác, cơn lốc công nghệ và sự xuất hiện của Uber và Grab đã từng bước đẩy những doanh nghiệp truyền thống như Mai Linh, Vinasun...đến những lằn ranh nguy hiểm. Đã hơn một lần, người đàn ông này xuất hiện trước truyền thông để cứu vãn cho Tập đoàn của mình trước những nguy cơ rõ ràng. Và Mai Linh, Vinasun,... đã cho ra đời app đặt xe của riêng mình, cũng truyền thông mạnh mẽ, cũng khuyến mãi và cũng cho khách hàng biết trước giá. Nhưng nhìn lại, họ đã, và đang copy lại những gì uber grab đã từng làm, tuy không dám nói họ thành công hay thất bại, chỉ biết rằng họ đang ở phía sau của cuộc đua giữa họ và taxi công nghệ. Học ai nhanh nhất, dĩ nhiên học đối thủ là nhanh nhất, nhưng cách chọn lọc đối thủ để học là điều mà không phải nhà quản trị nào cũng đang làm đúng. Lại quay về câu chuyện copy, bài viết này tôi cũng đang viết trên nền tảng của 1 kẻ copy, nhưng là 1 kẻ copy thành công. "Facebook đã cố mua Snap với giá 3 tỷ USD vào năm 2013, nhưng lúc đó Snap đã lịch sự từ chối. Kể từ đó, giá trị và danh tiếng của Snap liên tục tăng lên. Giá trị thị trường của Snap đã lên mức cao 34 tỷ USD và hãng đã có vụ IPO thành công hôm 2/3. Nhưng trong ít nhất 1 năm, Facebook đã ra hàng loạt tính năng trên các sản phẩm khác nhau của hãng, những tính năng rất giống với Snap. Không chỉ giống nhau, trong một số trường hợp, chúng còn trông "cực kỳ giống nhau". Và, có vẻ như những tính năng copy đó đã khiến tỷ lệ tăng trưởng người dùng của Snapchat chậm lại, thậm chí Snap đã nhận thức được rằng Instagram Stories có thể là đối thủ trực tiếp của hãng." - Vnreview Và kết quả nhờ lượng người dùng to lớn, danh tiếng, tiền và quyền lực của mình, Facebook đã bỏ xa Snapchat trong cuộc đua toàn cầu, Messenger vượt lên trở thành ứng dụng có nhiều lượt tải nhất thế giới. Còn về phần Snapchat đã bắt đầu đuối sức, kể từ khi IPO đến nay, họ chưa hề có 1 đồng lời nào. Và còn vô vàn những kẻ chỉ chuyên đi sao chép và thành công vượt trội so với bản gốc như Tencent, Didi, Grab,... Tôi từng gặp khá nhiều bạn ôm tham vọng đánh bại Facebook, Google... nhưng hiện tại thì điều đó vẫn chỉ đang xuất hiện trong khung giờ từ 12h đêm đến 7h sáng của các bạn ấy, tại phòng ngủ. Vậy kẻ sao chép nên đi sao chép thế nào cho đúng đắn? 1. Xác định xem ai là đối thủ của bạn Đây là điều tiên quyết mà khi bạn quyết định trở thành kẻ sao chép, bạn phải làm, và làm thật chuẩn xác. Bạn bán lẻ về thời trang thì bạn không thể nào xem H&M, Zara.. là đối thủ, bạn bán hàng online thì không thể nào xem Lazada là đối thủ, và bạn bán xăng ngoài đầu hẻm thì nhớ đừng đòi cạnh tranh với Petrolimex. Xác định đối thủ là việc xác định những thương hiệu, những công ty cùng quy mô với bạn, vốn hóa 500 triệu thì so với 500 triệu chứ đừng so với 500 tỷ, bao giờ có đủ 500 tỷ thì cũng đừng so với công ty tỷ đô như Vin, việc xác định đúng đối thủ giúp cho bạn lọc đi khá nhiều điều tạp nham, mà tập trung nguồn lực để làm những điều mà đối thủ cùng quy mô làm thành công. Và tất nhiên bạn là Petrolimex cũng đừng xem ông bán xăng đầu hẻm làm đối thủ. 2. Tìm ra những đặc điểm tốt nhất trong sản phẩm của đối thủ cạnh tranh Đừng bắt chước một cách mù quáng, hãy nhìn vào những sản phẩm và dịch vụ của những người khác và tìm hiểu những đặc điểm nào giúp nó thành công, và tại sao. Khi Facebook và Instagram học lỏm Snapchat, họ không sao chép nguyên nền tảng đó, mà chỉ quan sát những tính năng nào được tương tác nhiều nhất – cụ thể như Stories – và từ từ ra mắt phiên bản riêng của mình, sử dụng nền tảng và dữ liệu khách hàng của riêng mình. Nhà đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom từng nói: “Bạn có thể phải thốt lên rằng chúng tôi đang sao chép lẫn nhau, nhưng đó là cách thung lũng Silicon hoạt động. Vấn đề là ai làm tốt nhất mà thôi.” Hiten Shah, nhà sáng lập của Kissmetrics, Quick Sprout và Crazy Egg, từng lý giải điều này trên trang web của mình rằng, xu hướng tích hợp nhiều phần mềm trong một sản phẩm (all-in-one) đang khiến cho ngày càng nhiều công ty phải bắt chước nhau một cách có chiến thuật hơn. “Sản phẩm của bạn sẽ là một bộ công cụ, có nghĩa là nó sẽ trông rất giống rất nhiều những sản phẩm khác,” ông viết. 3. Tận dụng thế mạnh của bản thân mình Khi cuộc đua công nghệ không cân sức diễn ra giữa taxi công nghệ và truyền thống, tôi cũng tìm ra khá nhiều điểm hay ho có thể giúp cuộc đua thay đổi đi chút ít, nhưng có lẽ vẫn có vấn đề gì đấy mà phe truyền thống vẫn chưa làm mà tôi cũng chưa hiểu Cụ thể, phe truyền thống có thế mạnh về độ phủ từ ngàn xưa, đáng ra họ phải nên dập phe công nghệ từ lúc đầu mới nhen nhóm tại thị trường, nhưng họ lại không làm điều đó. Hay nói điển hình là việc quan hệ, phía truyền thống có quan hệ cực tốt với chính quyền, họ hoàn toàn có thể tạo ra 1 Didi thứ 2 với sự hậu thuẫn chính trị để cạnh tranh và đánh bại phe công nghệ như Didi đang làm ở TQ, nhưng họ cũng không làm. Họ chọn cách làm theo những gì phe công nghệ làm mặc dù nó không phải là thế mạnh của họ, khi bạn cạnh tranh với thế mạnh của người khác mà bạn không có, kết quả ra sao bạn cũng biết rồi. 4. Lắng nghe khách hàng của mình Tôi có 1 ông anh, mở cửa hàng bán lẻ thời trang theo phong cách manga nhật bản, mặt hàng này bán rất chạy ở Nhật Bản và ông anh tôi cũng bê nguyên mô hình này về VN, thời gian đầu phản ứng của thị trường rất tốt nhưng số lượng đơn hàng lại không nhiều, vì có một số sản phẩm phía Nhật Bản bán rất chạy, nhưng khách hàng ở VN cho là quá rườm rà khi mix. Thế là anh ấy đã cải tiến lọc bỏ các chi tiết khách hàng cho là rườm rà ấy đi, và kết quả là số lượng cầu tăng lên, doanh số cũng tăng theo và năm ngoái hắn đã mua được mẹc, còn tôi vẫn còn phải đi con giấc mơ trung hoa nhìn đó mà ao ước. Sản phẩm đó có thể thành công với khách hàng của thương hiệu đối thủ, nhưng đối với khách hàng của bạn, họ đã chọn bạn chứ không phải đối thủ nghĩa là phong cách họ cũng khác với nhóm khách hàng của đối thủ, vậy nên hãy lắng nghe xem họ thích mình ở điểm nào và phát huy tối đa điểm đó, đồng thời loại bỏ đi cái mà họ đã bỏ đối thủ sang với bạn. Và còn rất vô vàn những điều khác mà có thể kiến thức hạn hẹp của tôi vẫn chưa thể viết ra đầy đủ, các bạn nên xem đây là 1 bài viết có tính chất tham khảo chứ không phải hướng dẫn, tôi cũng như các bạn, cần lắm các ý kiến để có thể bổ sung vào sự học của mình. Ngoài những yếu tố trên ra, mong bài viết này được các anh chị có chuyên môn và kinh nghiệm bổ sung thêm, để có thể tạo ra kiến thức hoàn chỉnh nhất hết mức có thể Huỳnh Trọng Nghĩa CDO at S&A Media Co. ltd (Bài viết có tham khảo 1 số nguồn trên internet)