Tôi đã từng kể câu chuyện về cái chai La vie trên trang Facebook cá nhân, với một vài người bạn và comment đâu đó trong bài viết của một số tác giả, nhưng hôm nay tôi xin kể lại một lần nữa. Đầu năm 2015, tôi đi dịch và phụ giúp cho một bạn Thụy Sỹ làm nghiên cứu đánh giá tác động dự án. Tôi mua nước uống để chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày. Nhìn tôi khệ nệ bê thùng nước uống La vie, cô bạn Thụy Sỹ hỏi: - Ở đây không có nước địa phương (local) à? - Có…??? - Mày có biết 90% lợi nhuận thu được từ chai nước La vie này quay sang Thụy sỹ không? - Có, tao có biết, nhưng tao sợ mày nghĩ không an toàn nên mua cái này. - Mày đổi loại local đi. Trong suốt cả chuyến đi và mãi về sau này mỗi lần nghĩ lại, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng vì cái cảm giác không tin tưởng hàng nội địa của mình. Và xấu hổ hơn cả là để cho một con bé ngoại quốc (bạn ấy ít hơn tôi 4 tuổi) dạy cho một bài học về lòng yêu nước. Nói thật, lúc ấy tôi tỏ vẻ hiểu biết về câu chuyện dòng tiền của chai La vie chứ thực sự cho tới tận bây giờ (sau khi học xong CEO KN HN2), tôi mới tạm thời trả lời được 2 câu hỏi: 1. Tại sao tôi quyết định mua La vie? 2. Làm thế nào 90% tiền lợi nhuận lại quay sang Thụy sỹ? Nhờ thầy Vương Thanh Long, thầy Sơn Đức Nguyễn, tôi đã thấy giá trị ghê gớm của thương hiệu và sức mạnh của những câu chuyện đi kèm với thương hiệu. Tôi đã mua La vie, bởi mặc định trong đầu tôi La vie là sạch, là tinh khiết. Nhờ thầy Tuấn Hà, thầy Phạm Ngọc Linh, tôi đã thấy sức mạnh ghê gớm của quảng cáo và truyền thông. Tôi đã mua La vie, bởi hàng ngày tôi nghe và xem những đoạn quảng cáo của La vie và mặc định trong đầu là La vie là sạch, là tinh khiết. Nhờ thầy Nguyễn Dương, tôi đã hiểu bản đồ hành trình trải nghiệm khách hàng vô cùng quan trọng. Tôi đã mua chai La vie, bởi nó đã đạt “điểm chạm” vào tâm lý, cảm xúc và nhu cầu an toàn của tôi. Nhờ thầy Do Xuan Tung, tôi đã hiểu có một đội sale chuyên nghiệp là quan trọng sống còn để đảm bảo sản phẩm tới được tay người tiêu dùng rộng rãi nhất. Tôi mua chai La vie đơn giản bởi ở đâu tôi cũng có thể mua được, từ cửa hàng tạp hóa, quán cóc ven đường tới các siêu thị, trung tâm thương mại. Nhờ cô Bùi Thị Lệ Phương, tôi đã hiểu hơn về dòng tiền và quản lý dòng tiền. Có lẽ, tôi cũng như 99% khách hàng mua La vie đều không hề biết sự thật 90% lợi nhuận quay về Thụy Sỹ. Bố mẹ tôi không dạy (họ không kinh doanh), ở trường không dạy (tôi không học ngành kinh tế), xã hội không dạy (chẳng cộng đồng nào tôi tham gia dạy tôi điều đó). Tôi mua chai La vie, đơn giản bởi tôi nghĩ mọi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đều như nhau, cứ chọn hàng nghe tên quen quen mà mua thôi. Điều này hoàn toàn khác hệ thống giáo dục các quốc gia giầu có như Mỹ, Nhật, Trung, Hàn…nơi trẻ tốt nghiệp phổ thông đều được dạy về dòng tiền và quản lý dòng tiền. Câu chuyện chai La vie phần nào đã ảnh hưởng tới quyết định của tôi một năm sau đó. Năm 2016, tôi lao vào kinh doanh với một một niềm tin mãnh liệt mình sẽ chung tay đưa hàng hóa 100% Việt tới tay người tiêu dùng. Sau 2 năm vật lộn với cái cửa hàng bé tý tẹo, tôi đã nhận ra những sự thật cay đắng đằng sau mỗi doanh nhân Việt. Họ phải tự “bơi” trong biển trời đầy nước, không “thuyền cứu hộ”, không “phao cứu sinh”. Câu chuyện về cái chai La vie cũng như hàng ngàn câu chuyện tương tự vẫn hàng ngày diễn ra trong vòng quay luẩn quẩn của giá trị sống, lợi nhuận, sự tồn tại và quản lý vĩ mô. Thật may là, dù phải đối mặt hàng ngày với những khó khăn, thử thách và xung đột từ trong và ngoài doanh nghiệp, nhiều doanh chủ Việt vẫn duy trì nhiệt huyết và giá trị sống hướng về một cuộc sống tích cực và nhân văn. Đó là những thầy cô của tôi. Dường như, chẳng có khó khăn nào có thể làm họ chùn bước, chẳng thách thức nào có thể làm họ lụi tàn niềm đam mê, ước mơ và khát vọng chinh phục đỉnh cao, chẳng rào cản nào khiến họ từ bỏ mong muốn được “cho đi” những bài học sương máu, những kiến thức, kỹ năng mà họ có được. Giá trị hơn tất cả, họ đã trao lại cho những người đi sau, những doanh chủ khởi nghiệp ngày hôm nay một thái độ sống, làm việc và học tập một cách tích cực và bền bỉ. Nhờ bài học của thầy Ly Truong Chien, tôi đã nhận ra mình là ai, mình đang ở đâu và muốn làm gì. Tôi đã hiểu ra mọi kế hoạch kinh doanh phải dựa trên nền tảng có sẵn để đảm bảo “đủ cao để với, đủ xa để tới”. Nhờ bài học của thầy Lâm Minh Chánh, tôi nhận ra người làm CEO phải đội 3 chiếc mũ trên đầu (doanh nhân, chuyên môn và quản trị), làm thế nào có thể đội đúng cái cần đội tùy thuộc vào khả năng tư duy nhạy bén của CEO. Nhờ bài học của thầy Lai Hồ, tôi biết cách làm thế nào lựa chọn thứ tự ưu tiên khi xây dựng mô hình và lập kế hoạch kinh doanh. Nhờ bài học của thầy Lâm Bình Bảo, tôi hiểu rằng trong thương trường mọi quyết định cần nhanh và chính xác. Nhờ bài học của thầy Hoang Tung, tôi biết tới mô hình khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup), rất thực tế và tiết kiệm. Nhờ bài học của thầy Nguyen Van Loc, tôi hiểu rằng chỉ có con đường kinh doanh biết tuân thủ luật lệ mới tồn tại và phát triển vững bền. Nhờ bài học của thầy Bùi Đỗ Mạnh, tôi biết cách quản lý rủi ro một cách hiệu quả nhất. Tôi đã từng tham gia rất nhiều khóa học, nhưng đây có lẽ là khóa học đầu tiên tôi cảm nhận tinh thần “cho đi” rất lớn của các giảng viên. Tôi không thể nào quên những buổi học không nghỉ ngơi, thông giờ trưa và tới tận chiều muộn. Thầy say sưa giảng quên đói, trò say sưa học quên khát. 30 buổi học trôi qua tự lúc nào chẳng hay. Khóa học kết thúc, chúng tôi sẽ phải rời xa hơi ấm ngọn lửa nhiệt huyết từ các thầy cô để tiếp tục lao vào thương trường, nơi chờ đón những khó khăn, thách thức và đầy rẫy rủi ro. Tôi tin rằng với kiến thức, kỹ năng và thái độ được các thầy cô trang bị, các thành viên của lớp CEO KN HN2 sẽ đón nhận những điều đó với một tâm thế chủ động hơn, bình tĩnh hơn và kiên định hơn với con đường mà mình đã chọn. Và tôi tin rằng, câu chuyện về cái chai La vie sẽ thay đổi trong thời gian tới. Về phần mình, tôi sẽ vẫn tiếp tục kể câu chuyện này tới khi nào không thể hoặc không cần nữa thì thôi. Chúc các thầy cô và các bạn Giáng Sinh An Lành & Năm mới 2018 Sức Khỏe – Thành Công! Hạnh Liên - CEO KN HN2