Hôm bữa, thằng bạn rủ ra cà phê tâm sự mỏng. Nó bảo cứ mỗi đợi lễ hay tết xong nhân viên nó nghỉ một mớ. Nhấp ngụm cà phê, nó chép miệng: - Bây giờ tuyển dụng khó quá ông ạ, kiếm được đứa nào có kinh nghiệm, được việc đã khó, giữ chân được tụi nó làm việc lâu dài cho mình còn khó hơn, quay qua quay lại, lơ ngơ láo ngáo là công ty khác nó vớt ngay. Còn tuyển người mới, chưa biết gì, đào tạo huấn luyện đã đời một thời gian cũng bay mất, mang chính những kinh nghiệm, kỹ năng, bí kíp của mình đi làm cho công ty đối thủ, thế mới đau. Nói xong thở dài thườn thượt. Hỏi ra thì đứa bảo công việc áp lực, đứa bảo lương thưởng không cao, đủ thứ lý do đưa ra để rồi cuối cùng "người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy", thật là đắng... lòng. Tôi hỏi: - Thế ông có hay động viên hay khen thưởng cho nhân viên thường xuyên không? Thì nó bảo cái đó đã có barem công ty đưa ra hẳn hòi, đạt được thành tích thế nào, doanh số mang lại ra sao thì cứ chiếu theo barem mà thưởng. Tôi gật gù: - À, thế thì tụi nó đi là đúng rồi, vì ông áp dụng thưởng phạt máy móc quá. Qua rồi cái thời chúng ta hô hào những câu khẩu hiệu sáo rỗng "Em cứ làm đi, cứ hy sinh đi, cứ cống hiến đi, làm vì đam mê đi." vì nó không có ích lợi gì cả. Ông không thể sống chỉ “bằng niềm tin” và “đam mê” được, ông hít không khí để sống qua ngày được không? Và tin tôi đi, ông không có động thái nào thay đổi thực trạng đó, thì nhân viên ông càng đi sớm. Từ những đứa giỏi nhất đến những đứa bình thường nhất rồi cũng sẽ có ngày ca bài "Tình nghĩa đôi mình chỉ thế thôi nha" và bay qua làm cho thằng khác. Trừ những đứa nào yếu kém thì ở lại để học hỏi thêm chút ít kinh nghiệm chờ ngày xuống núi. Ý tôi là, tụi nó cũng chả mặn mà gì với công ty ông đâu, chẳng qua là do tụi nó chưa đủ lông đủ cánh, hay nói theo mấy bộ phim chưởng thì gọi là chưa đủ công lực để bay nhảy giang hồ nên ở lại mà thôi. Thằng bạn nghe tôi nói thế thì hỏi: - Vậy giờ tôi phải làm sao? Tôi bảo: - Bình tĩnh, có phải trước giờ, bất cứ lúc nào ông muốn khen thưởng nhân viên, đều phải qua 3 bước: GHI NHẬN thành tích (tức là phải đợi xem nhân viên mình tụi nó làm có ra ngô ra khoai không, có mang tiền về không) rồi mới ĐỘNG VIÊN nhân viên để từ đó tạo ra ĐỘNG LỰC, đúng không? - Ờ, đúng, đúng! - Nó gật gù tán đồng. – Chứ không lẽ nó không mang thành tích gì về, không làm được gì tôi cũng thưởng? Tôi đâu có dư tiền. - Tôi hiểu. Tuy nhiên, tôi nói cái mớ quy trình đó còn thiếu. Thiếu ở đây là tính linh hoạt trong việc thực thi. Sự ghi nhận của ông, nếu muốn hiệu quả, phải đủ 3 điều kiện: Kịp thời – Chân thành và Thực tế. Nếu ông chỉ làm theo đúng khuôn khổ mà công ty ông đưa ra, chỉ khen thưởng theo từng tháng, từng quý, từng chỉ tiêu thì đó chỉ là làm cho đúng vai trò và trách nhiệm của một người quản lý mà ông phải có, chứ nó không xuất phát từ sự “Chân thành” và càng không thể đáp ứng được yếu tố “Kịp thời”. Ông nên nhớ, ghi nhận đi kèm với sự khích lệ (hay còn gọi là động viên) và từ động viên thì ông sẽ tạo ra động lực. Ông không thể đợi đến tháng mới thưởng, mới ghi nhận thành quả, mới khích lệ nhân viên của mình, mà ông phải theo dõi, gần gũi và động viên thường xuyên mới được. >> Đó là 2 bí kíp đầu tiên: Sự kịp thời mới giúp ông thể hiện được sự chân thành. – tôi nói xong, không quên nhấp 1 ngụm cà phê nuốt cái ực. Nó hỏi tiếp: - Rồi, vậy là ghi nhận kịp thời thì mới thể hiện được sự chân thành. Vậy còn thế nào là sự Thực tế? Tôi bảo: - Cà phê chầu này ông trả nha, tôi đâu có chia sẻ miễn phí. Cái đó là thực tế. - Tới luôn, cà phê có 15 ngàn/ly, tôi cho ông uống no còn được, lo gì. Nói xong ngẫm lại, hình như tôi bị hố, cà phê cóc mà, nói thế thì lời cho nó quá, nhưng thôi, lời nói ra rồi, không rút lại được. Nên tôi đáp: - Thực tế ở đây, là ông phải tìm hiểu coi cái thằng nhân viên của ông nó thích cái gì, thì thưởng cho nó cái đó. Ví dụ, nó cần tiền thì cứ móc tiền mà đưa. Ít thôi, nhưng lâu lâu móc cho nó vài chục, một trăm, bảo anh cho chú tiền cà phê vì thấy chú năng nổ quá, anh thích nên anh thưởng ngẫu hứng vậy thôi. Tự khắc nó khác. Hoặc như con bé nhân viên khác, nó không cần tiền, mà cần thứ khác thì ông phải đáp ứng nó, cho nó thỏa mãn. Thằng bạn tôi toát mồ hôi: - Tôi có vợ rồi, ông đừng dụ tôi vào con đường tội lỗi. - Ý tôi là, ông phải tâm lý một chút. Nữ thì thường thích thời trang, làm đẹp. Lâu lâu ông mua cho nó cây son, cái kẹp tóc hay ghim cài áo, ắt nó thích. Còn mấy món đắt tiền hơn, thì ông dùng treo thưởng hoặc tặng khi nào tụi nó làm được những nhiệm vụ khó khăn hơn. Ấy là tôi còn chưa nói ông dùng tới smartphone để khen thưởng nữa. Nó hỏi: - Khen thưởng bằng smartphone? Tặng điện thoại hả? Sang vậy. - Đâu có, ông bà có câu “Lời nói gió bay”. Ông khen nó bằng miệng, hay bằng email, nó nghe sướng tai lúc đó, nhưng đâu có mang được lời khen của ông về nhà hay khoe với bạn bè người yêu được. Email thì càng không. Đặc thù công ty ông lại yêu cầu tính bảo mật, chơi mail nội bộ cơ mà. Nên ông khen nó bằng tin nhắn đi. Nhắn đại loại như “Ngày hôm nay em làm rất tốt, anh rất hài lòng về biểu hiện của em. Cố gắng hơn nữa em nhé. Sếp dễ thương của em” v.v… các kiểu. Thề với ông chứ tụi nó vác điện thoại te te đi khắp làng khắp xóm khoe ngay. Ông 1 mũi tên bắn trúng mấy con chim cùng lúc. Thằng bạn mắt chữ O mồm chữ A ngơ ngác: - Chim gì mà tới mấy con? - Đây, để tôi kể cho ông nghe: Con thứ nhất: Ông hoàn thành được mục đích khen thưởng, tạo động viên cho nó ngay lúc đó nhanh gọn lẹ, đúng không? Con thứ hai: Nhân viên ông, tui dám cá, tụi nó chả bao giờ nỡ xóa cái tin nhắn đó, sếp khen mình mà, mình quý lắm. Nó lưu lại tới khi nào nó hư điện thoại hay mất thì thôi. Lâu lâu nó buồn thì nó lấy ra coi lại, tự có động lực làm việc tiếp. Ông khỏi mất công khen lại nhiều lần. Con thứ ba: Ông vừa tự PR cho tụi nó và vừa PR cho bản thân ông khi tụi nó vác điện thoại đi khoe: “Sếp tao khen tao này.” Thế là bao nhiêu đứa chum đầu vô hỏi: “Đâu đâu? Sao sếp mày dễ thương vậy? Tâm lý vậy? Ổng có tuyển không cho tao làm với.” Thế là trúng mấy con cùng lúc còn gì. >>> Bí kíp thứ ba: Động viên khen thưởng mà muốn Thực tế thì phải sáng tạo, linh hoạt, đừng có rập khuôn, đừng có máy móc quá, riết nó thành hình thức, chán lắm. *** Nên tóm lại, trong việc động viên nhân viên, để đảm bảo 3 tiêu chí: Kịp thời - Chân thành và Thực tế, thì ông nhớ giùm tôi khẩu quyết võ công 8 chữ thôi: <<LÀM TỚI ĐI ANH, ĐỪNG ĐỂ EM CHỜ".