Tôi nghe đến cái chữ này lần đầu tiên từ một đàn anh trong giới quản trị kinh doanh, khi đó Phở 24 mới có khoảng hơn 20 cửa hàng trong thành phố. Đặc biệt là khu vực trung tâm Quận 1, gần như đi đâu cũng đụng một tiệm, từ Nguyễn Thiệp đến Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn… Về nhà tra tự điển chữ “cannibalize” mới giật mình, vì ý nghĩa của nó như đánh trúng vào tim đen của mình, trúng cái thứ mà mình đang lo. Cannibalize hay cannibalise, trong kinh doanh có nghĩa là “ăn lẫn nhau”, doanh thu cửa hàng này ăn vào doanh thu cửa hàng khác, sản phẩm này mới ra đời hoành tráng nhưng lại làm các sản phẩm khác tương tự hiện hữu của công ty bị ảnh hưởng hay trở nên èo uột. Nói chung, miếng bánh thị trường không lớn thêm chút nào mà chỉ có thêm miệng ăn, tự mình hại mình chứ không phải ai khác hơn. Lúc đó tôi lo là phải vì thời điểm 2007 kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu chựng lại sau mấy năm phát triển nóng. Và điều gì sẽ xảy ra đã xảy ra, qua năm 2008 mọi thứ đã đột ngột đảo lộn, cỗ xe kinh tế VN đang phi nước đại đột nhiên thắng gấp. Chủ trương về kinh tế của chính phủ cũng có khác, ưu tiên bây giờ dồn hết cho việc kiềm chế lạm phát, chứ không phải phát triển nóng nữa. Do đó các chính sách về tín dụng, lãi suất cơ bản ngân hàng của nhà nước đều hướng về chủ trương đó, nói chung là siết chặt lại mọi thứ. Bức tranh kinh tế cập nhật: Trái cây chín rụng mà không có người mua vì tín dụng đã trở nên quá hà khắc, cá ba-sa rớt giá, lúa bội thu nhưng ứ đọng, các công trình xây dựng trùm mền, đình đốn. Đi đâu nghe ai cũng than. Các tiệm Phở 24 đang đông nghẹt tự nhiên vắng hẳn vì ai cũng đang thắt lưng buộc bụng, chữ CANNIBALIZE bây giờ đã trở thành một con khủng long chứ không còn là một con chữ bình thường. Cho nên chúng tôi đã phải lần lượt đóng bớt khá nhiều cửa hàng vì miếng bánh giờ đây không còn lớn như vậy nữa, chưa kể các đối thủ cạnh tranh cũng vừa bắt đầu đánh giáp lá cà sau mấy năm nghiên cứu. Đó là bài học xương máu về chữ “cannibalize” mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đi sau. Nhất là ý tưởng “mở chuỗi”, hình như nó đã trở thành khá thời thượng trong suy nghĩ của những nhà khởi nghiệp. Có người còn coi nó như thước đo của sự thành công, sự hoành tráng, trình độ, đẳng cấp. Nên mới có chuyện chưa mở được tiệm phở nào mà đã tuyên bố con số hàng trăm cửa hàng là như vậy. Tóm lại, lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là không phải nhất thiết thành công là phải mở chuỗi, và khi có mở chuỗi đi nữa thì cũng cần phải cẩn thận, đừng hấp tấp chạy theo số lượng, đừng dao to búa lớn. Và phải nhớ đến chữ “cannibalize” mỗi lần muốn tung ra một sản phẩm mới, một cửa hàng mới trong hệ thống. Phải nhìn bàn cờ kinh doanh của mình từ xa, như một bức tranh rộng lớn chứ không vô tình bị cuống hút vào sự hào nhoáng của những sản phẩm mới hay những cửa hàng mới mở. Mở thêm một cửa hàng mới mà doanh thu của các cửa hàng cũ bị suy giảm là có vấn đề, cho dù doanh thu cửa hàng mới có cao bao nhiêu đi chăng nữa. Bức tranh tổng thể mới quan trọng. Thông điệp thị trường đã bão hoà mới quan trọng. Ngay cả chưa bão hoà cũng vậy, phải tiên liệu trước các tình huống xấu có thể xảy ra đối với thị trường để tránh tình trạng “bão hoà đột xuất”, tình trạng mình phải quay ra ăn chính mình. Nhất là đối với nền kinh tế non trẻ có nhiều biến động như Việt Nam, mới hôm nay “cầu” vượt “cung” như có khi chỉ cần 2-3 năm sau là đã có thể đảo chiều thành “cung” vượt “cầu”! Trở lại chữ “Cannibalize”, ông anh bạn doanh nhân ngày nào nói cho tôi biết lúc tôi đã mở ra khá nhiều cửa hàng rồi. Hơi trễ, nhưng biết còn hơn không. Còn bây giờ, nếu các bạn chưa mở hay mở chưa nhiều, thì hãy xem cái chữ này như một món quà mà tôi tặng các bạn. Vì nó sẽ giúp các bạn tránh được những cái lỗi mà chỉ có người đi qua rồi mà thấy thật thấm thía. Lý Quí Trung Từ Sydney