Tôi không theo đạo nào, ít nhất là đến thời điểm này thì như vậy. Mẹ tôi qui y tu tại gia, ăn chay trường. Tôi có nhiều người quen là tu sĩ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, đạo Cao Đài, và các tín đồ Hòa Hảo... Thời gian gần đây, có nhiều chuyện lùm xùm xung quanh một số tu sĩ đạo Phật. Từ đó, câu nói "Càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo" được nhiều người phân tích. Người thì chê bai, kẻ thì bảo rằng đó là đúng theo triết lí nhà Phật. Tôi hoàn toàn không rành triết lí nhà Phật, nên không thể nói theo triết lí Phật gia thì câu đó đúng hay sai. Tuy nhiên, tôi cảm thấy có gì đó không ổn với câu nói mang tính chân lí này. Đầu tiên, cần phải hiểu cho rõ từ "cúng dường". Nếu chỉ hiểu "cúng dường" là mang đồ ăn thức uống, của cải, tiền bạc... dâng hiến cho các tu sĩ xuất gia, thì có thể khái niệm này là rất hạn hẹp. Nếu thực sự đây là định nghĩa của triết lí Phật gia, thì tôi hoàn toàn không đồng ý với tư tưởng của nhà Phật về mặt này. Nếu thực sự Phật pháp là một triết lí cao siêu như người ta vẫn nói, thì "cúng dường" phải được hiểu là sự cho đi. Không chỉ cho đi đồ ăn, thức uống, của cải, tiền bạc... là những thứ thuần vật chất, mà còn phải cho đi sự thương yêu, sự cảm thông, sự an ủi... Xuất phát từ sự cảm thông, từ lòng thương yêu, mà con người ta mới có thể chia sẻ những vật chất ít ỏi mà mình có, cho những người kém may mắn hơn mình, hoặc đồng cảnh ngộ với mình. Còn việc những người nghèo, đã thiếu ăn, thiếu mặc, mà lại còn phải chia sẻ thức ăn, đồ uống, của cải, tiền bạc... của mình cho những con người no đủ hơn mình, thì đó chính là sự bất công. Tôi tin rằng Đạo Phật, và hầu hết các Đạo, tôn giáo được nhiều người theo trên thế giới khác, không ủng hộ cho những bất công kiểu đó. Việc đòi hỏi những người nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc phải chia sẻ tài sản, tiền bạc... cho các tăng, bất chấp việc các tăng có đầy đủ sức khỏe để làm ăn kiếm sống, bất chấp việc các tăng có nhiều nguồn cung vật chất, là bất hợp lí, và bất công. Trong chừng mực nào đó, việc kêu gọi như vậy có thể được hiểu là lợi dụng. Việc chia sẻ vật chất từ bất cứ ai, từ người giàu đến người nghèo, cho người khác, nếu chia sẻ cho những người thiếu thốn hơn mình, thì rất hợp lí. Nhưng nếu mình đang thiếu trước hụt sau, bản thân còn phải nhận bố thí từ người khác, mà lại mang những thứ đó đi cúng dường cho những người đầy đủ hơn mình, no ấm hơn mình, thì rất vô lí. Việc chia sẻ vật chất phải xuất phát từ tâm thiện, từ lòng thương yêu, sự cảm thông, sự an ủi. Chia sẻ vật chất, chỉ để cầu mong một cái gì đó, thì là trao đổi, chứ không thể là cho đi. Vì vậy, nếu nói cúng dường để thoát nghèo, thì như vậy cúng dường thực chất chỉ là sự trao đổi, mua bán. Ngoài ra, nếu nói cúng dường để hết nghèo, thì khi hết nghèo rồi, chúng ta không cần chia sẻ vật chất cho ai nữa hay sao? Đấy là chúng ta chưa nói đến việc hiểu thế nào là nghèo về vật chất. Một người có tới mấy căn nhà, nhiều xe hơi, nhưng người đó vẫn cảm thấy nghèo, không bằng những người có nhiều nhà hơn, có xe "xịn" hơn. Trong khi một người khác, chỉ có một căn nhà nho nhỏ, một chút thu nhập đủ để sống ở mức trung bình, lại cảm thấy đủ, cảm thấy mình may mắn hơn người khác. Khái niệm giàu nghèo về vật chất cũng chỉ là khái niệm rất mơ hồ. Làm sao có thể nói khi nào thì hết nghèo được. Tôi cho rằng, nếu nói "càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo", với ý nghĩa chia sẻ vật chất, thì đó là điều sai trái, cho dù nó có thật là từ miệng ông Phật nào đi nữa.