Tối hôm qua vì một số sự cố nhỏ nên tôi từ TPHCM về tới nhà thân sinh phụ mẫu ở Lâm Đồng đã quá nửa đêm. Đợt này tôi đi “nghỉ lễ” muộn vài ngày và thực chất tôi cũng hơi lười trong những ngày này, chẳng muốn làm gì, chẳng muốn đụng tới Internet luôn. Nhiều người nói tôi là dân công nghệ gì mà trong người không có smartphone, không vô wifi, 3g, không check Email, không check Facebook thường xuyên. Tôi vẫn check Email, Facebook bằng một cái Ipad mini 2 đã cũ xì rồi mà cũng chẳng có lí do gì để mua cái mới. Một cái Macbook Pro để làm việc. Đó là toàn bộ thiết bị công nghệ của tôi. Tối qua về khuya, 2h ngủ đến 5h thì dậy, tôi không ngủ nướng được dù có lỡ bị ngủ muộn. Trưa có đám cưới của một em nhân viên cũ nên đến chúc mừng em ấy rồi về. Định ngủ một lát nhưng lại nghĩ ngợi tới chuyện khởi nghiệp rồi phải mở laptop viết bài này. Tôi đã làm việc với khá nhiều bạn khởi nghiệp và gặp một việc cứ lặp đi lặp lại mà tôi cảm thấy cần phải viết ra. Tôi muốn viết ra phần này để làm chất dẫn đến câu hỏi then chốt trong tiêu đề bên trên. Tôi hi vọng cùng nhau chúng ta sẽ tìm ra cái xứng đáng để mỗi chúng ta làm cả đời. Tôi tin rằng ngay cả những người hiện đang thành công vượt bậc vẫn có thể chưa tìm ra CÁI đó cho bản thân mình. HẦU HẾT CHÚNG TA QUÁ COI TRỌNG PHẦN CỨNG Tôi có đưa cho đứa em theo tôi dựng nghiệp một cái laptop IBM X201 để làm việc trong khi em ấy muốn 1 cái Macbook Air. Hình ảnh thì khá quan trọng khi giao tiếp, bán hàng trực tiếp nhưng tôi nghĩ hình ảnh chỉ là cái bề nổi, còn chiều sâu thì sớm hay muộn người khác cũng phát hiện ra mà thôi. Điển hình là người bạn cùng chí hướng đang làm việc cùng tôi xài vật dụng làm việc rất kĩ, xài tiền rất chi li và chừng mực, không có gì bóng bẩy, sang chảnh nhưng tôi rất quý bởi vì sự tận tâm, nghiêm túc và thực sự có tầm. Tôi xin quay lại câu chuyện cái laptop IBM X201 một chút vì nó rất quan trọng với tôi. Những cái laptop cũ của tôi đều còn xài rất tốt dù rằng đã trải qua tháng năm miệt mài làm việc ít khi ngơi nghỉ. Tôi kể về câu chuyện tái khởi nghiệp li kỳ cùng với cái laptop đó cho đứa em nghe như kể về một người bạn tốt. Người bạn mang tên IBM X201 đó là thứ quý nhất giúp tôi có thể làm những việc quan trọng để đưa tôi lên khỏi vực sâu của thất bại. Ít nhất 3 doanh nghiệp đã được lợi lộc lớn từ đó, 1 của tôi, 1 của ông anh chiến hữu, 1 của một bạn lúc mới khởi nghiệp năm 2012 có tìm đến tôi vì hiểu rõ sức mạnh của CNTT. Nếu nói về tiền, cái X201 đó đã đem lại doanh số hàng triệu USD. Vì tính chất công việc mà tôi phải đổi sang xài Macbook và để anh bạn IBM ở nhà. Thế nhưng tôi vẫn muốn cái laptop đó phục vụ tiếp vì trực giác cho biết nó có thể tiếp tục làm nên chuyện lớn. Và tôi chỉ đưa nó cho người quan trọng, có căn cơ. Tôi nói với em ấy: “Em hãy dùng nó và làm ra doanh số vài triệu nữa” Nhiều bạn khởi nghiệp rất coi trọng văn phòng sang chảnh, đắt tiền, xe đẹp, đồ dùng cá nhân hàng hiệu...nhưng khi cần đầu tư cho một ứng dụng quản lý doanh nghiệp chẳng hạn thì lại...chê đắt! Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra tỉ lệ người sử dụng thiết bị công nghệ hiệu quả trên thế giới là một con số cực kì nhỏ. Đó mới chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng, ứng dụng. Dùng thiết bị công nghệ để làm bàn đạp giúp mình nhàn hơn, tự do hơn lại càng khó. Rồi dùng thiết bị công nghệ để sáng tạo, phát triển bản thân lại càng khó hơn. QUYỀN LỰC CỦA CÁI KHÔNG THỂ THẤY ĐƯỢC BẰNG MẮT THƯỜNG Tại sao có người dùng laptop cũ, cấu hình thấp nhưng vẫn có thể sử dụng nó để dựng nên nghiệp lớn. Còn người khác dùng toàn đồ xịn lại chẳng làm nên trò trống gì. Cái lớp vỏ vốn chỉ để trang trí cho đẹp, tài nguyên cấu hình mạnh mẽ nếu không biết sử dụng thì cũng vô ích, chỉ...tốn thêm tiền điện. Chắc chắn ở đây nhiều anh chị lão luyện thì đều biết đến “định giá doanh nghiệp”, tài sản khó định giá nhất nhưng cũng khủng nhất chính là tài sản trí tuệ. Trên thế giới đã có rất nhiều đại gia định giá sai ý tưởng của một ai đó khi nó còn trong trứng và vài năm sau mất toi rất nhiều triệu, nhiều tỉ đô la thậm chí bị đè bẹp thê thảm. Ở xứ người chuyện đó xảy ra thường xuyên. Ở xứ ta mặc dù cho tới nay tài sản trí tuệ có vẻ vẫn chưa được “định giá” đúng mức lắm. Nhiều người buồn phiền vì trí tuệ của họ bị coi thường, bị rẻ rúng. Nhiều người cho rằng không có đất dụng võ. Tôi thì nghĩ khác một chút. Thế này nhé. Một người có trí tuệ siêu phàm. Lời anh ta nói là những thứ cao siêu và vượt tầm. Anh ta đăng Facebook thử xem, chắc được vài like...bấm nhầm. Còn một hot girl bán kem trộn, chụp hình chưa kịp đăng đã có cả nghìn ông đang chực chờ like, còm, thả tym đủ thứ. Thế là anh ta chán, chẳng làm gì nữa. Bạn thấy đó, rất nhiều người chán và bỏ rồi. Nhưng nếu anh ta mặc xác có ai like, ai còm hay không, anh ta cứ việc viết ra, phát triển những thứ siêu phàm đó của mình. Tôi cá với bạn rằng không chóng thì chầy sẽ có người hiểu được anh ta nói gì. Rồi nhiều người hơn sẽ hiểu. Rồi xét về lâu dài, cô bé hotgirl ngày nào giờ qua tháng năm già còm cõi, thẩm mỹ, mỹ phẩm nhiều quá càng làm cho nhan sắc xuống cấp không phanh khi thời gian lên tiếng, số lượng like còm giờ chỉ còn lác đác, thậm chí mấy lão già cũng chẳng thèm like. Còn anh chàng kia râu tóc bạc phơ, tướng tá phương phi và trí tuệ sáng chói, kinh thư cả bộ, thiên hạ đổ dồn săn lùng những thứ kinh điển của anh. Cái gì cũng có cái giá của nó. Nếu xét trên ngắn hạn, bạn có thể khinh thường ai đó ra mặt, nhưng xét về dài hạn, có khi bạn mất trắng còn người kia thì ăn cả. Cái còn lại khi cái vỏ mất đi, cái đó chính là cái mà mỗi chúng ta nên làm suốt cả cuộc đời. Bám vào ý này, chúng ta nhất định sẽ tìm ra thiên phú của mình. Mỗi một con người đếu có khả năng phát triển một cái gì đó của riêng mình cho nó trở nên phi thường, và khi nó trở nên tinh hoa rồi thì nhất định nó sẽ có sức hấp dẫn cực kì đặc biệt. Khi khởi nghiệp, đừng vội so sánh khập khiễng kiểu sao mình làm 3 năm dư có 2 tỉ, còn ông kia làm 1 năm được tới 6 tỉ. Hãy âm thầm làm cái khác, cái mà bạn muốn làm cả đời của riêng bạn, làm cho cái đó trở nên tuyệt đỉnh không một ai có thể cạnh tranh với mình trong dài hạn. Mà thực ra thì chẳng có ai cạnh tranh đâu. 10 năm trước tôi nhận ra vấn đề này, tôi đã và đang sống với điều đó, tôi nhận ra con đường mình đi thật thênh thang, chẳng có ai cạnh tranh với mình cả. Tôi thí nghiệm 10 năm nay rồi, tôi tin chắc rằng dù có thất bại thảm hại thì bạn cũng sẽ tỉnh bơ đứng lên và đi tiếp, vì cái việc mà xứng đáng để bạn làm cả đời thì bạn cứ làm thôi, vì bạn làm việc với chiều sâu chứ không phải chỉ vì lợi ích. Mà kì lạ là khi bạn cứ làm như thế thì nó sẽ đem lại lợi ích, có khi nó nhiều tới mức bạn cũng chẳng tin nổi đâu. Trong sự bó hẹp về ngôn từ, tôi cảm thấy rất khó viết về đề tài này, hi vọng đây là sự bắt đầu để cùng nhau tìm ra thiên phú của mỗi người. Cái gì xứng để chúng ta làm cả đời?