Như anh Do Hoa nói, căn bệnh chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là cứ bàn tán về Cách mạng 4.0 mà không trả lời những câu hỏi cơ bản như "Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi ngành tôi như thế nào và tôi sẽ phải làm gì để tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức của nó"? Có chứng kiến sự thay đổi đầy đau đớn của những tập đoàn truyền thông tiếp thị hàng đầu thế giới mới thấy không có gì là không thể "bị thay đổi". Hè vừa rồi, tôi có tiếp xúc với rất nhiều sinh viên học ở Mỹ, Anh tới xin thực tập. Tôi nói thẳng với các em, kiến thức truyền thông tiếp thị các em học trong nhà trường hiện nay có thể vứt đi rồi. Vì ngành này đang thay đổi với một tốc độ kinh khủng. Vậy nó đang thay đổi ra sao và cơ hội của chúng ta ở đâu? Nếu xét trong 6 mảng của CM 4.0 bao gồm truyền thông xã hội, mobile, điện toán đám mây, Internet vạn vật và an ninh mạng thì những gì ảnh hưởng đến ngành nhiều nhất? 1. Media truyền thống đang chết đứ đừ, trong khi truyền thông (communications) thay đổi. Để làm yên lòng các em học ngành truyền thông, thì truyền thông không mất đi. Thực chất, nó chỉ chuyển hoá sang việc thẩm thấu vào toàn bộ quá trình hoạt động của một doanh nghiệp. Mọi thứ đều cần và có thể truyền thông! Bản thân sản phẩm phải trở thành một cách truyền thông, trải nghiệm khách hàng là truyền thông, bán hàng là truyền thông. Thay đổi cũng cần truyền thông. Chưa bao giờ mà ngành truyền thông lại đứng trước cơ hội lớn như hiện nay. Tuy vậy, media truyền thống thì đang, hoặc đã chết mà người ta chưa đem chôn. Social media không còn là trào lưu, ngày nay sẽ chỉ có social media còn khả năng tồn tại. Bản thân chữ "media" (bắt nguồn từ chữ "medium" là trung gian) đã cho thấy nó đáng chết. Ngày nay, người ta có khả năng đối thoại trực tiếp với công chúng mà không cần một thứ trung gian chuyên chở gì cả. Báo, tạp chí, sắp tới cả truyền hình, đài phát thanh đều đã được quàn ở Phùng Hưng, người ta chỉ chưa đưa nó ra Văn Điển mà thôi. Điều đấy sẽ làm cho một số ngành biến mất hoặc biến đổi. Hôm qua, tôi nói với bà xã hay coi mỗi một tờ báo chỉ như một tài khoản Facebook. Tôi có những người bạn mà sức ảnh hưởng của tài khoản Facebook của họ không thua kém gì những tờ báo lớn. Những tờ báo và toà soạn một người này sẽ càng ngày càng trở nên phổ biến. Cho nên, ngành "quan hệ báo chí" (media relations), ngành "media buying" (mua media truyền thống), "traditional media planner" sẽ chẳng mấy chốc không còn thấy tồn tại. Ai sẽ trả tiền cho anh lên kế hoạch chi tiêu cho media nếu như có hàng loạt cơ chế phân tích và lên kế hoạch tự động làm việc đó một cách hoàn hảo, nếu không miễn phí thì cũng chỉ trả tiền khi có kết quả thực tế. Cái chết của các kênh trung gian (media) là đất mùn cho một ngành truyền thông sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lại- truyền thông doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, tận dụng cơ hội của những nền tảng truyền thông miễn phí như Facebook, YouTube, Amazon, Google...thay vì trả tiền cho các agency sẽ lựa chọn xây dựng đội ngũ truyền thông cho riêng mình. Các kênh truyền thông doanh nghiệp sẽ dần dần phát triển và cạnh tranh với nhau, như cái cách mà truyền thông cá nhân hiện nay đang phát triển. Để hoạt động tiết kiệm và có hiệu quả, các nền tảng tự động trong việc sản xuất, phân phối và đo lường nội dung sẽ càng ngày càng phổ biến. Từ Mobile First, Video First, cách thức truyền thông linh hoạt, đúng đối tượng và theo thời gian thực sẽ là trọng tâm của truyền thông doanh nghiệp. 2. Quảng cáo truyền thống thì chết, nhưng Sáng tạo thì không. Trong năm vừa qua, bạn nhận thấy có bao nhiêu doanh nghiệp ở VN sẵn sàng chi vài triệu đô cho một chiến dịch chạy TVC truyền thống? Con số đó càng ngày càng ít đi, và sẽ đến lúc người ta coi điều đó là điên rồ. Nhưng đó là nguồn sống của rất nhiều các công ty quảng cáo và sản xuất. Họ sẽ ra sao khi người ta rời miếng pho-mát của họ đi chỗ khác? Tin tốt là các công ty quảng cáo như-cách-chúng-ta-đang-hiểu có thể sẽ biến mất, nhưng những người làm trong ngành sáng tạo thì vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển: công nghiệp nội dung, ứng dụng công nghệ mới trong sáng tạo, ý tưởng sáng tạo cho sản phẩm, cho trải nghiệm khách hàng...những chuyên gia sáng tạo sẽ bị kéo khỏi cái tháp ngà của các Business Centers để đến gần hơn với công chúng và khách hàng. Tôi nói với con trai tôi (đang học năm thứ 1 ngành truyền thông ở Mỹ ) và con một người bạn (vừa tốt nghiệp ngành truyền thông ở Pháp)- "bây giờ, không ai có thể vỗ ngực coi mình là chuyên gia truyền thông cả. Cái truyền thông của họ và cái truyền thông đang diễn ra và biến đổi hàng ngày rất khác nhau. Các con có một cơ hội rất lớn để trở thành chuyên gia của một ngành truyền thông khác. Cho nên học ít thôi, hãy xông vào làm rồi biết". P.S: để trả lời nhận xét của Nghia Dang Tran, có thể gọi truyền thông mới trong 4 chữ T: tối ưu hoá, tự động hoá, tương tác hoá và toàn cầu hoá.