Thuở nay phong trào Quốc gia sạt nghiệp, chuyện ban bệ không mấy được quan tâm, nhưng người người, nhà nhà cũng đều muốn có cái title thật oách. CEO (Chief Everything Officer), CTO, CMO… nhan nhản khắp nơi, nhiều hơn lợn con, không ai thèm giải cứu. Thuở trước chiến tranh Nhân dân, các cụ nhà ta cứ mò cứ mẫm, rồi từ một clan bé xíu cũng thành một đội quân to uỳnh. Chuyện ban bệ, chức tước cũng từ mò mẫm mà ra, người đi mãi rồi cũng thành đường. Giờ đây, nếu không phải COCC thì tất cả các loại C khác cần “Núi sông bờ cõi phải chia, phong tục mỗi C mỗi khác”. Tuy nhiên, việc chia núi sông bờ cõi không phải là chuyện cắt đất phong vương, mà là để chuyên biệt hoá những quy trình khác nhau, và cung cấp nhiều góc tiếp cận khác nhau về cùng một vấn đề. Nếu thượng bất chính, thì hạ tắc loạn, cấu trúc công ty không rõ ràng, phòng ban không những không hỗ trợ mà còn lấn sân nhau. Vậy nên, việc của người chủ là hoạch định rõ các bạn C này. Ví dụ, CIO (Chief Information Officer) cần biết làm sao để tao ra những mô hình kinh doanh mới; CFO (Chief Financial Officer) cần phát triển chiến lược quản lý rủi ro; CHRO (Chief Human Resource Officer) là công trình sư cho cấu trúc nhân sự, đem lại các điểm bứt phá cho công ty… Mỗi một vị trí C này đều ra đời vì những lý do nhất định chứ không phải kiểu có cho bằng bạn bằng bè. CIO (Chief Information Officer) Cuối thập niên 1980, nhiều chuyên gia IT phát triển lên các vị trí cao, và đảm nhận những vai trò giám đốc. Họ là những người tư duy tỉ mỉ, logic và liền mạch, nên thường được đảm nhận các công việc phân tích hệ thống, để rút ra bài học từ bộ máy công ty. Các công ty cũng tìm nhiều hướng đi để áp dụng các công nghệ mới vào thực tiễn, nên vai trò của CIO cũng mở rộng thêm theo hướng tìm kiếm thị trường mới, phát triển cơ hội mới. Và đến cuối những năm 1990, yêu cầu dành cho CIO không chỉ dừng lại ở việc hiểu công nghệ, mà còn phải hiểu và đáp ứng được thị hiếu của thị trường. Đến khoảng 2008, 2009, yêu cầu cho CIO lại được tiếp tục mở rộng bởi sự phát triển nhanh tột độ của công nghệ. Anh em nhà CIO được ví như Khổng Minh Gia Cát, với việc phải tiên đoán tương lai, bằng việc phối hợp khả năng thấu hiểu, phân tích và tương tác (dữ liệu, câu chuyện, con người). CMO (Chief Marketing/&Sale Officer) Đầu thế kỷ 20, hai vai trò này được tách biệt khá rõ ràng: Sales B2B và Marketing B2C. Hiếm khi có tổ chức nào kết hợp marketing và sales vào cùng một bộ phận. Như bao ranh giới khác, ranh giới này cũn bị phá bỏ bởi sự tác động của công nghệ, Chức năng Sales vẫn tập trung vào B2B, nhưng E-commerce đã đem lại B2B2C, C2C và thậm chí cả C2B. Các công ty lớn thì xuất hiện vị trí VP of Sales and Marketing, phụ trách Chief Marketing Officer và Chief Business Development Officer. Các công ty nhỏ hơn thì gộp cả hai chức năng vào vị trí CMO. Việc gộp hay tách chỉ đơn thuần là sự khác nhau của cách nhìn nhận và tiếp cận thị phần. CFO (Chief Financial Officer) Cho đến tận những năm 2000, vai trò của CFO vẫn không khác mấy so với một đầu mối kế toán lớn, và đáng ra phải được gọi là Chief Accounting Officer. Sau đó, quá trình toàn cầu hoá đẩy nhu cầu quản lý vốn, dòng tiền và rủi ro xuyên quốc gia lên cao hơn, nhất là sau các cuộc khủng hoảng tài chính to nhỏ. Người bạn thân thiết nhất của CFO là rủi ro. Nếu không có sự tiềm tàng rủi ro, thì sự tồn tại của một CFO là không có gì để tranh luận. Cũng giống câu chuyện 50% chi phí marketing là lãng phí, nhưng vấn đề là 50% nào, CEO cần có CFO không phải để biết được có bao nhiêu rủi ro, mà để giảm thiểu tối đa khả năng xuất hiện các rủi ro. CFO cần phát triển và vận hành các hệ thống, quy trình đo lường, phân tích dữ liệu về năng suất, hiệu suất, được cập nhật tức thời (real-time). CHRO (Chief Human Resource Officer) Hiền tài là nguyên khí của công ty, nên CHRO là vị trí đau đầu bậc nhất. Trước những năm 2000, thì vai trò của CHRO chủ yếu thiên về mảng hành chính: tuyển dụng, lương bổng, sa thải… Quá trình toàn cầu hoá đem lại sự cạnh tranh nhân sự gắt gao, khiến các công ty cướp người của nhau như nghoé. Sau một hồi cướp đi cướp lại thì vẫn là là chuyển từ túi trái qua túi phải, nên nhu cầu mới của CHRO là phát triển nhân sự bền vững, xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Điều này đỏi hỏi CHRO phải là bạn tri âm tột đỉnh với tất cả các anh chị em C-level khác. Bên cạnh các anh chị em Big-C kể trên, còn vô vàn các C khác: COO (Chief Operating Officer) lo về vận hành bộ máy; CTO (Chief Technology Officer) lo về chuyên môn công nghệ; CDO (Chief Data Officer) lo về insight, nói cách khác là nắm được các loại tử huyệt của công ty và cả khách hàng; CKO (Chief Knowledge Officer) quản lý nguồn lực trí tuệ. Ngoài ra, cũng có một số Big-C rất mới, và dự kiến là sẽ rất hot trong tương lai không xa, bởi sự phát triển của công nghệ, xu hướng phát triển toàn cầu, và đặc biệt là xu thế phát triển của nền kinh tế chia sẻ, cá nhân hoá. Chief Ecosystem Officer Chief User Experience Officer Chief Automation Officer Chief Freelancer Relationship Officer Chief Privacy Officer Chief Compliance Officer Một nhân sự có thể đảm nhận nhiều vị trí C, nhưng một vị trí C thì không nên phân chia cho nhiều hơn một người đảm nhiệm. Các tổ chức bất kể lớn hay nhỏ cũng không cần câu nệ danh xưng, mà chỉ cần chú trọng vào chức năng của C. Cho dù là bất kể một C-level nào, thì khả năng lãnh đạo (leadership) đóng phần quan trọng rất nhiều hơn là khả năng quản trị (management). Những kỹ năng kỹ thuật giúp bạn đạt đến vị trí C-level chắc chắn không đủ để bạn làm tốt công việc của mình. Nói cách khác, thay vì làm việc với công việc, thì bạn cần làm việc với con người nhiều hơn. Nhất là khi ở C-level, thời gian bạn làm việc với những người đồng cấp nhiều hơn với nhân viên trong bộ phận của mình, nên việc dung hoà các mối tương tác lại càng trở nên khó khăn. C-level vừa phải đảm bảo việc nắm rõ tử huyệt của bộ phận mình để đóng góp vào quá trình đưa ra quyết định (decision-making) của công ty, vừa cần phát triển nhân sự mình phụ trách, và hoà quyện vào các bộ phận khác. Bởi vậy, việc mô tả công việc của các C-suite là hết sức khó khăn, không có mô thức chung, và cần thay đổi ở những thời điểm khác nhau để phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực và tích luỹ tiềm lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nếu không, bạn sẽ giống như một đứa trẻ ôm cục vàng và đi giữa chợ, sẽ trở thành miếng mồi ngon cho cả Hoa Sơn lẫn Thanh Thành . P/s. Chú thích ảnh: (Dear CIO) Chú phân tích chi phí ngon đấy, nhưng đến bao giờ mới sửa email cho anh? Duc A. Hoang, Chuyên gia Giáo dục