1. Đất nước muốn khá, phải bỏ khái niệm biên chế, bỏ khái niệm địch ta 2. Kinh tế muốn khá, phải bỏ khái niệm hợp đồng lao động không thời hạn và bỏ công đoàn quốc do ảnh 3. Gia đình muốn khá, nên bỏ vụ đăng ký kết hôn 4. Chất lượng nguồn nhân lực muốn khá, phải bỏ bộ giáo dục và đào tạo 5. Xã hội muốn khá, cần bỏ hộ khẩu Có ai phản đối không ta? Xin được làm rõ hơn một chút: Trong quản trị, cho dù ở mức độ nào, ta đều đối đầu với những quyết định quan trọng. Nhiều hơn, thoải mái hơn, xông xênh hơn, có lợi hơn trong ngắn hạn chưa hẳn đã tốt hơn về lâu về dài. Tốt hơn bây giờ chưa hẳn đã tốt hơn cho tương lai. Là người lãnh đạo, muốn xây dựng được một tổ chức phát triển và lâu bền, chúng ta biết buông bỏ. Tuy vậy, việc này không hề là đơn giản. Biết nên làm đã là khó. Có đủ dũng cảm để làm lại càng khó hơn. Tôi lấy một số vấn đề trong xã hội và gia đình để mọi người cùng phân tích thêm. Trong doanh nghiệp hoang toàn tương tự. 1. Đất nước muốn khá, phải bỏ khái niệm BIÊN CHẾ, bỏ khái niệm ĐỊCH TA Quốc gia nào rồi cũng cần một một lực lượng công chức để điều hành. Bên cạnh lòng trung thành với đất nước, những người công chức này cần phải đem lại hiệu quả điều hành. Ở một số quốc gia, người ta dùng khái niệm biên chế để vạch một vòng tròn. Ai vào được bên trong cái vòng tròn biên chế ấy thì gần như có thể kê gối ngủ yên, không lo mất việc. Người ta dùng cái vòng tròn ấy để ràng buộc và mua lòng trung thành của công chức. Nhưng chính cái vòng tròn sung sướng ấy lại làm cho động lực của công chức gần như không còn. Người ta chỉ cần không vi phạm kỷ luật lớn thì có thể an ổn đến cuối đời. Thậm chí là đến đời con đời cháu lại tiếp tục được ưu tiên nhận vào. Jack Welch, một trong những nhà quản trị xuất sắc nhất của thế kỷ trước, có đặt vấn đề rất rõ ràng về việc phải tạo ra và luôn giữ động lực hừng hực cho đội ngũ. Ông yêu cầu định kỳ đánh giá nhân sự theo hai trục: có cống hiến trong kỳ đánh giá ấy hay không, và có năng lực cần thiết cho tương lại của tổ chức hay không? 10-15% tệ nhất (vừa làm kém, vừa yếu những năng lực cần thiết cho tương lai của tổ chức) buộc phải ra đi để có những người mới vào, tạo một luồng sinh khí luôn đẩy tổ chức về phía trước. Động lực không chỉ được tạo ra bởi khao khát được “thưởng/hưởng” thêm. Động lực còn được tạo ra bởi cái nỗi lo bị “mất/phạt”. Không có cái nỗi lo ấy, nhiều nhân sự đã “chết" từ lúc mới đậu vào biên chế. Chỉ là chúng ta vẫn phải trả lương thêm 35-40 năm, và phải kéo lê cái xác chết nặng nề trương sình ấy trong các công sở, tạo nên sự u ám, trì trệ và quan liêu vốn có đặc tính lây lan rất mạnh. Ở góc độ thứ hai, quan điểm địch ta là một quan điểm lệch lạc, lỗi thời vốn chỉ nên có ở những kẻ yếu và hèn. Là một công dân của một quốc gia, nếu bản thân một người không làm gì nên tội thì không nên dán cho người ta một cái nhãn rồi loại người ta khỏi cuộc chơi, thậm chí gián tiếp đẩy người ta về phía “kẻ thù” (nếu như có một phía như thế). Trong hầu như bất kỳ một giáo trình về tư duy lãnh đạo nào, và hầu như trong mỗi chuyển biến lớn của lịch sử cũng đều có những tấm gương về những người lãnh đạo biết dùng người khác mình, thậm chí giỏi hơn mình. Có như vậy người ta mới làm được nên lịch sử. Thế nhưng, những người kế thừa của những người lãnh đạo ấy lại thường không có được những dũng khí đó. Họ không dám dùng người lạ, người khác mình, thậm chí không dám dùng người ngoài "gia tộc”. Chính về thế những vương triều ấy ngày càng suy yếu và dần đến giai đoạn sụp đổ. Lãnh tụ là người dùng được người tài xung quanh mình, thậm chí phải có khả năng chuyển hoá được họ, biến họ thành những người ủng hộ mình mạnh mẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người như vậy. Và do vậy, Bác ghi được nhiều dấu ấn vào lịch sử dân tộc. Nếu ta quá bị ám ảnh với khái niệm địch-ta, ta sẽ lãng phí rất nhiều nhân tài trong khi chúng ta luôn thấy mình thiếu. Sao không đủ phóng khoáng để chọn người giỏi trong 97 triệu dân mà chỉ quanh qua quẩn lại với ba, bốn triệu người còn cỏi. Dường như nhiều người hiểu sai lời dạy của Hồ Chủ tịch: người nói phải vừa hồng, vừa chuyên chứ người có nói là chỉ cần hồng mà không cần chuyên đâu. Dường như người ta cũng hiểu sai Các Mác: đấu tranh chống lại những bất công giai cấp là để có một xã hội hài hoà hơn, nơi mà con người được làm việc và tưởng thưởng dựa trên năng lực và cống hiến của mình mà không phụ thuộc vào giai cấp. Chứ Mác không hề nói rằng: hãy vùng lên, đánh bại cái giai cấp ấy, và chúng ta sẽ thống trị chúng lại - nếu Mác nghĩ như vậy thì cái chủ nghĩa mà ông sinh ra đã là chủ nghĩa phong kiến hoặc thậm chí chiếm hữu nô lệ mất rồi, tiến bộ cái quái gì đâu. Tóm lại: Địch ta làm giảm lựa chọn của ta, Biên chế dần làm suy yếu nốt cái lực lượng còn lại mà ta có. Nếu không thay đổi, chỉ trong vòng 2-3 nhiệm kỳ nữa, tôi lo rằng đội ngũ sẽ thoái hoá đến mức không thể cứu vãn được nữa (như họ Trần nhà tôi xưa kia). Dĩ nhiên, đang giữ đại quyền trong tay mà bỏ bớt thì hoặc chỉ có kẻ đại ngu, hoặc bậc đại trí mới làm được. Mà bậc đại trí thì không dễ tìm. 2. Kinh tế muốn khá, phải bỏ khái niệm HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG KHÔNG THỜI HẠN và bỏ CÔNG ĐOÀN QUỐC DOANH Đi tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam mới thấy nổi khổ của doanh nghiệp. Họ bị bó buộc, họ tốn quá nhiều chi phí, công sức và thời gian với lực lượng lao động không hiệu quả. Luật Lao động là một trong những bộ luật mị dân, bất công và gây tác hại lớn nhất cho sự phát triển của đất nước. Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, đúng ra phải là bình đẳng thì luật lại quá ưu ái nuông chiều người lao động. Nếu tôi là đại biểu quốc hội, đây sẽ là một trong những bộ luật đầu tiên mà tôi sẽ yêu cầu thay đổi mạnh mẽ. Cũng gần như những gì Biên chế đã ám ảnh hiệu quả điều hành đất nước, những hợp đồng lao động không thời hạn đã quá nuông chiều người lao động, làm hư rất nhiều người trong số họ và làm mất động lực phát triển của họ. Bên cạnh đó, nó bó buộc doanh nghiệp, là gánh nặng và làm mất tính linh hoạt của doanh nghiệp. Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta dần giảm tính cạnh tranh, nhiều chỉ số năng suất lao động trung bình của chúng ta tụt giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, việc sản sinh ra một hệ thống công đoàn quái thai phản khoa học nhất trong lịch sử xã hội loài người lại làm cho những người lao động không được quan tâm, bảo vệ, đấu tranh và hướng dẫn đúng cách. Người ta vào công đoàn vì buộc phải vào. Người ta đóng công đoàn phí bởi vì bị trừ thẳng từ quỹ lương (cho dù doanh nghiệp có công đoàn hay không, dù người lao động có muốn hay không). Ở Việt Nam, công đoàn không đại diện cho người lao động. Ở Việt Nam, công đoàn đồng nghĩa với ăn bám, báo cáo láo, tham lam và hèn nhát. Đã có ai thấy công đoàn tổ chức đối thoại hay đấu tranh vì quyền lợi người lao động hay chưa? Mà có phải là không có mâu thuẫn đâu, công nhân lại phải đùng đùng xuống đường để đòi quyền lợi cho mình đó chứ? Chuyện này lại càng đặc biệt nực cười ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Bạn nghĩ công đoàn đại diện cho ai, người lao động hay chủ doanh nghiệp? Bạn đã bao giờ thấy chủ tịch công đoàn nào dám thở mạnh trong các cuộc họp hay chưa? Mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động là luôn có. Nhưng thay vì có những đại diện đúng đắn, cách thức đúng đắn, quy chuẩn đúng đắn và công bằng để phát hiện sớm, làm mềm hoá hoặc giải quyết sớm những những sâu thuẫn đó thì người ta lại giấu diếm nó, làm lệch lạc nó, đôi khi đến mức bùng nổ. Và đến khi nổ ra thì beng… chủ doanh nghiệp luôn là người thua. Điều này làm cho doanh nghiệp của chúng ta giảm tính cạnh tranh, và làm cho nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài e ngại môi trường Việt Nam. Bỏ khái niệm hợp đồng vô thời hạn, hoặc ít nhất không tự động chuyển sang vô thời hạn và bỏ tổ chức công đoàn quốc doanh cũng sẽ đồng thời làm lực lượng lao động có động lực đúng đắn để nâng cao năng lực và chất lượng của chính mình. Điều này làm tiền đề cho những sự phát triển của nền kinh tế và gây dựng tiêu chuẩn ứng xử mới cho xã hội. 3. Gia đình muốn khá, nên bỏ vụ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN Gia đình luôn là tế bào của xã hội, gia đình có yên ổn hạnh phúc, xã hội mới có cơ hội để phát triển giàu mạnh. Trong xã hội hiện đại, ta có thể quan sát được quá nhiều sự đổ vỡ. Vì nhiều lý do khác nhau mà ta sẽ tương đối khó để phân tích hết. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm đến gia đình mình, đến đối tác của mình, coi tình cảm và sự quan tâm là sợi dây quan trọng nhất để gắn kết hai nửa (và chính vì vậy, có thái độ đúng đắn để vun tưới và chăm sóc cho nó) thì tình cảm sẽ thăng hoa và hạnh phúc sẽ vững bền. Còn nếu chúng ta dùng cái tờ giấy đăng ký kết hôn (nghĩa là cái phần trách nhiệm) hay con cái (ôi, tôi nghiệp chúng) như sợi dây để ràng buộc nhau, tôi không tin rằng bạn và bạn đời của bạn đều cảm nhận được hạnh phúc. Nói chữ “bỏ” là nói một cách hơi hình tượng. Ý nghĩa của nó là: (a) Nếu bạn định lập gia đình với ai đó, bạn có thể tự tin mà không cần đến cái tờ giấy kia không; nếu chưa tự tin, hãy dành thêm thời gian để thông hiểu nhau thêm, và để xây dựng niềm tin mạnh mẽ hơn. (b) Nếu lập gia đình rồi, hãy tự hỏi mình: nếu không bị/được ràng buộc bởi cái tờ giấy kia, liệu sự quan tâm và tình yêu thương của ta có đủ để bù đắp những gì người kia mang lại? (c) Còn nếu thực sự không hạnh phúc, tờ giấy kia là sự gắn kết duy nhất thì hãy thử ngồi xuống, chia sẻ và lắng nghe cùng bạn đời của mình. Cùng tự cảm nhận lại tình yêu và tự chia sẻ. Còn nếu thấy không được, hãy thẳng thắn và rộng lượng mà giải phóng cho nhau. Đừng bao giờ dùng cái tờ giấy đó để gói gắm một tình yêu đã chết và một sự tôn trọng đã không còn. Khi mà người ta đã cần đến cái luật, cái lý để xử cái tình thì mọi việc đã tệ quá rồi. Ngày xưa, người phụ nữ bị hạn chế trong những hủ tục của phong kiến nên phải ngậm đắng nuốt cay. Ngày nay, tôi nghĩ rằng người phụ nữ đã độc lập hơn và có cơ hội nhiều hơn. Và lúc đó, nhiều khi đau ngắn hơn đau dài. Hãy chấp nhận làm lại, nếu thực sự cần. Cũng có nghĩa là, bạn không nhất thiết phải ký đăng ký kết hôn. Hoặc bạn có thể sống thử đến khi thấy ổn rồi hãy ký, xem như đó là bước trưởng thành tiếp theo của cuộc sống đôi lứa. 4. Chất lượng nguồn nhân lực muốn khá, phải bỏ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Chúng ta đang nhận định sai chức năng của một bộ. Chúng ta không cần cái bộ giáo dục và đào tạo ấy. Cần để làm gì? Cái chúng ta cần là một bộ nào đó chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị ĐÚNG và ĐỦ NGUỒN NHÂN LỰC cho nhu cầu phát triển của đất nước (xã hội, kinh tế, văn hoá…) trong tương lai. Tức là nó phải có ý thức rằng nó phục vụ ai, phục vụ nhu cầu gì, kết nối với những chiến lược gì, tạo tiền đề sẵn sàng cho những gì và khi nào. Chứ còn việc dạy và học, cần quái gì đến một bộ máy hơn mấy trăm ngàn người trực tiếp và gián tiếp ăn lương nhà nước? Hãy để cho xã hội lo việc đó. Xã hội sẵn sàng làm điều đó mà. Giáo dục là siêu lợi nhuận. Ở cách đặt tên và hoạt động hiện tại, chúng ta đang giới hạn suy nghĩ của các vị ấy trong giới hạn làm việc A và B. Chúng ta không cần những điều đó. Hay nói đúng hơn, chúng ta không cần phải quan tâm đến việc họ sẽ làm như thế nào, hãy để họ sáng tạo & cải tiến. Họ đủ thông minh mà. Hãy đặt tên theo đúng mục đích mình cần: BỘ NGUỒN NHÂN LỰC. Lúc đó, bộ sẽ phải: 1. Phân tích nhu cầu (số lượng, chất lượng, chuyên môn…) 2. Đưa ra quy chuẩn, chiến lược cho từng nhu cầu và xác định: đào tạo trong nước hay nhập khẩu (ngoại kiều hay Việt kiều) 3. Thống nhất chuẩn kiến thức cần có, và cách thức đánh giá 4. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn ở các nơi 5. Thống kê & đánh giá và điều chỉnh kế hoạch Còn việc dạy và học, hãy để xã hội lo (tư hữu hoá toàn bộ các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề, chỉ để lại các trường quân đội, công an và khoa học cơ bản mà thôi). Người ta có thể học trường này hay trường khác, hoặc tự học…, trong nước, ngoài nước, qua mạng hoặc lên lớp, hoặc tự nghiên cứu... miễn đạt chuẩn là được. À, dĩ nhiên, nếu nơi nào đó không đủ trường, không đủ điều kiện,… thì Bộ ấy cần làm việc để đầu tư mới (và có thể vận hành trong thời gian đầu trước khi IPO). Nơi nào đó, dân quá nghèo thì có thể sẽ phải bù giá thêm cho các trường đó. Như vậy, nguồn lực xã hội sẽ được sử dụng hiệu quả và có trách nhiệm hơn. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm trong tay một tài sản khổng lồ, một ngân sách chỉ thua ngân sách quốc phòng và an ninh nhưng cái bộ ấy lại không làm cái việc nó cần phải làm nhất. Mấu chốt là phải gọi đúng tên của nó. 5. XÃ HỘI MUỐN KHÁ, CẦN BỎ HỘ KHẨU Hộ khẩu đang là cái vòng kim cô trên đầu người dân. Chính vì cái hộ khẩu này mà người dân bị giới hạn, thậm chí là tước một phần quyền công dân của họ bởi một cơ quan công quyền lăng nhăng cấp ấp xã nào đó. Hộ khẩu cũng là thành trì của hệ thống hành chính quan liêu hách dịch hiện tại. Bỏ hộ khẩu, các cơ quan chính quyền sẽ buộc phải tôn trọng người dân hơn. Hoặc ít nhất, người dân sẽ không cần quá e ngại bị làm khó, và nhờ vậy họ dám đấu tranh với những cái sai trái. Trong một xã hội mà con người dám, và có thể đấu tranh vì lẽ phải, chống lại sai trái, thì xã hội ấy có sự hiện diện của chân lý và niềm tin. Và xã hội đó có tương lai. Link bài viết: Buông bỏ