Bắt đầu cho ăn loại thực phẩm nào ? Ngũ cốc cho trẻ nhũ nhi hay các thực phẩm khác? Cho ăn vào thời điểm nào ? Đến thời điểm bé chuẩn bị ăn dặm, bạn có thể đã lập sẵn 1 kế hoạch hoặc đang bối rối vì nhận được quá nhiều lời khuyên từ gia đình và bạn bè với những ý kiến khác nhau. Dưới đây là thông tin của Học viện nhi khoa Mỹ (AAP) giúp bạn chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp sang ăn dặm của bé. 1. Khi nào con tôi có thể bắt đầu ăn dặm? Hãy nhớ sự sẵn sàng của mỗi bé phụ thuộc vào tốc độ phát triển của bé đó. - Bé đã giữ được đầu chưa? Bé cần phải ngồi được trên ghế, hoặc ghế cho ăn và kiểm soát đầu tốt. - Bé có mở miệng khi đưa thức ăn đến không? Bé sẵn sàng ăn dặm nếu bé nhìn bạn ăn, với lấy thức ăn của bạn, và mong muốn được cho ăn. - Bé có thể đưa thức ăn từ thìa vào họng không? Nếu bạn đút cho bé 1 thìa có ngũ cốc hoặc cơm, bé sẽ gẩy ra khỏi miệng, chảy dãi xuống cằm, bé có thể không có khả năng chuyển thức ăn ra thành sau miệng để nuốt. Điều đó là bình thường. Hãy nhớ, bé chưa bao giờ ăn cái gì dày hơn sữa mẹ hoặc sữa công thức trước đó, và điều này có thể làm quen đươc. Hãy pha loãng trong những lần đầu tiên; sau đó, dần dần làm dày kết cấu thức ăn lên. Bạn cũng có thể đợi 1 hoặc 2 tuần sau và thử lại. - Bé đã đủ lớn chưa? Thông thường, khi bé gấp đôi cân nặng khi sinh (thường khoảng 4 tháng tuổi) và cân nặng từ 6kg trở lên, bé có thể sẵn sàng ăn dặm. GHI NHỚ: AAP khuyến cáo sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho con bạn trong 6 tháng đầu. Khi bạn bắt đầu cho bé ăn thức ăn đặc, hãy tiếp tục cho bú đến ít nhất là 12 tháng. Bạn có thể tiếp tục cho bú mẹ sau 12 tháng nếu bạn và bé muốn. Hỏi bác sĩ về khuyến cáo dùng vitamin D và bổ sung sắt trong năm đầu tiên. 2. Tôi cho con tôi ăn như thế nào? Bắt đầu cho ăn nửa thìa hoặc ít hơn và trò chuyện với bé khi cho bé ăn ("Mmm, xem có ngon không nào?"). Bé có thể không biết phải làm gì trong lần đầu tiên. Bé có thể khó chịu, nhăn mũi, đẩy thức ăn trong miệng, hoặc nhả thức ăn ra. Một cách giúp ăn dặm dễ dàng hơn trong lần đầu tiên là cho bé bú một ít sữa mẹ, hoặc sữa công thức trước; rồi chuyển sang một lượng nhỏ nửa thìa thức ăn; và kết thúc với sữa mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn. Cách này sẽ giúp bé không bực tức vì bị quá đói. Đừng ngạc nhiên nếu hầu hết thức ăn trong những bữa ăn đầu tiên sẽ vương vãi trên mặt, tay, và khăn của bé. Tăng từ từ lượng thức ăn, chỉ cần bắt đầu bằng 1 hoặc 2 thìa cà phê. Điều này giúp bé có thời gian học cách nuốt thức ăn đặc. Đừng bắt bé ăn nếu bé khóc hoặc quay đi khi bạn cho bé ăn. Hãy cho bé bú mẹ hoặc bú bình một lúc trước khi thử lại. Hãy nhớ ăn dặm là một quá trình từ từ; ban đầu, bé sẽ vẫn nhận được hầu hết dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Và, mỗi trẻ thì khác nhau, vì vậy sự sẵn sàng bắt đầu ăn dặm cũng khác nhau. LƯU Ý: Không cho ngũ cốc vào bình vì bé có thể bị nghẹn. Cách này cũng làm tăng lượng thức ăn bé ăn và có thể làm bé tăng cân quá mức. Tuy nhiên, ngũ cốc cho vào bình có thể được khuyến cáo nếu bé bị trào ngược. Hãy hỏi bác sĩ của bé. 3. Tôi nên cho con ăn loại thức ăn nào trước? Đối với hầu hết các bé, không quan trọng thức ăn đặc đầu tiên là gì. Theo truyền thống, thường cho ăn 1 loại ngũ cốc đầu tiên. Tuy nhiên, không có bằng chứng y học nào cho thấy cho ăn loại thức ăn đặc biệt nào đầu tiên sẽ có lợi ích cho bé. Mặc dù nhiều bác sĩ nhi sẽ khuyến cáo cho ăn rau củ trước trái cây, những không có bằng chứng nào cho thấy nếu cho bé ăn trái cây trước thì sau bé sẽ không thích ăn rau củ. Trẻ em sinh ra với sở thích là đồ ngọt, và thứ tự của các loại thức ăn không làm thay đổi điều này. Nếu bé bú mẹ gần như hoàn toàn, thì hãy cho bé ăn những thức ăn làm từ thịt, có chứa nhiều nguồn sắt và kẽm dễ hấp thu, cần thiết cho trẻ từ 4-6 tháng tuổi. Hãy hỏi bác sĩ của bé về điều này. Ngũ cốc cho bé có sẵn trên thị trường, và bạn có thể thêm sữa mẹ, sữa công thức, hoặc nước vào. Dù bạn sử dụng loại ngũ cốc nào thì hãy chắc chắn rằng loại đó là dành cho trẻ em và có bổ sung sắt. 4. Khi nào thì con tôi có thể thử các thức ăn khác? Một khi bé đã học được cách ăn 1 loại thức ăn thì hãy dần dần cho bé ăn những thức ăn khác. Không có bằng chứng nào cho việc trì hoãn cho bé ăn các loại thức ăn có thể gây dị ứng, như trứng, sữa bò, đậu nành, đậu phộng, hoặc cá, qua 4-6 tháng tuổi sẽ ngăn ngừa dị ứng thức ăn. Nếu bạn nghĩ bé có phản ứng dị ứng với một loại thức ăn nào đó, như tiêu chảy, ban đỏ, hoặc nôn, hãy hỏi bác sĩ của bé để có sự lựa chọn chế độ ăn tốt nhất. Trong vòng vài tháng sau khi bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn hàng ngày của bé nên bao gồm đa dạng các loại thức ăn; như sữa mẹ, sữa công thức; thịt; ngũ cốc; rau củ; trái cây; trứng; và cá. 5. Khi nào tôi có thể để bé ăn bằng tay? Khi bé có thể ngồi và đưa tay hoặc các vật khác vào miệng, bạn có thể để bé ăn bằng tay, giúp bé học cách tự ăn. Để ngăn ngừa bị nghẹn, hãy chắc chắn những thức ăn bạn đưa bé phải mềm, dễ nuốt, và cắt thành những miếng nhỏ. Ví dụ như miếng chuối nhỏ, bánh xốp; trứng bác; mì đã nấu chín; miếng gà đã nấu chín, thái nhỏ; khoai tây hoặc đậu đã được cắt nhỏ. Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn chế biến dành cho người lớn và trẻ lớn. Những thức ăn này thường chứa nhiều muối và các chất bảo quản khác. Nếu bạn muốn cho trẻ ăn thức ăn tươi sống, hãy sử dụng máy xay, hoặc chỉ ăn những thức ăn mềm có thể nghiền bằng dĩa. Tất cả những thức ăn tươi sống phải được nấu và không cho thêm muối hoặc gia vị. Mặc dù bạn có thể cho bé ăn chuối sống (nghiền), nhưng hầu hết những trái cây và rau củ khác cần được nấu cho đến khi mềm. Bảo quản lạnh bất kỳ thức ăn nào bạn không sử dụng và phát hiện các dấu hiệu hư hỏng trước khi cho bé ăn. Thức ăn tươi sống có vi khuẩn, vì vậy sẽ hư hỏng nhanh hơn các thức ăn sẵn khác. LƯU Ý: Không cho bé ăn bất cứ thức ăn nào cần phải nhai vào độ tuổi này. Không cho bé ăn bất cứ thức ăn nào có thể gây nghẹt, bao gồm hot dog; các loại hạt; miếng thịt hoặc phomai; cả quả nho; bắp rang bơ; miếng bơ đậu phộng; lá rau; miếng trái cây, như miếng táo; và kẹo cứng, hoặc dính. 6. Tôi có thể thấy sự thay đổi gì khi con tôi bắt đầu ăn dặm? Khi bé bắt đầu ăn dặm, phân của sẽ sẽ trở nên đặc hơn và màu sắc đa dạng hơn. Vì có thêm đường và chất béo nên phân cũng sẽ có mùi nặng hơn. Đậu và các loại rau củ màu xanh khác có thể làm phân chuyển màu xanh đậm; củ cải đường có thể làm phân có màu đỏ. (Đôi khi có thể làm nước tiểu có màu đỏ). Nếu bữa ăn của bé không được nghiền nhuyễn, phân có thể chứa các mẩu thức ăn chưa được tiêu hóa, đặc biệt là vỏ đậu hoặc ngô, và vỏ cà chua hoặc các loại rau củ khác. Tất cả những điều này là bình thường. Hệ tiêu hóa của bé vẫn còn chưa phát triển đầy đủ và cần thời gian trước khi có thể xử lý tất cả những loại thức ăn mới này. Nếu phân cực lỳ lỏng, hoặc nước, hoặc có nhầy, điều này có thể là do hệ tiêu hóa bị kích thích. Trong trường hợp này, hãy giảm lượng thức ăn đặc và cho ăn chậm hơn. Nếu phân vẫn tiếp tục lỏng, nước, hoặc có nhầy, hãy hỏi bác sĩ của bé để tìm lý do. 7. Tôi có nên cho con tôi uống nước trái cây? Bé không cần nước trái cây. Những bé nhỏ hơn 12 tháng không nên cho uống nước trái cây. Sau 12 tháng (cho đến 3 tuổi), chỉ cho uống nước trái cây 100% và không quá 120 ml 1 ngày. Chỉ cho uống bằng cốc, không để trong chai. Để ngăn ngừa sâu răng, không cho trẻ tu bình trước khi đi ngủ. Nếu bạn cho bé tu bình hãy đảm bảo là bình chỉ chứa nước. Nước ép sẽ làm giảm sự thèm ăn với các loại thực phẩm khác, nhiều chất dinh dưỡng hơn, bao gồm sữa mẹ, sữa công thức. Quá nhiều nước ép có thể gây hăm tã, tiêu chảy, hoặc tăng cân quá mức. 8. Con tôi có cần nước không? Trẻ khỏe mạnh không cần thêm nước. Sữa mẹ, sữa công thức cung cấp tất cả dịch mà bé cần. Tuy nhiên, với việc bắt đầu ăn dặm, thì nước có thể thêm vào chế độ ăn của bé. Ngoài ra, có thể thêm một lượng nước nhỏ trong thời tiết rất nóng. Nếu bạn sống ở nơi mà nước có flour thì uống nước cũng sẽ giúp ngăn ngừa sâu răng tương lai. THÓI QUEN ĂN UỐNG TỐT BẮT ĐẦU TỪ SỚM Quan trọng là bé cần phải quen với quá trình ăn-ngồi, ăn thức ăn bằng thìa, nghỉ giữa các lần nhai, và dừng khi no. Những trải nghiệm sớm này sẽ giúp bé học được những thói quen ăn uống tốt. Khuyến khích ngồi ăn cùng gia đình từ bữa ăn đầu tiên. Khi bạn có thể thì cả gia đình nên ăn cùng nhau. Nghiên cứu cho thấy ăn tối cùng nhau thường xuyên có những tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ. Hãy nhớ cung cấp các loại thức ăn lành mạnh, đa dạng giàu dinh dưỡng. Quan sát bé để biết những dấu hiệu bé đã ăn đủ. Không cho ăn quá nhiều! Nếu bạn có những câu hỏi về dinh dưỡng của bé, bao gồm lo lắng về việc bé ăn quá nhiều hoặc quá ít, hãy nói chuyện với bác sĩ của bé.