BAO GIỜ CHO ĐẾN NGÀY XƯA

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi tháng 10, 10/10/17.

  1. tháng 10

    tháng 10 Member

    Sáng Chủ nhật, nhìn những chiếc taxi dán biểu ngữ sau lưng tôi thẩn thờ mất một lúc. Đã một thời gắn bó với ngành taxi, cho dù cạnh tranh nhưng chúng tôi vẫn luôn tôn trọng nhau vì vẫn chung sứ mệnh: để người dân được di chuyển một cách văn minh hơn. Cho dù thị phần lúc lấn lúc lui, nhưng chúng tôi đều hiểu mỗi thắng lợi đều cần bao nỗ lực thực sự để chinh phục khách hàng.

    Thế nhưng ngày nay, dường như tất cả đã rất xa.

    Hai mươi lăm năm trước, khi đối diện với sự thống trị của ComfortDelgro khổng lồ tại Việt Nam, những người thành lập Mai Linh đã chọn tâm thế HỌC: để hiểu được, để làm được và để cải tiến được. Và các anh đã thành công khi khai sinh ra được ngành công nghiệp taxi Việt Nam với hơn 40 ngàn xe như hiện tại.

    Mười lăm năm trước, những người thành lập Vinasun đã chọn tâm thế CHIẾN: dù đi sau đi muộn, nhưng nếu hiểu đối thủ, xoáy vào chỗ yếu mà khai thác thì vẫn có thể thành công. Và các anh đã vượt Mai Linh để trở thành thương hiệu chủ đạo ở Sài Gòn.

    Suốt những ngày tháng ấy, những người lãnh đạo các công ty taxi đã vượt qua bao nhiêu khó khăn. Mỗi lần chưa thành công, các anh đơn giản xem mình đã làm gì chưa ổn, rút kinh nghiệm, để rồi làm lại cho đến thành công. Các anh chưa bao giờ dừng lại.

    Các anh không tìm những lý do bên ngoài để che sự chưa hoàn hảo của hệ thống. Các anh thực sự là những người lãnh đạo có tầm và nhờ vậy đã xây dựng được những cơ nghiệp lớn lao.

    Lái xe không đủ tốt ư, là vì ta chưa đào tạo đủ tốt. Và thế là chương trình đào tạo bắt buộc 30 ngày cho lái xe mới trước khi được chở khách đã được tổ chức ở Mai Linh.

    Khách hàng không hài lòng về chất lượng dịch vụ ư, là vì ta không kiểm soát thường xuyên. Và thế là những đội nhóm batman xuất hiện, giả làm khách hàng để đo chất lượng dịch vụ, thậm chí còn thử dụ dỗ để thử mức độ trung thực của lái xe ở Vinasun.

    Anh em phối hợp với nhau chưa tốt ư, là do chính sách của ta còn chưa phù hợp. Và thế là những chính sách gắn thu nhập với hiệu quả chung của đơn vị và chất lượng công việc cá nhân ra đời.

    Mai Linh chiếm hết điểm đón khách tốt rồi ư, vậy thì ta cần làm cách khác. Và thế là đội quân tiếp thị di động được rải khắp những điểm thường có khách để giúp khách gọi xe.

    Không có vấn đề nào xảy ra mà những người lãnh đạo hai đơn vị không thấy đó là trách nhiệm của mình và tìm cách khắc phục. Họ không hề đổ thừa cho hoàn cảnh hay đối thủ cạnh tranh chính của mình.

    Và nhờ vậy họ thành công.

    <——— Bài học 1:
    Khi một việc không như ý xảy ra, nếu ta tập trung tìm nguyên nhân bên trong thì ta đang cầu thị để tiến hoá và dần mạnh hơn lên. Còn nếu ta đi tìm nguyên nhân bên ngoài thì ta đang rúc đầu vào cát tự ru ngủ bản thân.
    ———/>

    Trong và sau quá trình gắn bó trong ngành, tôi học được bao điều từ các anh. Dù mỗi người một phong cách, mỗi người một tư duy, nhưng các anh đều rất xứng đáng với những thành công của mình. Sự nghiệp ấy không hề đến từ may mắn. Các anh không bao giờ bằng lòng với hiện tại và luôn muốn phát triển, và vì vậy cũng không ít lần phải trả học phí. Các anh nặng lòng với quê hương và xã hội, và vì vậy cũng đã tiêu tốn không ít tiền bạc và thời gian. Mục đích của các anh không là những đồng tiền dễ dãi trước mắt nên luôn ưu tiên xây hệ thống thay vì đánh quả nhanh.

    Có những người bên ngoài không đủ hiểu nội tình ngành nên có thể trách nhầm. Các anh luôn thúc ép cải tiến, áp dụng công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh. Mai Linh đã liên tục tìm các đối tác trong và ngoài nước để phát triển những giải pháp điều phối và quản lý vận hành xe dựa trên GPS. Từ năm 2006, nghĩa là từ lúc những người viết ra phần mềm Uber hay Grab còn học phổ thông. Vinasun đã gắn màn hình LCD trên xe từ những năm 2008. Nghĩa là từ thời quảng cáo di động mới chỉ manh nha.

    Vâng, có nghĩa là các anh không hề thiếu tầm nhìn. Và cũng không hề tự bằng lòng với chính mình.

    Tiếc là sự đời không như ta mong muốn. Những sự thay đổi nho nhỏ theo kiểu cải tiến (incremental improvement) không thể nào chống lại những sáng tạo đột phá (disruptive innovation) đầy ngỡ ngàng nhờ vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh.

    Uber và Grab ra đời như một tiến bộ vượt bậc về cả công nghệ lẫn mô hình kinh doanh và đem lại nhiều ích lợi hơn cho cả khách hàng lẫn xã hội. Tuy vậy, cho Mai Linh và Vinasun, đó lại là một thảm hoạ. Là một người trong cuộc và lại hiểu về công nghệ, tôi chỉ biết nói được mấy từ: không thể cưỡng lại được.

    <——— Bài học 2:
    Khi tốc độ thay đổi bên trong tổ chức lớn hơn tốc độ thay đổi bên ngoài môi trường thì kết quả sẽ là chinh phục và thành công. Còn nếu ngược lại thì kết quả sẽ là thảm hoạ.
    ———/>

    Việc xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi và sẽ không bao giờ quay trở lại ngày xưa. Là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, những người làm taxi truyền thống cần phải làm gì?

    Điều đầu tiên, và là quan trọng nhất, đó là cần chấp nhận thực tại.

    Quy luật của mọi quy luật: khách hàng luôn đúng. Và khách hàng đang hài lòng hơn với những tiến bộ mà Grab hay Uber mang lại: giá rẻ và minh bạch hơn, phục vụ lịch sự và tận tình hơn, không gian sạch sẽ và được tôn trọng hơn… Nếu là một khách hàng, các anh sẽ chọn ai?

    Các anh cũng cần nhìn thẳng vào bản tâm của mình: hiệu quả là chân lý cứng. Có phải hệ thống hiện tại như của Uber hay Grab sẽ mang lại hiệu quả điều hành doanh nghiệp cao hơn hay không? Ở vai trò chủ doanh nghiệp, các anh sẽ muốn là chủ của doanh nghiệp nào?

    Nghĩa là vấn đề chỉ vì ta đang cạnh tranh với họ thôi, chứ không phải vì họ xấu hay họ tệ.

    Chỉ khi thẳng thắn như vậy thì chúng ta mới có được phương hướng đúng đắn để tập trung tư duy, tập trung năng lượng giải quyết vấn đề hiệu quả.

    Đừng tốn thời gian vào việc tranh cãi hay thuyết phục không cần thiết. Vì nói cho cùng chúng không giúp được gì mấy, nếu có cũng chỉ là ngắn hạn.

    Khi taxi xuất hiện, xe bus mất khách chứ nhỉ? Nhưng xe bus có kiện cãi gì được đâu? Khi người nông dân mua chiếc máy cày, con trâu ấm ức chứ nhỉ? Nhưng không lẽ nó kiện vì ưu thế kinh doanh vượt trội? Đó là những thay đổi văn minh và tiến bộ đó chứ.

    Nói cho cùng, có ai cấm các hãng taxi làm giống Uber hay Grab hay không? Khi làm như vậy, thậm chí các anh chị còn có những lợi thế lớn hơn các hãng công nghệ ấy. Các anh chị hiểu ngành vận tải, có sẵn đội ngũ, khách hàng và có lợi thế địa phương. Nghĩa là công bằng đó chứ nhỉ?

    Còn nếu họ trốn thuế thì hãy để cho cơ quan nhà nước xử lý. Đó là một quan hệ hoàn toàn khác.

    <——— Bài học 3:
    Người bi quan phàn nàn về cơn gió, Kẻ mơ mộng chờ đợi nó đổi chiều, Người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm.
    ———/>

    Điều thứ hai, cần giữ được tinh thần và tư duy khởi nghiệp.

    Nhiều người kêu gào các anh thay đổi tư duy. Tôi không cho rằng cần phải làm như vậy. Các anh không cần thay đổi đi đâu xa, chỉ cần là chính mình hai mươi hay hai mươi lăm năm trước. Giữ cho mình tâm thế HỌC & CHIẾN. Ngày ấy, chỉ với tâm thế ấy, ngoài ra chẳng có gì khác: thương hiệu không, nguồn lực không, hệ thống không, con người không, quan hệ không… thế mà các anh đã có thể dựng cờ khởi nghĩa, tụ hội anh tài để xây dựng được một đế chế taxi lớn đến vậy. Bây giờ, tại sao không?

    <——— Bài học 4:
    Ta không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng ta biết ai sẽ làm chủ tương lai ấy: những người không ngại hành động ngay từ bây giờ.
    ———/>

    Điều thứ ba, cần dứt khoát lựa chọn sự thay đổi.

    Một trong những vấn đề lớn nhất trong quản lý sự thay đổi là sự dứt khoát. Nhiều anh chị lãnh đạo doanh nghiệp thấy rõ cần thay đổi, muốn thay đổi, và sẵn lòng thay đổi. Thế nhưng, họ lại vẫn níu kéo những “lợi ích” của hệ thống hiện tại. Việc này làm cho hệ thống cồng kềnh và không hiệu quả. Và quan trọng hơn nữa, việc này gửi một tín hiệu vô hình cho quản lý cấp trung rằng “tôi đang thử thôi, tôi chưa chắc lắm”. Mà quản lý cấp trung thì luôn thích làm như cũ.

    Hãy hình dung một chủ trang trại thấy được tiến bộ của máy cày nên đầu tư mua về. Nhưng thay vì sử dụng hệ thống nhất quán và đã được chứng minh ấy, thì họ chỉ lấy phần họ thấy cần là động cơ thôi. Gắn vào cái cày hiện hữu vì “quen điều khiển như vậy rồi”. Thậm chí, vì tiếc con bò (con bò vẫn rất ổn và rất trung thành) nên họ gắn cả con bò và động cơ máy cày vào cái cày cũ ấy để mong nó chạy hiệu quả gấp đôi hay gấp rưỡi.

    Chắc cũng không cần đoán thêm nữa, tốc độ và hiệu quả không những không tăng lên mà còn giảm xuống so với trước khi sắm máy cày.

    <——— Bài học 5:
    Trái hay phải thực ra không quá quan trọng, quan trọng là đừng lúc phải, lúc trái.
    ———/>

    Dù bây giờ không còn gắn bó với ngành nữa nhưng tôi vẫn còn rất nặng lòng. Kể cả về tình cảm lẫn lý trí, tôi vẫn mong các hãng taxi truyền thống vượt khó thành công. Tôi tin rằng những người anh của tôi ngày ấy sẽ thành công.
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...