Khi có một ý tưởng đặc sắc, bạn thậm chí có thể vắt cổ trời ra tiền! Vitality Air là công ty khởi nghiệp của Canada chuyên bán không khí...đóng lon. Họ nén không khí ở Canada rồi bán cho cư dân ở những nơi bị ô nhiễm không khí nặng. Không có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh hít không khí trong sạch sẽ làm tăng tuổi thọ hay mang lại hiệu ứng cụ thể nào về sinh lý cho khách hàng nhưng hiệu ứng tâm lý chắc chắn là có (placebo effect) thế nên mới có hàng trăm nghìn sản phẩm được bán. 20 usd cho 1 lon không khí. Hít được 160 hơi thở. Tương đương 10-15 phút hít thở bình thường. Công ty thậm chí còn theo trend khi cung cấp khí hít có hương matcha. 36 đô 1 lon (Thần linh ơi!!!) Họ đang hướng tới doanh số 500 000 usd 1 năm. Họ cũng không phải là người đầu tiên làm như thế. Năm 1917, Marcel Duchamp gửi tới triển lãm các nghệ sỹ độc lập ở New York một cái bồn tiểu úp ngược và gọi đó là một tác phẩm nghệ thuật. Với hành động tiên phong và khiêu khích này ông bước vào lịch sử nghệ thuật thế giới với khái niệm ready mades art – cái gì cũng có thể trở thành nghệ thuật miễn là người nghệ sỹ dùng nó như một phương tiện biểu đạt một thông điệp. Cái bồn tiểu ấy bị mất và sau này ông Duchamp ‘‘chọn mặt gửi vàng’’ một vài cái bồn tiểu khác được ông gọi là tác phẩm nghệ thuật và bày trang trọng ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới. Theo gót bác này, Picasso đã lấy một cái yên xe và một cái guidon xe bày trên dưới và chú thích : Thủ bò mộng (Bull head – 1942) bán được vài triệu đô. Bác Warhol cũng phát ngốt lên bảo: tại sao cái gì Picasso chạm vào cũng thành tác phẩm nghệ thuật? đã thế ông làm hẳn một cái nhà máy nghệ thuật – art factory – sản xuất hàng loạt tác phẩm nghệ thuật, thời đại công nghiệp này chả đang sản xuất những sản phẩm hàng loạt rồi ấn vào mồm, vào mắt, vào tai, vào người, vào trong người của người tiêu dùng hay sao? Mấy bức in hình dãy/chồng hộp súp Campbell (1962) của ông cũng bán cả triệu đô. Dông dài như vậy để thấy nếu có một ý tưởng tốt và biết lái các phương tiện truyền thông thì bán giời không văn tự cũng không phải là điều không thể. Năm 1919 bác Duchamp, lấy mấy cái lọ, mở nắp ở Paris rồi gắn xi lại, mang sang Mỹ bán gọi là: Air de Paris (Không khí xứ Ba lê). Gần 100 năm sau, ý tưởng này đã được khai thác triệt để: ở Ý có người đã bán Không khí Milan đóng hộp. Christo năm 1968 cũng làm một cái Air parkage, Yves St Laurent làm một lọ nước hoa tên Air (1983), Mads Hagstrøm làm một cái hộp bán 45gr Im lặng tuyệt đối (năm 2011). Ở đất nước của Đường-lưỡi-bò-mộng-mơ, báo chí đang rùm beng việc triệu phú tiền đô Chen Guangbiao đóng lon không khí sạch để bán ở Bắc Kinh. Chiêu PR này của ông triệu phú thật công hiệu: báo chí xúm vào đưa tin trong và ngoài nước, lon thì in hình ông ta khác nào hàng triệu cái flyer, xe ô tô chở hàng in hình ông ta cũng chạy rầm rầm trên khắp phố phường. Đại ca này còn cho ra nhiều ‘‘hương vị’’ khác nhau như: Tây Tạng tinh khiết, Đài Loan hậu công nghiệp hay Hào khí cách mạng Diên An. Vậy bác triệu phú này kinh doanh ngành gì? Thiết bị và công nghệ bảo vệ môi trường? Bác này phát biểu: toàn bộ tiền bán được dùng hết vào công cuộc bảo vệ môi trường, giúp đỡ vùng nghèo và nâng cấp các khu di tích lịch sử, văn hóa quan trọng. Tôi không muốn nổi tiếng tôi chỉ quan tâm tới môi trường thôi! Có cách nào tiêu tiền PR với quảng cáo hay hơn không? Công thức – làm Event để gây chú ý (Attention) – nêu vấn đề (Interest) – Đưa ra giải pháp làm người ta thèm muốn (Desire) và Khiến người ta rút hầu bao ra (Action) được áp dụng một cách tài tình, hoàn toàn tương thích với ADN của doanh nghiệp về môi trường của bác này. Một ví dụ tiêu biểu về bán hàng bằng story telling. Hiện bác này có hơn 4 triệu người follow trên mạng China weibo. Theo công thức xây dựng thương hiệu thì gây chú ý bằng sự khác biệt là bước đầu tiên trong 4 bước: BIẾT - QUEN - THÂN -THƯƠNG. Thế mới nói, có tài thì bán trời không văn tự cũng được. Nguyễn Đình Thành Co founder