Chào mọi người, em tham gia group cũng khá lâu, đọc các bài viết của anh chị thực sự rất hay, học hỏi được nhiều điều và rất ngưỡng mộ các anh chị. Em cũng rất thích viết, cũng là người khởi nghiệp từ người làm công. Thực sự bản thân em cũng muốn chia sẻ nhưng kinh nghiệm thì không nhiều, thành công thì chưa có. Nhưng hôm nay em xin kể một câu chuyện về một buổi phỏng vấn khá ấn tượng mà em đã tham gia. Công ty em là một startup về công nghệ và có nhà đầu tư tại Mỹ, là một anh hàng xóm gần nhà hơn em vài tuổi. Bình thường các vị trí lập trình junior sẽ được leader bên này phỏng vấn và quyết định. Còn các vị trí lập trình viên senior, sẽ phải phỏng vấn bước 2 với nhà đầu tư qua skype, hiện cũng đang là một lập trình viên. Tình cờ hôm đó leader lập trình đi gặp khách hàng, và em là người cùng anh nhà đầu tư phỏng vấn bước 2 với ứng viên. Trong cuộc phỏng vấn, anh không hỏi bất kỳ câu nào về chuyên môn (bởi trong cv đã có sẵn lý lịch và sẽ có 01 tuần thử việc nếu được nhận) mà chỉ hỏi đúng một câu hỏi như sau: “Có một căn nhà hai tầng. Tầng một có ba công tắc để bật và tắt ba bóng đèn được mắc ở tầng hai. Bạn không biết công tắc nào điều khiển bóng đèn nào. Khi đứng ở tầng 1 bạn không thể nhìn thấy bất kỳ bóng đèn nào ở tầng hai, bạn phải trực tiếp lên tầng hai mới có thể nhìn thấy các bóng đèn. Làm sao để bạn có thể biết được công tắc nào điều khiển bóng đèn nào nếu bạn chỉ được phép lên tầng hai một lần?” Có lẽ nhiều bạn cũng đã biết đáp án, nhưng đối với bạn ứng viên lúc đó thì quả là một câu hỏi khá chát. Bạn ứng viên trả lời rằng sẽ bật một công tắc ở giữa, và lên phòng xem, nếu bóng ở giữa (số 2) sáng thì các bóng còn lại sẽ là 1 - 3 theo thứ tự sắp xếp của công tắc, thông thường đèn sẽ được mắc như vậy. Nhà đầu tư vặn lại: “nếu bật công tắc giữa, nhưng đèn vị trí 01 sáng thì sao em? Và trường hợp thợ điện không lắp đèn theo quy luật nào thì sao? Bài học rút ra là, trong việc tiếp xúc với khách hàng, đặc biệt là ngành phần mềm, ngoài những quy luật thì có những quy trình mà thực sự rất khác biệt so với các công ty cùng ngành nghề. Chúng ta không thể áp đặt quy trình hoặc cách vận hành của chúng ta vào tình hình thực tế của khách hàng, trừ phi chúng phù hợp với khách hàng.” Nghe nhà đầu tư hỏi vặn, bạn ứng viên có vẻ lưỡng lự và không trả lời gì thêm vì biết chắc dù trả lời như thế nào cũng sẽ bị vặn. Phá bỏ không khí căng thẳng bằng vài câu bông đùa, anh nhà đầu tư nói tiếp: “Giả sử khi khảo sát hoặc tư vấn khách hàng, hay trong quá trình lập trình gặp các task khó, nếu em cứ im lặng, mọi việc sẽ không được giải quyết và rất mất thời gian. Bài học được rút ra, rằng dù trong bất cứ tình huống hay hoàn cảnh khó khăn nào, bạn cũng cần phải có phương án giải quyết, trường hợp không biết phải hỏi, bởi hỏi rồi sẽ biết và biết rồi thì khi gặp lại sẽ có cách giải quyết.” Bạn ứng viên không thể nghĩ ra câu trả lời, anh nhà đầu tư giải thích: “bóng đèn bật một lúc sẽ nóng, nên bạn cứ bật một bóng đèn khoảng 15-20 phút rồi tắt đi và mở bóng khác. Sau đó chạy lên tầng 2 mở cửa phòng sẽ có đáp án. Bài học ở đây là, dù bạn làm việc gì, cũng cần có sự quan sát và suy luận, làm lập trình hay kinh doanh thì càng cần sự suy luận. Và việc bạn biết được câu trả lời, đây chính là kinh nghiệm. Bạn làm công việc trước đó, nhưng đôi khi kinh nghiệm đó chưa chắc đủ để bạn làm việc tại một vị trí tương tự tại công ty khác. Tuy nhiên, công ty anh đánh giá cao sự cố gắng, ham học hỏi và cầu tiến trong công việc. Nên nếu bạn thấy thích thú với việc cùng nhau làm việc tại công ty này, có thể đến thử việc vào tuần sau”. Em chỉ ngồi nghe để nhận xét ứng viên, nhưng cũng học được những bài học đó. Giả sử nếu không có các tình huống đưa bản thân mình vào ngõ cụt như thế. Thì làm sao mình có thể biết mình có đủ dũng cảm để vượt qua hay không, và trải nghiệm nào cũng đem lại cho bản thân kinh nghiệm. Sau khi ra ngoài, bạn ứng viên mỉm cười và nói với rằng “đây là lần đầu tiên em đi phỏng vấn thú vị như vậy” và quay lại vào hôm sau, cho tới bây giờ. Thuong – SM at Halozend