Bác sĩ làm tư - Bác sĩ Quan Thế Dân

Thảo luận trong 'Bệnh Viện, Phòng Khám, Công Ty Dược Phẩm' bắt đầu bởi Dịch vụ SEO, 4/10/22.

  1. Dịch vụ SEO

    Dịch vụ SEO Active Member

    Thầy thuốc và tự do hành nghề đã có từ hàng nghìn năm. Ở Việt nam theo những tài liệu mà tôi đọc được thì các cụ Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông hàng ngày khoác tay nải đựng thuốc đến tận nhà người bệnh để khám chữa bệnh, có thấy cấm đoán gì đâu. Thời Pháp thuộc, tuy có văn bản quy định điều kiện hành nghề chặt chẽ, nhưng thực tế không có việc cấm đoán bác sĩ chữa bệnh ngoài nhiệm sở. Các nhà có tiền vẫn mời bác sĩ đến tận nhà thăm bệnh. Ở các vùng quê các ông lang bà mế vẫn tự do hành nghề như xưa.

    Sau 1954 ở miền Bắc, tất cả những cái gì có dính cái chữ “tư nhân” đều bị cấm tiệt, vì sợ để cho tự do thì “tư nhân” sẽ có ngày biến thành “tư bản”. Mà “tư bản” thì phản động đứt đuôi rồi, là kẻ thù của cách mạng. Nên thời ấy bác sĩ chỉ có làm nhà nước, không bao giờ có ý nghĩ làm khám bệnh tư. Họ hàng người quen có nhờ thì chỉ khám giúp, không hề có chút lợi lộc gì. Bác sĩ lúc đó thanh cao lắm, chỉ có biết chữa bệnh cứu người, không màng danh lợi. Nhưng đói. Tôi nhớ những năm đó tôi còn bé, tôi thấy bố tôi – một bác sĩ, rất gầy, đi cái xe đạp bánh quấn cao su chằng chịt. Bố tôi lúc ấy là bác sĩ tại bệnh viện lớn ở Hà Nội, thông thạo 3 ngoại ngữ, là thư ký khoa học của giám đốc. Lương của bố được 70 đồng, lúc ấy là to lắm so với xã hội, nhưng không đủ để nuôi ông bà và 3 anh em chúng tôi. Cái đói lúc nào cũng rình rập trong nhà. Bố đi làm mang theo một mẩu sắn luộc, đến nơi liền bảo bệnh nhân chờ một chút để giao ban, nhưng thật ra bố đóng cửa ăn hết mẩu sắn rồi mới mở cửa ra khám bệnh.

    Nhưng dù có tiết kiệm chi tiêu đi mấy thì vẫn không đủ tiêu nên bố tôi hết giờ làm lại lăn lộn đi làm thêm. Sức vóc của bố lúc ấy không hợp với lao động chân tay, nên việc làm thêm của bố là đi dạy thêm bổ túc văn hóa cho các cơ quan xí nghiệp, thù lao thì theo bảng giá của Sở giáo dục, mỗi tháng cũng thêm được vài đồng. Có thời gian bố dạy bổ túc văn hóa ở xí nghiệp xẻ gỗ ở ngoài bãi Phúc xá thì ngoài tiền dạy thêm ra thì bố được ưu tiên mỗi tháng mua một bao tải mùn cưa để về đun bếp. Tôi nhớ có hôm bố lặc lè lai một bao mùn cưa to đùng về nhà, vẻ mặt bố rất bí hiểm. Sau khi vào nhà đóng hết cửa lại, bố mới tháo bao mùn cưa, moi ra rất nhiều đầu mẩu gỗ. Thì ra các anh công nhân quý thầy giáo, khi đóng bao mùn cưa đã tranh thủ nhét cho thầy giáo rất nhiều gỗ vụn để thầy đun bếp.

    Sang đến những năm 1980 thì cuộc sống càng khổ cực hơn nữa, nhưng lúc này xã hội không cam chịu nữa, các ngành nghề đều bung ra làm thêm để trang trải cuộc sống chứ không còn bó tay ngồi không như trước. Ngành y là một trong những ngành bung ra làm thêm sớm nhất, vì có lẽ bản chất của nghề y là một nghề tự do mà. Bố tôi lúc này cũng thế, hết giờ làm là bố đạp xe đến nhà bệnh nhân khám bệnh, tiêm thuốc. Người này khỏi lại mách người khác, bố ngày nào cũng đi suốt đến khuya mới về. Tuy có vất vả nhưng thu nhập khá hơn, trong nhà tôi thỉnh thoảng mâm cơm đã thấy thêm miếng thịt. Tuy nhiên dư luận báo đài thì phê phán những người làm tư này ghê lắm, mỉa mai là “chân ngoài dài hơn chân trong”. Thậm chí là chính quyền ra hẳn văn bản cấm chữa bệnh tư. Gần đây tôi tình cờ đọc được Nghị quyết số 55/HĐBT “Về công tác y tế trong thời gian trước mắt”, ra ngày 2/4/1984, do Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký, ghi rõ “… không còn tư nhân bán thuốc và chữa bệnh tư”.

    Sau Đổi Mới 1986, thành phần kinh tế tư nhân được thừa nhận. Dược sĩ được bán thuốc, bác sĩ được chữa bệnh tư. Các nhà thuốc và phòng mạch tư ra đời đã giúp giảm bớt các khó khăn của ngành y lúc đó. Các quy định về khám chữa bệnh tư nhân dần dần được ban hành giúp cho việc hành nghề y tế tư nhân đi vào quy củ. Bố tôi lúc này đã chuyển vào dạy tại khoa Y – Đại học Cần Thơ, đã khám chữa bệnh tại nhà, không còn cảnh phải đạp xe đi chích dạo như trước nữa. Có lẽ do ký ức đói khổ còn nóng hổi nên bố rất chịu khó chữa bệnh tại nhà. Sáng sớm 5 giờ đã có người bệnh đến đập cửa, nên bố mẹ phải dậy từ 4 giờ chuẩn bị bàn ghế, luộc sơ ranh kim tiêm. Bố miệt mài chữa bệnh đến 7 giờ đi làm. Trưa 12 giờ trưa về bố lại chữa bệnh đến 1 giờ chiều rồi đến bệnh viện làm. Chiều thì đông nhất, bố làm suốt từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối mới hết bệnh nhân để cả nhà ăn cơm. Bố nổi tiếng mát tay, phòng mạch thuộc hàng đông bệnh của Cần Thơ, nhiều người dân từ trong vườn cũng chèo ghe ra khám.

    Phòng mạch của bố đông khách, nên cũng có ý kiến lên Sở Y tế về vấn đề thuế má. Sở Y tế cử một đoàn xuống kiểm tra. Bố kể lại: đoàn có mấy anh bác sĩ, toàn là học trò của bố, cứ đứng lố nhố ngoài ngõ, đun đẩy nhau không anh nào chịu vào. Sau cùng có một anh mạnh dạn gọi to: “Thầy Hoa ơi – tên bố tôi, chúng con ở sở y tế xuống thăm thầy, chúc thầy mạnh giỏi, chúng con về”. Thậm chí còn không dám vào nhà. Học trò ở phía Nam tôn sư trọng đạo, giữ lễ đến vậy. Sau đấy mấy năm bố về hưu và trở ra Bắc, nhưng suốt đời đến tận lúc mất bố vẫn luôn nhớ Cần Thơ với tình cảm trìu mến.
    Đến hôm nay, gần 40 năm sau ngày Đổi Mới, cái nhìn của xã hội với việc bác sĩ làm tư đã thay đổi hoàn toàn. Y tế tư nhân đã phát triển từ những phòng mạch tại nhà đơn giản ban đầu nay đã là nhiều bệnh viện lớn, trang thiết bị hiện đại, chữa nhiều ca bệnh khó. Các bác sĩ bây giờ nhiều người chuyển hẳn sang làm toàn thời gian ở bệnh viện tư. Nhưng cũng có nhiều người vẫn làm bệnh viện công, chỉ tranh thủ thời gian rảnh để làm ở bệnh viện tư. Tôi biết có nhiều giáo sư, ban ngày đứng mổ ở bệnh viện công, hết giờ làm lại sang bệnh viện tư mổ đến khuya mới về. Những việc này tôi thấy tất cả cùng có lợi: người bệnh có thêm chọn lựa, thầy thuốc có thêm thu nhập, y tế công được giảm tải.

    Vừa rồi trên truyền thông có ồn ào về việc bác sĩ “trốn” đi làm tư. Bác sĩ đi làm thêm để làm gì. Thật đáng tiếc là sau hàng chục năm lương bác sĩ vẫn như vậy, chưa đủ nuôi sống bản thân và gia đình, nên sau hàng mấy chục năm, bác sĩ vẫn phải đi làm thêm. Tuy nhiên bây giờ thái độ xã hội đã khác xưa, bác sĩ có thể làm thêm kiếm sống bằng chính nghề của mình, chứ không phải như thế hệ trước, không dám hành nghề của mình mà phải làm nghề khác và phải bòn mót từng mẫu gỗ vụn. Sự việc cũng rất đơn giản, tuy nhiên thành ồn ào vì cách truyền thông mỉa mai, nào là “trốn”, nào là “lén” đi làm tư. Tôi thấy như cái bóng ma của thời bao cấp như đột nhiên quay trở lại. Không biết bây giờ là thời nào rồi mà còn cái cách đưa tin giật tít ấu trĩ đến vậy.

    Các đồng nghiệp của tôi không sai, thậm chí còn đáng biểu dương vì đã chịu cực khổ đi làm xa, kiếm thêm thu nhập để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê cống hiến trong bệnh viện công. Tình trạng bác sĩ bệnh viện công kết hợp làm thêm cho các bệnh viện tư là rất phổ biến. Các lãnh đạo đều biết và ngầm ủng hộ cho nhân viên của mình bằng cách thu xếp thời gian trực, thời gian nghỉ bù để anh em tiện đi làm. Chẳng còn giám đốc nào dại dột gì cấm nhân viên của mình làm thêm như hồi những năm 1980. Vì một lẽ đơn giản ai cũng biết bác sĩ bệnh viện công có thu nhập thấp hơn công sức bỏ ra rất nhiều, lãnh đạo cũng không có cách gì tăng thu nhập cho anh em, thì chỉ còn cách tạo điều kiện cho làm thêm. Nếu trong quá trình làm thêm này, nếu có đồng nghiệp nào vi phạm thời gian làm việc tại bệnh viện công, thì sẽ bị nhắc nhở thậm chí kỷ luật như mọi trường hợp đi muộn về sớm khác, chứ hoàn toàn không được lấy cái chuyện làm thêm kia ra để bêu giếu.

    Các trang mạng của hội nhóm ngành y mấy hôm nay bàn tán xôn xao về việc trên. Có trang đã nhắn gửi đồng nghiệp rằng “hãy dũng cảm đi luôn làm y tế tư nhân”. Vâng, thế là sau một thời gian ngắn tôn vinh ngành y lên tận mây xanh, bây giờ có vẻ gió đã đổi chiều, ngành y giờ thành ra đối tượng bị theo dõi và giễu cợt. Những bài báo như vừa qua, không biết vô tình hay hữu ý, lại khiến cho làn sóng nhân viên y tế bỏ việc tăng thêm.
    Để kết thúc bài này, tôi xin kể thêm một câu chuyện, quãng những năm 1980, một hôm bà bác tôi, làm ở Viện Khoa học xã hội, bảo mới nghe một câu lẩy Kiều hay lắm. Rồi bác đọc: “Bắt phanh trần, phải phanh trần. Cho may ô, mới được phần may ô”. Lứa tuổi U 70 chúng tôi thì ai cũng đã nghe câu này. Còn với các thế hệ trẻ hơn thì để tôi giải thích. Thời bao cấp ấy hầu hết đàn ông đều cởi trần, vì áo may ô đã rách từ lâu mà không có suất để mua. Thỉnh thoảng tổ công đoàn có ít hàng thì làm thăm để bắt, anh nào bắt được cái thăm mua áo may ô thì sướng lắm, hôm sau đi làm cố tình mở một nút áo sơ mi để cho mọi người thấy là mình có mặc áo may ô hẳn hoi.

    Cầu cho cái cảnh của thời bao cấp đừng bao giờ quay trở lại.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người