ASEAN KHỞI NGHIỆP

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Bằng Mã, 12/5/17.

  1. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho mỗi quốc gia. Với tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm từ 89% đến 99% tổng số doanh nghiệp trong khu vực ASEAN, việc khuyến khích DNVVN khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đương nhiên trở thành một nền tảng không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế của từng nước thành viên trong đó có Việt Nam. Một vòng quanh ASEAN sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về hiệu quả triển khai các vấn đề khuyến khích khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển cho DNVVN.

    Nếu xét về tầm quan trọng, DNVVN đóng góp từ 52% đến 97% số lượng công ăn việc làm tại mỗi quốc gia. Ví dụ tỷ lệ đóng góp cao nhất là tại Indonesia với 97.2% và tỷ lệ đóng góp thấp nhất là tại Việt nam với 51.7%. Về đóng góp vào GDP quốc gia thì tỷ lệ này dao động từ con số thấp nhất là 23% (Brunei) đến cao nhất là 58% (Indonesia). Điều này cho thấy vấn đề phát triển bền vững và vượt bậc của kinh tế quốc gia hay khu vực phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của khối DNVVN. Sự phát triển của khối DNVVN cũng vì vậy không thể dừng lại ở mức độ tự phát, được khuyến khích và ủng hộ mà cần thiết phải được hoạch định và triển khai theo tầm vóc quốc gia. Theo báo cáo đánh gía về mức độ hỗ trợ hiệu quả của nhà nước đối với DNVVN của cộng đồng kinh tế ASEAN, các quốc gia trong khu vực hiện đang chia thành hai nhóm khác nhau. Nhóm có chỉ số hỗ trợ chính sách cao xếp hạng cao nhất từ trên xuống bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand, và Phillipines. Đây là nhóm được đánh giá có chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả cho DNVVN với chỉ số dao động từ 3.8 (Phillipines) đến 5.4% (Singapore). Nhóm có chỉ số dưới chỉ số trung bình của ASEAN là 3.7% theo thứ tự thấp dần bao gồm Việt Nam, Brunei, Myanmar, Lao, và Cambodia.

    Cũng như vòng đời sản phẩm, vòng đời của một doanh nghiệp bao gồm 5 giai đoạn bao gồm tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành, và phục hồi. Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, chính sách hỗ trợ không thể chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 - tiền khởi nghiệp hay giai đoạn 2 – khởi nghiệp. Chính sách hỗ trợ nhất thiết phải xuyên suốt theo sự phát triển của vòng đời doanh nghiệp nhằm tạo ra những doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp ổn định vào kinh tế quốc gia. Chính sách hỗ trợ hiệu quả vì vậy được xác định theo 8 đề mục chính là cơ chế hỗ trợ, mức độ dễ dàng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, thủ tục đơn giản & chi phí khởi nghiệp thấp, mức độ dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường thế giới, xúc tiến đào tạo quản trị doanh nghiệp, và bảo vệ quyền lợi DNVVN. Trong 8 đề mục nêu trên, mức độ chênh lệch về hiệu quả triển khai và thực hiện tại các nước ASEAN chủ yếu nằm trong 5 đề mục là mức độ dễ dàng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, thủ tục đơn giản và chi phí khởi nghiệp thấp, mức độ dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ, và xúc tiến đào tạo quản trị doanh nghiệp. Những chỉ số này thấp nhất tại 4 nước CLMV (Cambodia, Lao, Myanmar, Vietnam).

    Mức độ dễ dàng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ

    Thiếu thông tin là một trong những trở ngại lớn nhất đối với DNVVN, nhất là doanh nghiệp còn trong giai đoạn khởi nghiệp. Thiếu thông tin có thể là do nguồn thông tin cung cấp không đầy đủ, không xuyên suốt, do có qua nhiều tổ chức và nhiều kênh thông tin rải rác khắp nơi. Về mặt hỗ trợ, vì vậy, đòi hỏi nhà nước phải có dự án xây dựng nhiều trung tâm hỗ trợ một cửa, giúp doanh nghiệp dễ dàng tương tác cả về vị trí địa lý lẫn về nguồn thông tin hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển cho DNVVN. Dịch vụ hỗ trợ của nhà nước trong thời đại thông tin cần phải online, và cũng cần có một cổng tương tác nhất quán và xuyên suốt cho doanh nghiệp. Về đề mục hỗ trợ này, top 3 quốc gia được đánh giá hiệu quả nhất bao gồm Singapore, Malaysia, & Indonesia. Qua dự án hỗ trợ SPRING Singapore, hơn 10 trung tâm hỗ trợ DNVVN đã được triển khai tại nhiều vị trí địa lý khác nhau với mục tiêu cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp. Mỗi trung tâm đều có một đội ngũ những chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ pháp lý đến tài chính, sáng tạo, công nghệ, và phát triển thị trường quốc tế. Tác giả cũng đã từng tham gia diễn thuyết tại những hội thảo chuyên đề phát triển quốc tế cho những trung tâm này năm 2013.

    Thủ tục đơn giản và chi phí khởi nghiệp thấp

    Đây là một trong những hỗ trợ giúp doanh nghiệp mạnh dạn và dễ dàng khởi nghiệp. Việc cải cách hành chính để thủ tục đăng ký hay giải thể công ty đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp sẽ khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều hơn. Đối với đề mục này, top 3 nước có chỉ số cao nhất về hiệu quả cũng vẫn là Singapore, Malaysia, và Indonesia. Tại Malaysia chẳng hạn, chương trình “Giấy phép 1 ngày” giúp doanh nghiệp đăng ký và nhận giấy phép thành lập công ty trong vòng chỉ có 1 ngày với thủ tục đơn giản bao gồm 3 bước. Ngoài ra, nhằm khuyến khích nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp, Malaysia cũng đã thành lập Quỹ Khởi Nghiệp để trực tiếp đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp mới về công nghệ, theo mô hình kết hợp giữa cho vay tài chính và sở hữu cổ phần.

    Mức độ tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng

    Theo nghiên cứu của tổ chức ERIA (viện nghiên cứu kinh tế khu vực ASEAN và Đông Á) năm 2010, rất nhiều DNVVN vẫn đang khởi nghiệp hoặc phát triển bằng nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn tái đầu tư của chính doanh nghiệp mình. Ngân hàng và các tổ chức tài chính có khuynh hướng xem xét mức độ rủi ro của khoản vay theo độ lớn của doanh nghiệp và mức độ phát triển của thị trường tài chính quốc gia. Cũng vì vậy, doanh nghiệp càng lớn ở các quốc gia có thị trường tài chính càng phát triển như Indonesia, Malaysia, Thailand lại càng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. Do đó, nhà nước cần can thiệp bằng cách mở rộng thị trường tài chính, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tài chính tham gia vào thị trường, tạo ra sự cạnh tranh, qua đó giúp giảm lãi suất cho vay, khuyến khích sự đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho DNVVN. Đối với đề mục hỗ trợ này, top 4 thị trường có chỉ số hiệu quả cao nhất là Singapore, Malaysia, Thailand, và Indonesia. Trong thời gian cố vấn cho chính phủ Malaysia về xuất khẩu thương hiệu quốc gia ra quốc tế, tác giả đã làm việc với rất nhiều DNVVN của Malaysia tham gia vào chương trình nâng cấp thương hiệu quốc gia và qua đó dễ dàng tham gia vay vốn từ các tổ chức tài chính nhờ vào xác nhận đảm bảo tín dụng từ chính phủ. Đến cuối năm 2012, chương trình này đã tạo điều kiện vay vốn cho 420.217 DNVVN với tổng giá trị cho vay lên đến 12.5 tỷ USD. Ngoài ra, Malaysia hiện cũng có rất nhiều tổ chức cho vay tài chính dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ (micro-financing), có khả năng cho vay lên đến 12.000 USD cho mỗi giao dịch.

    Chuyển giao công nghệ

    Trong thế kỷ 21, khi thế giới thay đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin, mọi vấn đề sáng tạo và đổi mới đều ít hay nhiều có liên quan đến công nghệ. Sáng tạo có thể bắt đầu từ nguồn lực bên trong, nhưng rất thường xuyên lại dựa vào nguồn lực bên ngoài, ví dụ qua hình thức doanh nghiệp liên kết với các trường đại học đầu ngành. Trường đại học theo định nghĩa hiện đại phải là nơi ươm mầm, chuyển giao và thương mại hoá công nghệ. Chính những nguồn lực bên ngoài này, từ trường đại học đến tổ chức nghiên cứu của chính phủ, hiệp hội nghề, tổ chức hỗ trợ chính phủ hay phi chính phủ… là những nguồn lực quý giá hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khả năng đổi mới, sáng tạo qua các hoạt động chuyển giao công nghệ và chia sẻ tri thức. Từ góc độ chính sách, nhà nước có thể xây dựng những chương trình miễn giảm thuế hay hỗ trợ kỹ thuật khi doanh nghiệp đầu tư vào sáng tạo và công nghệ. Trong top 3 quốc gia có chỉ số thực hiện việc chuyển giao tri thức và công nghệ hiệu quả nhất có Singapore, Malaysia, và Thailand. Tuy xếp sau hai nước hàng đầu là Singapore và Malaysia, Thailand đã đạt được một số thành tựu nhất định trong việc tổ chức chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp” tại các trường đại học (The University Business Incubator Program). Hiện tại Thailand đã xây dựng được 9 hệ thống các trường đại học với sự tham gia của 56 trường đại học trên cả nước, trong đó hiện đã có khoảng 10 trường có thể chuyển giao công nghệ qua văn phòng cấp phép chuyển giao công nghệ.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
  2. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Xúc tiến, đào tạo quản trị doanh nghiệp

    Muốn có doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững cần phải có doanh nhân có kiến thức và kỹ năng. Và trong sự phát triển tất yếu của kinh tế tri thức, hơn bao giờ hết, nguồn lực con người chính là sức mạnh. Cần phải có những chương trình tổng thể, xuyên suốt nhằm hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về quản trị chuyên nghiệp, về hệ thống sản xuất, cải tiến chất lượng, tiếp thị, phân phối, nâng cao hiệu suất, hiệu quả, tỷ lệ lợi nhuận. Quan trọng không kém là việc thương mại hoá ý tưởng sáng tạo và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng những trung tâm khởi nghiệp, với các chính sách khuyến khích như cho vay khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng hệ thống các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, và quỹ đầu tư vốn sở hữu (equity fund). Về đề mục này, top 3 nước hiện đang triển khai hiệu quả nhất là Singapore, Malaysia, và Indonesia. Singapore triển khai rất thành công chương trình đưa đào tạo kiến thức & kỹ năng kinh doanh vào trường học. Đây là chương trình mang tên YES! Schools (Youth Entrepreneurship Scheme for Schools – đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh cho thế hệ trẻ). Chương trình hoàn toàn do chính phủ tài trợ, triển khai tại 131 trường cấp 2, với hơn 32.000 học sinh tham gia học. Nếu kiến thức và kỹ năng được đưa vào chương trình giáo dục ngay từ trường cấp 2, rõ ràng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Singapore đã được chuẩn bị từ trong trứng nước. Tương tự như thế, Indonesia cũng đã triển khai chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh vào các trường cấp 3 từ năm 2013 theo kế hoạch phát triển trung hạn 2010-2014. Mục tiêu của chương trình này nhằm xây dựng nền tảng phát triển kinh tế vượt bậc dựa vào nguồn lao động chuyên nghiệp và có kỹ năng kinh doanh. Tại Malaysia, cả kế hoạch MP10 và tầm nhìn 2020 của quốc gia này đều hướng đến nền kinh tế tri thức lấy nguồn lực con người làm gốc. Với tư cách là cố vấn tham gia vào chương trình xuất khẩu thương hiệu quốc gia tại Malaysia, tác gỉa đã mục kích và tham gia nhiều chương trình hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo kỹ năng, chương trình tư vấn và đỡ đầu doanh nghiệp do chính phủ Malaysia triển khai với ngân sách quốc gia và hoàn toàn miễn phí cho DNVVN. Trong bối cảnh khu vực như vậy và với thực tế Việt Nam hiện đang triển khai đề mục này một cách thiếu hiệu quả nhất (chỉ số đánh giá 2.9, thấp nhất trong tất cả các chỉ số đánh giá của Việt Nam), thiết nghĩ chúng ta cần có chiến lược và kế hoạch tức thời và thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và DNVVN.

    Có lẽ đã đến lúc khởi nghiệp cần được nhắc đến trong bối cảnh chiến lược chung về phát triển kinh tế của quốc gia. Khởi nghiệp cũng không nên hạn chế ở tầm nhìn bắt đầu như thế nào mà quan trọng là phát triển thế nào cho bền vững. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp phải nằm trong chuỗi giá trị xuyên suốt về hỗ trợ DNVVN. Đó là cách mà các quốc gia ASEAN hàng đầu như Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia đang triển khai một cách tích cực và hiệu quả.

    Nguyễn Phi Vân

    Hình: kệ trưng bày các hàng hoá trong chiến dịch Pride of Myanmar - Niềm tự hào của Myanmar, chụp tại Yangon tháng 04/2017.

    Link bài viết: ASEAN KHỞI NGHIỆP
     
    Last edited by a moderator: 18/5/17
Đang tải...