TIME là tạp chí danh tiếng nhất thế giới, giữ vị thế hàng đầu trong làng báo, lượng xuất bản tính bằng đơn vị triệu, ảnh hưởng sâu rộng từ đông sang tây. Những người xuất hiện trên trang bìa của tạp chí TIME, đặc biệt là được tạp chí này bình chọn là “Nhân vật của năm” đều có thể nói là cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh của quốc gia, định hình thế giới về mặt này hay mặt khác. Dù tốt hay xấu, dù phe này hay phe kia, thì khi TIME lựa chọn họ lên trang bìa, bạn cần biết đó đều là những nhân vật sở hữu tầm ảnh hưởng sâu rộng ít nhiều đến thế giới, cũng như sở hữu một tầm vóc riêng không thể phủ nhận. Nhưng tin nổi không? Ở cái thế giới mấy tỷ người kia, ở một cái tạp chí “kén chọn” mang tính toàn cầu như thế lại từng đưa 3 người quê Quảng Bình bước lên trang bìa. Và thú vị thay, họ lại thuộc về 3 phe khác nhau, thân phận khác nhau, người là tổng thống, người là tướng lĩnh, người lại là nhà sư nhưng cả 3 người Quảng Bình đó đều có điểm chung là mỗi quyết định, hành động của họ đều ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia cũng như xoay trục thế giới. Người viết tin rằng đây là một điều chưa từng có trong lịch sử, kể cả ở các cường quốc cũng rất khó để tìm thấy ở một tỉnh lẻ, một vùng đất nhỏ của một đất nước có 3 người trên bìa tạp chí TIME ở 3 phe khác nhau như Quảng Bình. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”, người Quảng Bình đầu tiên bước ra chào thế giới, ông là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sinh năm 1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Tướng Giáp đặc biệt vì ông là một vị tướng tự học, một giáo viên dạy lịch sử rẽ ngang khi vận nước gọi tên mình (có thể do lịch sử bị biến thành môn tự chọn chăng? (đùa thôi). Người hùng Điện Biên trở thành “anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam, một nhân vật huyền thoại của lịch sử Việt Nam. Cả Tân Hoa Xã và Bloomberg đều dùng chung một đánh giá về tướng Giáp “Người được người dân Việt Nam tôn kính chỉ sau Hồ Chí Minh. Người quan trọng nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, chỉ sau Hồ Chí Minh”. Những chiến thắng ông mang lại có tính sánh ngang với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa. Và còn đứng cao hơn cả một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa khi đã vượt tầm một quốc gia, để tạo thành cảm hứng chiến đấu cho cả Châu Phi và Mỹ Latin qua trận Điện Biên Phủ. Trong những ngày Việt Nam hân hoan ca ngợi Võ Nguyên Giáp, thì người Quảng Bình thứ hai lại đang lặng lẽ ở Paris, trong ngôi nhà của ông Tôn Thất Cẩn. Người đàn ông này đã lặn lội từ Vatican sang Hoa Kỳ, từ Hoa Kỳ sang Vatican suốt 5 năm qua mà chẳng thu được gì. Hành trình ấy tuy không mang lại kết quả tức thời, nhưng đã đưa ông vào danh sách lựa chọn của Mỹ trong ván cờ chia lại Đông Dương. Người đàn ông ấy chính là Ngô Đình Diệm. Dòng họ Ngô Đình quê gốc ở làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, sau đó di cư về làng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy. Khéo léo thay một huyện nhỏ diện tích 1400km, hai làng Đại Phong và An Xá cách nhau có 6km, lại là nguyên quán của hai người đàn ông chênh nhau 10 tuổi mà mỗi quyết định của họ đều thay đổi vận mệnh nổi trôi của dân tộc. Sự thành công của dòng họ Ngô Đình đến từ ông Ngô Đình Khả, một người đàn ông đặc biệt khi vừa là tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo với mối quan hệ với các vị Cố-đạo phương Tây, lại vừa thấm nhuần chữ Hán và Nho học. Sự kết hợp này đưa ông lên nhanh trên chốn quan trường, vươn lên vị trí thượng thư dưới thời vua Thành Thái. Cụ Ngô Đình Khả có 8 người con gồm 6 trai và 2 gái, con trai là các ông Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện. Con gái là bà Ngô Thị Giáo và Ngô Thị Hiệp. Ông Ngô Đình Diệm cũng như ông Võ Nguyên Giáp, cả hai đều trưởng thành dưới những mái trường ở Huế. Cả hai đều là học sinh xuất sắc đứng đầu của trường…Quốc Học Huế. Học sinh Quảng Bình gây tiếng vang ở trường Quốc Học Huế là có nguyên do cả, vì được đặt nền tảng từ lịch sử bởi hai vị tiền bối quá đáng sợ rồi. Nhưng ông Diệm đặc biệt hơn ông Giáp là ở sự giao thoa giữa Công Giáo và Nho Giáo. Trước đó ông Diệm học trường tư thục Công giáo Pellerin, sau lại thi vào trường Hậu Bổ, nơi đào tạo ra quan chức phục vụ thời nửa phong kiến-nửa thực dân. Thời điểm này, ông Diệm còn được đại thần Nguyễn Hữu Bài đỡ đầu. Những yếu tố ấy đã tạo điều kiện cho con đường thăng quan tiến chức vũ bão sau đó của ông dưới thời Bảo Đại. Trong những năm 30, khi Ngô Đình Diệm đang đắc ý trên con đường quan lộ (từ Tuần vũ Bình Thuận, rồi lên đến chức Thượng Thư Bộ Lại), thì người đồng hương kém ông 10 tuổi lại bị đuổi học, rồi ngồi tù vì tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngô Đình Diệm sau đó cũng từ chức thượng thư bộ lại, cũng lựa chọn cho mình những con đường để chống Pháp, và con đường ấy như ta đã biết là không có cộng sản. Có thể nói, tình hình quốc gia lúc này đang biến động từng ngày, từng giờ, và sự lựa chọn buổi ban đầu của cả Võ Nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm, những nhân vật lớn luôn nghĩ đến vận mệnh dân tộc (dù theo cách này hay cách khác, sai lầm hay đúng đắn), cũng đã đẩy hai ông đi về hai phương khác nhau, trở thành hai đường thẳng song song mãi mãi chỉ gặp nhau ở một giao điểm là hai chữ Quảng Bình. Trở thành một tiếng thở dài của dân tộc kéo dài nửa thế kỷ tiếp theo. Điện Biên Phủ thành công với chiến thắng của một đất nước nhỏ bé trước một cường quốc phương Tây, nhưng vinh quang đã không được đưa lên trên bàn ngoại giao. Hiệp định Geneve đã chia đôi đất nước ở con sông Bến Hải. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành phó thủ tướng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn Ngô Đình Diệm? Ông trở về nước, và trở thành thủ tướng dưới trướng của Quốc Trưởng Bảo Đại của Quốc Gia Việt Nam. Ngày 4 tháng 4 năm 1955, trong bộ vest màu trắng và background là lá cờ vàng 3 sọc đỏ, người Quảng Bình đầu tiên xuất hiện trên tờ TIME: tổng thống Ngô Đình Diệm. Mỹ đứng sau lưng ông hoàn toàn, và bắt đầu tiến hành những cú áp-phe ngoạn mục dưới sự điều khiển tài tình của trùm điệp viên CIA Edward Lansdale để từng bước đưa Ngô Đình Diệm bước lên vị trí đỉnh cao quyền lực: trở thành Tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, Bảo Đại bị phế truất, ngày 26 tháng 10 Việt Nam Cộng Hòa thành lập, mở ra thời kỳ trị vì kéo dài 9 năm của dòng họ Ngô Đình, trước khi vụ đảo chính tháng 11/1963 xảy ra, giết chết cả hai người anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Và sự sụp đổ ấy, oái ăm thay cũng bắt đầu bởi một người Quảng Bình khác: thượng tọa Thích Trí Quang. Khi bạn đến TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, và đi ngược về phía phường Đức Ninh Đông, bạn sẽ gặp một vùng đất gọi là Diêm Điền, nơi đây nổi tiếng xưa kia là làng muối và thợ mộc. Vùng đất với những tầng văn hóa cũ kỹ sâu xa ấy, chính là quê hương của thượng tọa Thích Trí Quang. 9 năm quyền lực của dòng họ Ngô Đình thời Đệ nhất cộng hòa gắn liền với sự liên kết giữa Thần quyền và Thế quyền. Như đã nói ở đầu bài viết, ông Ngô Đình Diệm là tín đồ ngoan đạo Công Giáo, anh trai của ông là giám mục Ngô Đình Thục đã bằng mối quan hệ với Hồng y Francis Spellman Giáo phận New York, góp phần quan trọng tác động để Mỹ đứng sau anh em họ Ngô, đảng Cần Lao-Nhân Vị do người em trai Ngô Đình Nhu thành lập với rường cột chủ yếu là những người Công giáo, và cuối cùng là cuộc di cư của hơn 700.000 giáo dân từ Bắc vào Nam đã trở thành thế lực toàn dân cho anh em họ Ngô. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Chính vì đặt quá nhiều lợi ích, sự thiên vị và niềm tin cho những người Công Giáo, như giao các vị trí quan trọng, các vị trí tỉnh trưởng, các màn thăng quan tiến chức vũ bão cho những người Công Giáo để cai trị đã gây ra sự bất mãn trong lòng những tướng lĩnh, người dân theo Phật Giáo. Cuối cùng, dòng họ Ngô đã châm một ngọn lửa không thể cứu vãn được vào ngày lễ Phật Đản ở Huế năm 1963, mà sau này lịch sử gọi đó biến cố Phật giáo. Ngày 8 tháng 5 năm 1963, khi các tín đồ phật giáo ở Huế đang nô nức treo cờ để mừng lễ Phật Đản thì chính phủ ra yêu sách cầu cấm treo cờ tôn giáo (trong khi trước đó 1 tháng thì lại treo cờ mừng tổng giám mục Ngô Đình Thục). Hành động này đã khiến những người Phật giáo hiền lành phải phẫn nộ. Đấy là giọt nước làm tràn ly khi mà trước đó họ đã chịu những oan uổng trong chính sách tham vọng Công giáo hoá toàn bộ nền đệ nhất cộng hoà của gia đình họ Ngô. Biến cố Phật Giáo đã trở thành một cái cớ hoàn hảo cho những tướng lĩnh, chính trị gia chứa đầy sự oán hờn với các chính sách gia đình trị của họ Ngô Đình. Như một cơn bão táp thay nhau kéo đến quyết tâm san phẳng pháo đài của Ngô Đình Diệm. Phía bên tướng lĩnh đứng đầu là Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Trần Văn Minh, với quân sư là Đỗ Mậu (vâng, lại thêm một người Quảng Bình). Và phía phật giáo, linh hồn của những cuộc biểu tình xuống đường, người khiến Ngô Đình Nhu – một tay gian hùng và bình tĩnh bậc nhất cũng phải lên tiếng đầy đáng ghét và coi là mối đe dọa nguy hiểm: thượng tọa Thích Trí Quang. Trong biến cố phật giáo 1963, nhắc đến nhiều nhất là hình ảnh tự thiêu của thượng tọa Thích Quảng Đức (bức tượng của ông hiện nằm ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu-Cách Mạng Tháng Tám, đi ngang bạn có thể gặp và hiểu được câu chuyện hôm nay). Nhưng linh hồn và quân sư cho mọi cuộc xuống đường, leo thang biểu tình, bày binh bố trận (và cả quan hê với CIA (theo nhiều giả thuyết), chính là thượng tọa Thích Trí Quang. Vậy là từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, ba người Quảng Bình là Võ Nguyên Giáp, Thích Trí Quang và Ngô Đình Diệm trở thành ba đối thủ một mất một còn. Chiến thắng trong năm 1963 đó đã thuộc về thượng tọa Thích Trí Quang. Nhưng miền Nam vẫn không bình yên sau cái chết của anh em Diệm-Nhu, từ năm 1963 đến 1966 nổ ra 7 cuộc biểu tình lớn nhỏ liên tiếp. Từ năm 1963 đến 1967, mọi sư thay đổi cầm quyền của Việt Nam Cộng Hòa đều không tránh khỏi sự xuất hiện phía sau của thượng tọa Thích Trí Quang. Trong lịch sử, không có nhân vật Phật giáo nào lại kinh khủng như nhân vật Quảng Bình này. Đỉnh điểm nhất là vào năm 1966, khi tướng Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I Chiến thuật, tuyên bố chống lại chính phủ Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ, và cùng với thượng tọa Thích Trí Quang mang bàn thờ Phật xuống đường. Tờ TIME số ra tháng 4/1966 đưa hình ảnh thượng tọa Thích Trí Quang lên trang bìa với dòng chữ: “Người làm rung chuyển nước Mỹ”. 21 háng 6 năm 1966, Thượng tọa Thích Trí Quang được đưa vào Sài Gòn. Đến năm 1967, một lần nữa Thượng tọa Thích Trí Quang xuống đường, bên những hàng cây ở đường Thống Nhất phía trước Dinh Độc Lập (nay là đường Lê Duẩn), để một lần nữa chống lại một chính sách về tôn giáo của chính phủ Thiệu-Kỳ. Nhưng đó cũng là những dấu ấn cuối cùng của người con Quảng Bình này trước khi lui vào phía sau cánh gà lịch sử, để lại sau lưng hàng ngàn câu hỏi về ông? Ông là ai? Là một Tỳ Kheo cứu rỗi chúng sinh? Là một nhà sư thích chính trị? Hay là một điệp viên Cộng Sản đã góp phần làm lung lay chế độ Cộng Hòa? 4 tháng sau, người Quảng Bình thứ ba xuất hiện trên tờ TIME. Tháng 6/1966, chậm 12 năm từ ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối cùng TIME cũng không thể quên ông bên cạnh Hồ Chí Minh. Trong bài bình luận về nhân vật trang bìa, TIME đã so sánh Tướng Giáp với Napoleon, và trích dẫn câu nói nổi tiếng “Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh". Chiến thắng cuối cùng, thuộc về người Quảng Bình cuối cùng hiện diện trên tờ TIME. Quảng Bình nhỏ, Việt Nam cũng nhỏ, một mảnh đất nhỏ miền Trung hứng chịu gió lào cát trắng, nhưng đã vô tình sinh ra ba người Quảng Bình quyết định cho vận mệnh của dân tộc. Trong thế kỷ 20 khi vận nước lao lung, họ đã giơ lấy tấm vai gánh vác, dấn thân vào dâu bể, dù cách này hay cách khác, dù phe này hay phe kia, dù tôn giáo này hay tôn giáo nọ, dù đúng hay sai, dù hậu thế hôm nay có nhìn về với đủ thứ xúc cảm, với sự ngưỡng vọng hay cả những lời cay nghiệt thì nơi đây có ba con người một thời gây đảo điên và tên tuổi lẫy lừng năm châu! Và khi tôi chấp bút viết về họ cũng chọn cho mình một con đường đi giữa. Ở đây không có đúng hay sai, chẳng có phe này hay phe kia, chỉ có lịch sử, và lịch sử ấy được hình thành từ chính sử - nơi được viết nên bởi người thắng cuộc, dã sử - nơi được viết nên bởi người thua cuộc, và huyền sử - nơi thuộc về dân gian. Kết hợp tất cả, tạo ra lịch sử của kẻ hậu bối đất Quảng Bình này.