3+1 CÂU CHUYỆN

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Dối Trá, 11/9/17.

  1. Dối Trá

    Dối Trá Member

    Tôi xin chia sẻ cùng bạn 3+1 câu chuyện mà các nhà quản lý nên biết.

    01
    CHUYỆN THÁP BABEL

    Trong Sách Sáng Thế, sách mở đầu cho Cựu ước Kinh thánh, có kể câu chuyện về tháp Babel, một tòa tháp cao "chọc trời" được xây dựng tại thành phố Babylon. Thế hệ những người sau cơn Đại hồng thủy quyết định sẽ xây tại thành phố này một tòa tháp mà "đỉnh của nó chạm đến thiên đường." Nó biểu hiện của sự kiêu ngạo của con người và mong muốn cạnh tranh với Thiên Chúa. Vì sự kiêu ngạo này, Thiên Chúa ngăn chặn nỗ lực của con người bằng cách tạo ra sự bất đồng về ngôn ngữ. Con người không thể giao tiếp và thấu hiểu lẫn nhau. Chính vì vậy, những người xây tháp đã không thể hoàn thành dự án. Họ từ bỏ việc xây dựng và tỏa ra khắp trái đất.

    Chuyện tháp Babel là một trong những chuyện nổi tiếng nhất của Kinh thánh. Nhưng hãy nhìn lại chính mình, phải chăng chúng ta gặp nhiều thất bại chính vì việc chúng ta thiếu thấu hiểu lẫn nhau trong công việc. Dù chúng ta có chung ngôn ngữ, nhưng dường như chúng ta không biết người ngồi bên cạnh nghĩ gì. Chính sự thiếu gắn kết, thiếu cởi mở, thiếu hiểu biết về nhau là những rào cản lớn ngăn bước của chúng ta tiến tới những mục tiêu lớn mà ta khao khát đạt được.

    Theo bạn, chúng ta cần phải làm gì để xóa đi rào cản đó?

    Ảnh: Tranh Tháp Babel của Pieter Brueghel The Elder (Wikipedia)

    **
    02
    CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐI LÀM NHĂN NHÓ

    Khoảng 20 năm trước, trên đường đi làm vào sáng sớm, lúc đó chưa bắt buộc phải đeo nón bảo hiểm và mọi người không đeo khẩu trang như hiện nay, tôi nhận thấy những người đi trên đường cùng với mình có vẻ mặt rất... không vui. Họ đi làm với vẻ mặt căng thẳng, buồn ngủ, thiếu sức sống, thiếu niềm vui. Tôi không nhận thấy có ai mỉm cười, huýt sáo theo điệu nhạc, hoặc lẩm nhẩm hát. Hiện trạng này tôi vẫn tiếp tục quan sát thấy liên tục sau 20 năm.

    Dường như mọi người đi làm không hề thấy vui, thấy hạnh phúc!

    Bạn có nhận thấy điều đó với các thành viên doanh nghiệp của mình:

    Có bao nhiêu nhân viên của bạn đi làm mà hào hứng vừa đi vừa hát? Hay là vừa đi vừa cau có, căng thẳng?

    Có bao nhiêu nhân viên của bạn bước chân vào công ty mà cười thật tươi? Hay là vừa bước vào cửa mà đã nhăn nhó, căng thẳng?

    Có bao nhiêu nhân viên của bạn coi công ty là nơi mà họ thực sự sống, thực sự tìm ra ý nghĩa cuộc sống, là một gia đình? Hay chỉ là vì thu nhập, nơi kiếm miếng cơm, kiếm manh áo?

    Bạn có muốn thay đổi hiện trạng?

    Ảnh: Thanh Tùng - Tuổi trẻ - Kẹt xe ở Việt Nam

    **

    03
    CHUYỆN VỀ ĐỘI BÓNG KHÔNG TIỀN

    Có thể bạn ít biết đến câu chuyện này, rất nổi tiếng vì cuốn sách với tựa Moneyball của Michael Lewis và bộ phim cùng tên do Brad Pitt đóng vài chính, vì bóng chày không phải môn thể thao phổ biến tại Việt Nam. Câu chuyện của nó, dựa trên những sự kiện và con người có thực, lại rất đáng để cho các nhà quản lý như chúng ta phải đào sâu suy nghĩ.

    Trong phim, Billy Beane đang là nhà quản lý của đội bóng chày Oakland Athletics. Đội bóng thi đấu không thành công trong năm 2001 và vì thế có doanh thu thấp. Đã vậy đội bóng còn mất mấy cầu thủ ngôi sao vì họ bỏ đi. Mở đầu giải đấu 2002, khi tất cả các đội bóng đổ quân, đổ tiền đi tìm kiếm những ngôi sao và sẵn sàng trả giá trên trời để có được những cầu thủ mà họ tin sẽ giúp họ thắng giải, Billy đối diện với một thách thức không hề nhỏ: không có tiền để đi mua cầu thủ. Đội bóng của Billy Beane buộc phải tìm ra những cầu thủ xuất sắc mà chưa ai biết đến. Quỹ lương của đội bóng thấp xếp gần cuối bảng. Thông tin của toàn bộ các cầu thủ là công khai, được tập hợp và đã được phân tích bởi các chuyên gia về bóng chày qua nhiều năm. Billy không có tiền, đội bóng đứng cuối bảng đấu và anh ấy phải tìm cách chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức với những tên tuổi lớn như Boston Red Sox và New York Yankees với ngân sách lớn gấp 4 lần để trả lương cho cầu thủ, tên tuổi lớn và thành tích sáng chói.

    Tình cờ Billy Beane gặp Peter Brand (dựa trên nhân vật có thật Pau DePodesta). Peter trình bày với Billy rằng toàn bộ giải đấu đang được phân tích dựa trên những hướng phân tích sai, lỗi thời và vì thế các đội đang lãng phí cả tấn tiền để có những cầu thủ không hiệu quả và ngược lại bỏ qua những ngôi sao thực sự. Với sự giúp đỡ của Peter, Billy đã tìm ra những cầu thủ mà các đội bóng khác bỏ qua và từ từ đi đến chiến thắng một cách thuyết phục. Sau đó các đội bóng khác đã học tập và phương pháp phân tích mới (được biết với cái tên Sabermetrics) đã được các đội ứng dụng vào thực tế.

    Nhìn lại công việc của các nhà quản lý như chúng ta, dường như toàn bộ các doanh nghiệp đều phân tích theo những hướng giống nhau, những góc nhìn với cả rừng con số. Nếu bàn về những con số này, có mấy ai trong chúng ta đặt những câu hỏi:
    - Tại sao chúng ta cần nó?
    - Những con số này có thực sự ý nghĩa và giúp bạn đưa ra những quyết định cần thiết để nâng tầm doanh nghiệp của mình?
    - Có cách đo lường nào khác có ý nghĩa hơn mà người khác chưa biết?

    Ảnh: Phim Moneyball

    **

    04
    BONUS: CHUYỆN CHƠI GAME

    Vào năm 2005, ở Việt Nam xuất hiện trò chơi trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) được Việt hóa từ trò Swordman Online của Trung Quốc và được Vinagame (VNG) phân phối. Trò chơi hút một lượng người chơi khủng. Theo thông tin cập nhật trên Wikipedia, có thời kỳ VLTK đạt gần 20 triệu người chơi với 86 server, và 200,000 người chơi tại cùng thời điểm. Cuộc họp mặt offline của người chơi Đại hội Võ lâm đạt hơn 40,000 người vào năm 2005. Có thể nói, chính nhờ trò chơi này VNG đã vươn lên thành một tập đoàn tầm cỡ tại Việt Nam với các sản phẩm như 123mua, Zing, Zalo...

    Người chơi VLTK có một tỷ lệ lớn là các nhân viên văn phòng. Vào thời điểm VLTK ra đời, nếu bạn làm quản lý doanh nghiệp vào thời điểm đó, có một hiện tượng rất đáng chú ý: nhân viên của bạn vừa làm việc, vừa chơi game! Họ mở máy tính, bên trên vẫn đang soạn thảo văn bản, bên dưới họ chơi VLTK. Cứ khoảng 15-20 phút, họ chuyển sang kiểm tra xem nhân vật của mình đang "tự chơi" đến đâu và dành ra vài phút để tương tác trong trò chơi: bán đồ kiếm được, nạp máu, nạp mana... Kỳ lạ hơn nữa là họ dùng một phần mềm được đặt tên là "cắm chuột" để giúp nhân vật của họ có thể "tự chơi" trong game. Về bản chất, họ phải mất 2 lần tiền. Thứ nhất, tiền trả cho VNG ĐỂ ĐƯỢC CHƠI game VLTK. Thứ hai, tiền trả cho phần mềm "cắm chuột" để HỌ KHÔNG PHẢI TỰ CHƠI. Điều này càng quái lạ hơn khi họ không tập trung vào công việc mà họ đang làm ĐỂ KIẾM TIỀN THỰC!

    Tôi tự hỏi:
    - Tại sao họ làm vậy?
    - Điều gì làm họ không muốn tập trung vào công việc của mình?
    - Làm thế nào để họ có thể tập trung cho công việc thay vì lãng phí tiền bạc, thời gian, sức lực cho việc chơi game? Bạn có thể thay chữ game trong câu hỏi này với bất kỳ một nội dung nào khác tương tự: nhậu nhẹt, cafe chém gió, shopping...

    Theo bạn thì sao?

    Ảnh: Giao diện game Võ Lâm Truyền Kỳ thời kỳ đầu - nguồn wikipedia

    **

    05
    VÀI CÂU HỎI

    Qua 4 câu chuyện, bạn nghĩ gì?

    Phải chăng chúng ta tạo dựng công ty mà không thể:
    1- Gắn kết được mọi người cùng hướng về một mục tiêu chung vĩ đại, lay động lòng người?
    2- Giúp mọi người thấy niềm vui trong công việc để họ đến nơi làm với trạng thái hào hứng, hăng hái, vui vẻ?
    3- Đo lường được những điều thực sự có giá trị, giúp từng cá nhân nhận ra rõ ràng hiệu quả công việc của mình, những đóng góp của cá nhân mình cho thành quả chung và những điểm cần sửa chữa?
    4- Làm việc vui hơn chơi game, hơn đi nhậu, đi cafe, mọi người tự giác rèn luyện học tập?

    Bạn có trả lời 4 câu trả lời trên: Chúng tôi có thể làm được?

    **

    Bài kế tiếp: Trả lời câu hỏi: Chúng ta cần phải làm gì?

    Trần Xuân Hải - Missionizer - Thiết kế Doanh nghiệp
    Ban Phát triển Năng lực Thành viên - CLB Quản trị và Khởi nghiệp
    20170909
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...