1. Tiêm phòng HPV thì có cần làm tầm soát hay không? Như chúng ta đã biết, ung thư cổ tử cung do 14 chủng (hoặc là type) HPV nguy cơ cao gây ra. Hiện nay thì tiêm phòng HPV hay còn gọi là vắc-xin HPV có nhiều loại như tứ giá hoặc cửu giá và cho dù chúng ta tiêm loại tốt nhất bây giờ thì cũng chỉ ngừa được khoảng 9 chủng, vẫn còn những chủng HPV khác không bao gồm trong vắc-xin. Đây là lý do ngoài việc tiêm ngừa vắc-xin chúng ta vẫn phải kết hợp với việc tầm soát định kỳ để có thể bảo vệ bản thân khỏi ung thư cổ tử cung và loại trừ hẳn ung thư cổ tử cung ra khỏi cuộc sống của chị em. 2. Phương pháp tầm soát theo xu hướng mới có ưu điểm như thế nào? Theo xu hướng hiện nay và theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ và các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới, xét nghiệm HPV được lựa chọn là xét nghiệm đầu tay cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Lý do lựa chọn xét nghiệm HPV thay cho xét nghiệm PAP là bởi vì xét nghiệm PAP phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của người đọc kết quả và có thể xảy ra sai sót, chi phí đầu tư phòng lab và đào tạo con người cho xét nghiệm PAP cũng phức tạp hơn. Ngược lại, xét nghiệm HPV đơn giản hơn, chi phí thấp hơn và nó không phụ thuộc vào yếu tố con người nên hiện nay xét nghiệm HPV là xét nghiệm được lựa chọn đầu tay. Hiện nay cũng có nhiều xét nghiệm HPV khác nhau, chúng ta lưu ý nên lựa chọn các xét nghiệm đã được Tổ chức Y tế Thế giới và FDA Hoa Kỳ phê duyệt vì độ tin cậy và khả năng tầm soát tốt hơn. 3. Tầm soát ung thư cổ tử cung 1 lần thì có ổn hay không? Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng một khi phụ nữ đã có quan hệ tình dục thì nên làm xét nghiệm HPV tầm soát ung thư cổ tử cung, đối với những nước có nguồn lực thấp thì phụ nữ nên làm xét nghiệm HPV ít nhất một lần trong đời sau 25 tuổi. Phụ nữ ở những nước nguồn lực trung bình thì được khuyến cáo là nên làm ít nhất là 2 đến 3 lần trong đời. Và phụ nữ ở những nước có nguồn lực khá được khuyến cáo ít nhất mỗi 5 năm một lần. Việt Nam trong những năm gần đây thì đã thoát khỏi nước thu nhập thấp và đặc biệt ở những thành phố lớn, có kinh tế phát triển và có nguồn lực y tế tốt như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì Bộ Y tế Việt Nam vẫn khuyến cáo là phụ nữ nên xét nghiệm HPV ít nhất mỗi 5 năm một lần. 4. Tôi bị dương tính với HPV 16, HPV 18 thì có bị ung thư cổ tử cung hay không? Và tôi cần phải điều trị HPV dương tính hay không? Nhiễm HPV không đồng nghĩa với việc là phụ nữ sẽ bị ung thư cổ tử cung. Từ khi bị nhiễm HPV, 90% phụ nữ sẽ tự khỏi nếu như cơ thể họ khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, không mắc các bệnh kèm theo, các bệnh toàn thân, các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Còn nếu như cơ thể của họ yếu, có sức đề kháng kém hoặc mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác thì họ có nguy cơ nhiễm dai dẳng HPV, và dần dẫn đến những tổn thương tiền ung thư hay ung thư. Thông thường ở những lần chẩn đoán đầu tiên, nếu phụ nữ đơn thuần được chẩn đoán nhiễm HPV và xét nghiệm PAP chưa cho thấy những tổn thương ở cổ tử cung, hay dấu hiệu tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư thì các bác sĩ sẽ tư vấn tiếp tục theo dõi. Hiện nay đã có những loại thuốc để điều trị nhiễm HPV. Tuy nhiên chi phí điều trị khá cao, nên nếu như chỉ bị nhiễm HPV đơn thuần thì thông thường các bác sĩ sẽ không yêu cầu điều trị mà chỉ theo dõi. 90% trường hợp nhiễm HPV có thể được thải loại tự nhiên bằng sức đề kháng của mỗi cá nhân. 5. Quan hệ lành mạnh 1 vợ 1 chồng thì có nguy cơ nhiễm HPV không? Trên 80% những người phụ nữ đã có quan hệ tình dục, cho dù một vợ một chồng hay sử dụng bao cao su, thì vẫn có nguy cơ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân là do HPV rất dễ lây, chỉ cần tiếp xúc da hoặc tiếp xúc cơ quan sinh dục bên ngoài hoặc sử dụng chung quần lót, dụng cụ tình dục cũng đã có thể bị nhiễm HPV. 6. Trường hợp các chị em phụ nữ mới ly hôn và không quan hệ tình dục trong một khoảng thời gian dài thì có cần phải tầm soát ung thư cổ tử cung hay không? Nhiều phụ nữ nghĩ rằng tôi không quan hệ tình dục nữa thì tôi không cần tầm soát ung thư cổ tử cung thì không đúng. Chúng ta vẫn nên thực hiện tầm soát vì HPV không chỉ lây truyền qua đường tình dục mà còn qua những tiếp xúc đơn giản như tiếp xúc da bình thường bên ngoài, sử dụng chung toilet chưa vệ sinh, chưa có sát khuẩn với người bị nhiễm HPV thì vẫn có thể bị nhiễm. HPV có thể tồn tại kéo dài 10 năm nên có thể rằng là 5 năm - 10 năm trước hoặc là vài năm trước chúng ta đã bị nhiễm HPV. Khi cơ thể chúng ta có sức đề kháng kém thì sẽ xuất hiện những tổn thương. Vì vậy, cho dù là bạn không còn quan hệ tình dục nữa thì vẫn nên tầm soát ung thư cổ tử cung. Nếu như bạn làm xét nghiệm HPV 3 lần liên tiếp âm tính (mỗi 3 - 5 năm/ 1 lần) và lúc bấy giờ bạn đã lớn tuổi (trên 65 tuổi) hoặc là bạn không quan hệ tình dục nữa thì lúc đó bạn mới cân nhắc không cần làm tiếp tầm soát ung thư cổ tử cung. 7. Đã có thuốc điều trị HPV chưa? Thuốc điều trị HPV đã có, tuy nhiên nên lưu ý người bị nhiễm HPV 90% sẽ tự khỏi nếu cơ thể họ khỏe mạnh. Vì vậy, khi đứng trên phương diện kinh tế người ta cũng cân nhắc về vấn đề điều trị. Chúng ta chỉ điều trị ở một số trường hợp nhiễm HPV dai dẳng, ví dụ như sau 2 năm 3 năm mà vẫn còn thấy dương tính hoặc là đã có xuất hiện những tổn thương tiền ung thư mức độ nhẹ, mức độ trung bình thì chúng ta sẽ cân nhắc để điều trị HPV. 8. Tầm soát ung thư cổ tử cung là có đau hay không ? Mùa “dâu” thì có đi tầm soát ung thư cổ tử cung được không? Khám phụ khoa nói chung và tầm soát ung thư cổ tử cung nói riêng thì nên đi khám vào thời điểm sạch kinh, không đang hành kinh. Chị em không được đặt thuốc điều trị các bệnh lý viêm nhiễm hoặc không thụt rửa âm đạo trong vòng 48 tiếng trước khi thăm khám. Chị em không quan hệ trước đó 24 tiếng để xét nghiệm HPV có độ chính xác cao hơn. Xét nghiệm HPV cũng rất đơn giản và không gây đau đớn. 9. Tầm soát ung thư cổ tử cung có thể thực hiện được ở đâu? Tầm soát ung thư cổ tử cung có thể thực hiện ở các phòng khám Sản Phụ Khoa uy tín, Bệnh Viện Sản Phụ Khoa hoặc là các trung tâm Ung Bướu, trung tâm Dự Phòng. Bạn có thể đi khám phụ khoa hoặc là làm xét nghiệm HPV đồng thời với việc khám phụ khoa. Việc thực hiện xét nghiệm HPV chỉ mất vài giây, không gây mất thời gian như nhiều người nghĩ. 10. Tầm soát ung thư cổ tử cung có giá thành và ý nghĩa của kết quả như thế nào? Nếu như bị dương tính với HPV thì cần phải làm gì tiếp? Hiện nay, chị em phụ nữ chúng ta rất đầu tư cho việc làm đẹp. Chi phí làm xét nghiệm HPV tại các bệnh viện công hoặc bệnh viện tư cũng chỉ dao động từ vài trăm ngàn cho đến một triệu. Việc mỗi 5 năm chúng ta bỏ ra một số tiền như vậy thì tôi nghĩ rằng là cũng không quá nhiều. Chúng ta bỏ bớt son phấn một tí xíu, tiền đi làm đẹp một chút xíu, sẽ không làm mất đi vẻ đẹp của mình mà còn bảo vệ sức khỏe. Sức khỏe thể chất tốt thì sức khỏe tinh thần và cái đẹp sẽ rạng ngời hơn.