Đọc bài của anh Lâm Minh Chánh về vấn này và cuốn sách quy luật 10.000 giờ tạo cho tôi một cảm hứng để dành thời gian dài viết một bài đầu tiên trên Group của chúng ta. Trước hết tôi xin giới thiệu ngắn gọn về bản thân: Tôi đang giữ vị trí lãnh đạo trong một công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam, đã từng làm manager tại một công ty kiểm toán Big 4. Tôi là người học khá thành công tại Việt Nam và nước ngoài. Tôi giới thiệu vậy để mọi người hiểu chuyện tôi tranh luận ở đây là nghiêm túc và từ những thứ mắt thấy, tai nghe và đầu suy nghĩ trăn trở nhiều năm. Ý tưởng về 10.000 giờ đến từ công trình nghiên cứu của Giáo sư Anders Ericsson từ Trường Đại học Bang Florida (Mỹ). Ông nghiên cứu những người siêu thành công trong một số lĩnh vực và xem mất bao lâu họ có thể đạt đến trình độ đó và từ đó lý thuyết 10.000 giờ được áp dụng cho mọi lĩnh vực. Nhưng lý thuyết là có đúng, có thực sự chỉ đường cho chúng ta thiết lập mục tiêu và hành động? Tôi tin là không. Thứ nhất thế giới bây giờ thay đổi rất nhanh hơn rất nhiều và có nhiều thứ tác động đến so với quá khứ, nếu Bill Gates quay lại luyện 10.000 giờ cũng không thể thành công như đã có. Bill đã từng thừa nhận trí thông minh không phải vấn đề, rằng để thành công chúng ta cần rất nhiều kỹ năng, mỗi kỹ năng mất 10.000 giờ để luyện thì lý luận này không thực tế, đừng nói đến làm được để thành công. Thứ hai, chẳng có gì đảm bảo rằng luyện gì đó đến 10.000 sẽ đảm bảo thành công. Có lẽ trong phần lớn chúng ta, luyện để thành một người siêu thành công không phải là một mục tiêu thực tế. Ngoài ra, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người rất thông minh, giỏi giang, doanh nhân hàng đầu, nhưng họ có làm những nghề mà họ được đào tạo đâu. Vậy họ luyện 10.000 giờ để làm gì và họ có thực sự luyện không, tôi nghi là không. Cuối cùng, 10.000 giờ quy về 5 năm miệt mài luyện tập cũng dễ làm con người ta mất động lực, mất niềm tin và thất bại. Do đó lý thuyết này không thể áp dụng để xây dựng tổ chức được. Chúng ta là sản phẩm của niềm tin của mình. Nếu chúng ta không tin thì sẽ dấn đến không làm, không làm thì lý thuyết 10.000 giờ sẽ thành truyền thuyết mà thôi. Ngược lại, tôi xin giới thiệu với mọi người một phương pháp học tăng tốc của Josh Kaufman: đây là phương pháp giúp người học làm chủ bất kỳ một kỹ năng gì trong vòng 20 giờ. Phương pháp này yêu cầu chúng ta giành 20 giờ để đạt đến trình độ có thể tự nhận ra sai và sửa chữa. Đây là một phương pháp được nhiều người áp dụng và đạt thành công trong việc học các kỹ năng mới như lập trình, học ngoại ngữ. Ấn tượng không? Phương pháp này giúp chúng ta xác định được những mục tiêu đủ ngắn, thách thức và hấp dẫn để thực hiện, từ đó tạo ra động lực; Phương pháp này rất phù hợp với việc học tập của cá nhân và đội nhóm; rất phù hợp với số đông nhân sự trẻ hiện nay. Phương pháp này cùng với lý luận tư duy đột phá của Tiến Sỹ Lê Thẩm Dương. Theo đó, chúng ta hiểu kỹ nền tảng và đột phá trên nền tảng đã có. Nó cũng phù hợp với phương pháp Kaizen làm nên một công ty Toyota hàng đầu thế giới. • Chia nhỏ kỹ năng cần học: Khi bạn đã xác định và quyết tâm học bất kỳ một kỹ năng nào, bạn hãy chia kỹ năng đó thành các phần nhỏ. Tất cả các kỹ năng đều được tập hợp bởi các kỹ năng nhỏ hơn. Khi chúng ta càng chia nhỏ ra, chúng ra sẽ biết các kỹ năng nhỏ nào là quan trọng nhất đối với việc làm chủ kỹ năng lớn. Hãy luyện tập các kỹ năng quan trọng nhất trước. • Học đủ để tự sửa chữa: người học thường tập hợp rất nhiều thông tin để học (mua sách, tìm và thu thập thông tin trên internet), việc này thường tạo ra sự trì hoãn quá trình học. Phương pháp này yêu cầu người học chỉ học vừa đủ để biết luyện tập và tự sửa chữa lỗi trong quá trình luyện tập. Học tập sẽ tốt hơn nếu bạn biết khi nào mình mắc lỗi và cách để khắc phục, bạn sẽ tiến bộ. • Bỏ qua những yếu tố ngăn trở qua trình học tập: TV, internet sẽ ngăn trở bạn khi học tập. Bạn cần loại chúng khi học tập và bắt tay vào luyện tập. • Luyện tập ít nhất 20 giờ/ kỹ năng: bạn cần kiên định và quyết tâm rèn luyện 20 giờ để làm chủ kỹ năng mình muốn. Tin tôi đi, hãy bắt đầu từ nhỏ, rèn luyện dần dần, bạn có thể tạo ra thành công đột phá. Cuối cùng, tôi bàn đến một chuyện mà các doanh nghiệp đều kêu than về vấn đề nhân sự giỏi, thiếu nhân tài, thiếu lãnh đạo giỏi. Qua quan sát nhiều năm, tôi cho rằng lý do quan trọng nhất là chúng ta không phát triển được nhân tài ở các cấp, lý do chính không phát triển được là thiếu một Phương pháp Học tập & Phát triển của tổ chức để các nhân viên hướng theo và một Khung năng lực để nhân viên có thể làm chủ được sự phát triển của bản thân, nhanh hơn bạn bè cùng trang lứa. Tại Công ty chúng tôi, chúng tôi đã phải mất rất nhiều nguồn lực để phát triển Phương pháp Học tập và Phát triển của RSM Việt Nam, tổng hợp rất nhiều tinh hoa học tập của Việt Nam và thế giới. Nếu bạn có mục tiêu rõ ràng, có phương pháp học tập đúng, có động lực thôi thúc, bạn sẽ có phép màu nhiệm để thay đổi bản thân mình, đạt đến thành công, thậm trí là vượt bậc. Nếu kiên trì đi theo con đường này, lo gì mà bạn và tổ chức của bạn không thành công. Lâm Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc RSM Việt Nam P/s: Tặng mọi người ảnh của Josh Kaufman