Sự công bằng thông minh

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Bằng Mã, 18/5/17.

  1. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Không phải tự nhiên mà Nhà Nước khắp nơi đều chú trọng việc bảo vệ người tiêu dùng, thay vì bảo vệ vế bên kia: nhà sản xuất hay nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá. Nói nôm na, Người ta thường bảo vệ người mua chứ không phải bảo vệ người bán. Đơn giản vì người mua lúc nào cũng ở trong một thế yếu hơn nên dễ bị đối xử không công bằng, có khi ở chất lượng sản phẩm, có khi ở giá cả, có khi ở các điều khoản hợp đồng ký kết.

    Người đi thuê nhà hay thuê mặt bằng cũng là một dạng người tiêu dùng, người mua vì họ phải bỏ tiền ra để đổi lấy một vị trí thuận lợi để kinh doanh. Nên họ cũng cần được bảo vệ như ai, thông qua các qui định của pháp luật. Nhất là họ lại là người tiêu dùng loại “VIP” vì có thể tạo ra biết bao nhiêu công ăn việc làm và các giá trị khác cho nền kinh tế, xã hội.

    Ở Việt Nam, người tiêu dùng loại VIP - đi thuê mặt bằng để kinh doanh dường như chưa được luật pháp quan tâm và bảo vệ đúng mức. Cũng có hợp đồng thuê nhà như ai nhưng rõ ràng là chưa chặt chẽ cho lắm nên biết bao nhiêu trường hợp đang kinh doanh ngon lành thì bị “rút ghế” giữa chừng. Nhiều lý do, trong đó có lý do khá phổ biến là có ai đó sẵn sàng trả giá cao hơn. Thế là chủ nhà đòi lại mặt bằng sau cuộc đàm phán kiểu áp đặt, kèo trên. May mắn thì người thuê lấy lại chút đỉnh tiền đền bù gọi là thoả đáng, còn không thì coi như xách túi ra đi trong tiếc nuối.

    Chắc có người hỏi ngay, thế tại sao trong hợp đồng không có các điều khoản ràng buộc bồi thường cho rất nặng, phạt gấp hai gấp ba lần vốn đầu tư chẳng hạn. Câu trả lời là nếu đi thuê mặt bằng ở Việt Nam mà cứ đem điều khoản đền bù này ra đàm phán thì có lẽ không bao giờ thuê được chỗ nào. Vì nếu mình không thuê thì có người khác dễ dãi hơn sẽ thuê, đơn giản vậy thôi! Nên chủ nhà lúc nào cũng nắm đằng cán, nhất là đối với một môi trường dân số trẻ, người người nhà nhà cùng đua nhau đi tìm mặt bằng để khởi nghiệp.

    Ngay chỗ này đây, Nhà Nước chứ không ai khác phải nhảy vô can thiệp cho kịp thời thông qua các qui định pháp luật thật cụ thể của mình. Điểm mấu chốt là làm sao tránh được hoàn toàn tình trạng người cho thuê có thể lợi dụng qui luật cung-cầu để o ép hay chơi kèo trên đối với người đi thuê.

    Chẳng hạn như ở Úc, chủ nhà không phải muốn tăng giá bao nhiêu cũng được. Thông thường tỷ lệ tăng giá phải có căn cứ chứ không tự nghĩ ra được, đó là phải dựa vào tỷ lệ lạm phát hay trượt giá của nền kinh tế tại thành phố đó hay khu vực đó (phổ biến là từ 1-3%). Mà ngay cả mức tăng giá theo tỷ lệ lạm phát này cũng phải được xác định bởi một bên chuyên trách thứ 3 để đảm bảo tính công bằng, khách quan.

    Thời hạn hợp đồng cũng vậy, thường là dài hơn ở Việt Nam rất nhiều, trung bình ít nhất trên 5 năm. Sau khi thời hạn hợp đồng chấm dứt thông thường còn có thêm điều khoản gia hạn tuỳ theo quyết định của người thuê chứ không phải người cho thuê (ví dụ như 5 năm + 5 năm hay 3 năm chẳng hạn). Nếu người thuê không muốn gia hạn nữa thì lúc đó chủ nhà mới có quyền cho người khác thuê. Chủ nhà gần như không có cách nào chấm dứt hợp đồng giữa chừng nếu không muốn bị đưa ra toà.

    Ngược lại người đi thuê mặt bằng trước khi đặt bút ký cũng phải cân nhắc cẩn thận, vì một khi đã ký cho dài thì cũng phải tôn trọng đúng điều mình cam kết. Nếu vì lý do nào đó mà chấm dứt hợp đồng giữa chừng, trước thời hạn thì cũng phải đền bù, thanh toán toàn bộ tiền thuê nhà cho tất cả thời gian còn lại của hợp đồng! Không có cách nào khác hơn - nếu không muốn bị đưa ra toà!

    Tuy nhiên, cũng chính nhờ qui định về hợp đồng chặt chẽ và đâu ra đó như vậy mà người kinh doanh đi thuê mặt bằng một khi thất bại vẫn có thể tìm người khác sang nhượng lại cửa hàng của mình nếu muốn rút ra giữa chừng. Nếu kinh doanh thành công thì bán lại giá cao, còn kinh doanh thất bại thì bán lại giá bèo, tìm người thế mạng là chủ yếu. Trong trường hợp thay ngựa giữa dòng như vậy thì chủ nhà bắt buộc phải đồng ý chứ không được tăng giá hay đàm phán trở lại. Ở đây gọi là Lease Transfer - chuyển nhượng hợp đồng. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ.

    Cho nên, nói đúng ra ở đây cả người mua và người bán đều được bảo vệ rõ ràng, công bằng. Sự công bằng, rạch ròi, hợp lý, nghiêm minh làm nên một nền kinh tế hùng mạnh.

    Giống như trọng tài trên sân cỏ vậy, người cầm trịch phải nắm rõ luật lệ, phải nắm rõ tình hình trận đấu mình giám sát, lúc nào cũng chạy sát cùng cầu thủ để không bỏ sót một chi tiết nào, để khi cần thiết là móc còi móc thẻ ra ngay. Hai đội bóng giỏi đến đâu đi nữa mà gặp phải một trọng tài dỡ thì không bao giờ cho ra một trận đấu hay.

    Ly Qui Trung

    Link bài viết: Sự công bằng thông minh
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...