PHÁT HUY DÂN CHỦ TRONG TỔ CHỨC XÃ HỘI

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi devondale, 1/10/17.

  1. devondale

    devondale Member

    Nhu cầu phát huy năng lực tự chủ

    Khi một cái cây đủ lớn, từng bộ phận của nó phải biết việc cần làm, làm tốt những việc đó, và kết nối tốt với những bộ phận khác cho cùng một mục đích chung. Cơ thể con người ta cũng vậy: khi nhỏ, ta phải tập cầm đũa, cầm bút, tập uốn lưỡi để nói từng từ, với sự tập trung gần như tuyệt đối; nhưng khi cơ thể đã phát triển rồi thì những việc đó phải thành tự nhiên, phải thành phản xạ có điều kiện của cơ thể.

    Trong một doanh nghiệp hay tổ chức cũng vậy. Nếu doanh nghiệp hay tổ chức đã ở một quy mô nào đó rồi mà người chủ, người lãnh đạo hay điều hành còn phải quan tâm đến từng việc nhỏ, phải cầm tay chỉ việc… thì doanh nghiệp hay tổ chức đó sớm hay muộn rồi cũng đến lúc kết thúc sứ mệnh của nó.

    Bởi vậy, có thể thấy rằng dù là với hình thái tổ chức tự nhiên như cây hay hình thái tổ chức xã hội như doanh nghiệp thì đều cần tạo được năng lực hoạt động tự chủ cho từng bộ phận của nó.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng dùng một phương châm đơn giản “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" để phát huy khả năng tự chủ của bộ đội vệ quốc trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp (1946-1950). "Đại đội độc lập” để tăng tính linh hoạt, chủ động của từng đơn vị trong kháng chiến, “Tiểu đoàn tập trung” là để tập hợp lực lượng và đồng bộ thực hiện các cuộc tấn công quy mô để tạo hiệu quả cao hơn. Mãi đến khi tạo được thế và lực tương đồng và có được đội ngũ cán bộ/hệ thống chiến lược sẵn sàng thì mới chuyển sang giai đoạn chính quy - tập trung.

    Ở quy mô vừa phải, một người lãnh đạo tổ chức hoàn toàn có thể nắm rõ năng lực, hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng thành viên. Điều đó giúp cho mỗi thành viên cảm thấy mình được quan tâm, giúp cho hoạt động của tổ chức thiết thực và hiệu quả, giúp cho mối quan hệ giữa thành viên và tổ chức thêm mật thiết và gắn kết keo sơn.

    Cùng với sự thành công và phát triển của tổ chức, số lượng, phạm vi và độ lệch chuẩn giữa các thành viên ngày càng tăng. Người lãnh đạo và những cộng sự chủ chốt sẽ không còn đủ thời gian để vận hành tổ chức theo kiểu cũ nữa. Các thành viên dần cảm thấy mình không được lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ. Trong khi đó, những người lãnh đạo càng ngày lại càng cảm thấy mệt mỏi và chán chường vì mình cống hiến ngày càng nhiều nhưng càng ngày càng không được thấu hiểu. Hàng loạt những câu hỏi kiểu như: “vào tổ chức tôi được gì?" hay “là lãnh đạo tổ chức tôi được gì?” sẽ xuất hiện, lan toả và lặp đi lặp lại. Tổ chức đứng trước hai lựa chọn: hoặc thu gọn đối tượng và số lượng thành viên để có thể tiếp tục hoạt động theo cách cũ hoặc phải thay đổi cách vận hành để có thể hoạt động hiệu quả.

    Tuỳ ước mơ, hoài bão, và mức độ cởi mở của những người lãnh đạo mà lựa chọn có thể sẽ rất khác nhau.

    Nếu bạn cảm thấy THỰC SỰ cần phải thay đổi, bạn mới TÌM CÁCH để thay đổi. Còn nếu chúng ta vẫn cho rằng "mình là đúng, chỉ có thế giới xung quanh là sai mà thôi", thì sẽ không bao giờ có động lực và tìm được cách để thay đổi.

    Thế giới rộng lớn này, nói cho cùng, chỉ có 3 loại người: (1) những người tạo ra sự thay đổi, (2) những người quan sát sự thay đổi ấy, và (3) những người vò đầu bứt trán hối tiếc vì sao những thay đổi ấy lại diễn ra. Chọn là ai trong số 3 loại người ấy là do chính bản thân chúng ta mà thôi.

    Nhiều người đã chọn tư thế chủ động và tích cực: tạo ra sự thay đổi.

    Và như lịch sử của nhân loại đã ghi nhận lại, phát huy tự chủ là phương cách tốt nhất để có thể phát huy và nhân rộng tính tích cực và hiệu quả xã hội của một tổ chức.

    Là một doanh nghiệp, bạn cần phải phân rã tổ chức thành các bộ phận cơ hữu (theo chức năng, theo địa bàn, theo công nghệ/sản phẩm/dịch vụ), phân định chức năng nhiệm vụ cho từng bộ phận, xác định cách thức phối hợp giữa các bộ phận, phân công nhân sự phụ trách phù hợp dựa trên khả năng và tính cách của họ, và tạo động lực cho họ.

    Là một tổ chức xã hội, cũng như vậy, tổ chức có thể được phân ra thành các ban chức năng, các chi hội hoặc thậm chí là cả hai.

    Tại Hội doanh nhân trẻ Tp HCM suốt những năm qua, nguyên tắc này đã được vận dụng và khai thác khá hiệu quả. Có rất nhiều những bằng chứng tích cực về tính sáng tạo của các hoạt động. Có rất nhiều những hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên. Tại nhiều chi hội, thực sự có được mối quam tâm gần gũi giữa các hội viên. Những Vietnam CEO Forum của ban Đào tạo Tư vấn Pháp lý, e-Business Forum của ban Truyền thông, Cycle to Future của JCI Vietnam, Saigon Sparkle Stars của chi hội Sài Gòn, cafe sáng Thứ Sáu của chi hội Gia Định,… là những ví dụ rõ nét và sinh động cho việc áp dụng thành công những nguyên tắc ấy.

    Dân chủ - Cách thức bền vững để phát huy tự chủ trong các tổ chức xã hội

    Tự chủ, đó là cần thiết để tiếp tục tồn tại và phát triển. Thế nhưng làm sao để có thể tự chủ một cách bền vững.

    Bằng tâm huyết, nhiệt tình, hoài bão lý tưởng và mong muốn khẳng định bản thân, những nhân tố tích cực của các tổ chức xã hội sẽ thực hiện rất tốt vai trò tự chủ này. Tuy vậy, bản thân những con người ấy sẽ cũng có những ràng buộc cuộc sống, những giá trị riêng tư và những nhu cầu cá nhân chính đáng để được phát triển. Họ cần phải, và cần được ghi nhận như những con người có giá trị của tổ chức. Sẽ như thế nào nếu như khi cần cống hiến thì ta "gọi tên" họ, nhưng khi cần quyết định gì đó ta lại bỏ họ sang một bên?

    Họ sẽ không chùn bước - đương nhiên - vì đó là những con người của nhiệt huyết, của lý tưởng. Thế nhưng nếu như những điều đó liên tục lặp đi, lặp lại?

    Tổ chức vẫn có thể lựa chọn: hoặc là thường xuyên thay máu dòng nhân tố tích cực này, hoặc cần có cơ chế để những nhân tố tích cực này được trực tiếp, gián tiếp tham gia ra quyết định, hoặc là cả hai.

    Khi chọn lựa một cơ chế cùng-lãnh-đạo (chưa cần nói đến cùng-làm-chủ), ta có thể nói rằng mình đang từng bước tạo ra một cơ chế dân chủ trong tổ chức.

    Trong buổi chiều ngày 19/11/1863, để kêu gọi tinh thần phe miền Bắc trong cuộc Nội chiến Mỹ, tổng thống Mỹ lúc ấy là Abraham Lincoln đã nhắc đến khái niệm "of the people, by the people, for the people” mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành tôn chỉ và nguyên tắc điều hành đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:

    Nước ta là nước dân chủ.
    Bao nhiêu lợi ích thuộc về dân.
    Bao nhiêu quyền đều là của dân.
    Quyền hành và lực lượng là ở nơi dân.
    (Dân vận - 1949)

    Theo Bác, dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Người khẳng định đồng thời vị thế và năng lực của dân trong tư cách chủ thể, là người chủ xã hội, chủ nhà nước. Cũng do đó, tôn trọng dân chủ thì tất yếu phải đề cao dân: phải trọng dân và phải trọng pháp. Trọng dân là hướng đến người dân như trung tâm và động lực của toàn bộ hệ thống, tôn trọng lợi ích và quyền lực của nhân dân. Trọng pháp, đó đề cao quy định, nguyên tắc và quy trình ra quyết định lên trên quan hệ và cả ý chí cá nhân của người lãnh đạo.

    Chúng ta có thể thực hành điều này như thế nào?

    Trọng hội viên: các tổ chức xã hội phải xây dựng được cho mình một tôn chỉ hoạt động rõ ràng trên cơ sở xác định rõ đối tượng (customer’s segmentation), nhu cầu của họ - khả năng đáp ứng của mình cho họ (value proposition) và vai trò mà tổ chức hướng đến trong lòng các thành viên của mình (positioning). Tôn chỉ này thông thường ít nhất phải bao gồm ba thành tố cơ bản: tầm nhìn (vision), sứ mệnh (mission) và các giá trj cốt lõi (core values) cùng các nguyên tắc hoạt động (principles) hỗ trợ khác nếu cần. Hệ thống triết lý này cần được truyền thông, thấm nhuần, phản ảnh vào và dẫn dắt các hoạt động của tổ chức.

    Trọng pháp: những người càng có quyền quyết định thì càng phải càng tuân thủ các tôn chỉ và nguyên tắc của tổ chức. Người lãnh đạo cần "gương mẫu, nêu gương thuyết phục và cổ vũ mọi người noi theo”. Nếu có một khi nào đó mà ta phải dùng ảnh hưởng của mình (thay vì lý lẽ) để quyết định một việc, khi đó, ta đang làm hỏng hệ thống đó. Khi ta phải dùng trí tuệ của cá nhân mình để choàng lên những quyết định lý ra phải là của hệ thống, chúng ta đang "ngu hoá" hệ thống đó. Khi mà chúng ta lựa chọn nhân sự, bởi vì niềm tin hay quan hệ cá nhân thay vì các tiêu chí cụ thể và rõ ràng, ta đang chà đạp lên hệ thống đó. Điều này là rất khó, đặc biệt là khi không có đủ thời gian. Điều này là rất khó, đặc biệt là khi xu hướng quyết định của tập thể khác với những điều mà trí tuệ hay tình cảm cá nhân của người lãnh đạo mách bảo hay thôi thúc. Mấu chốt là ở khoảng khắc ngắn ngủi ấy: xây tượng đài cá nhân cho mình, hay xây nền tảng vững bền cho tổ chức.

    Chỉ khi cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy có giá trị, thì những nhân tố có năng lực & tâm huyết mới đến, gắn bó và cống hiến cho tổ chức. Chỉ khi được làm gương tốt, họ mới trở thành những người lãnh đạo gương mẫu và sống chết với các giá trị và tinh thần của tổ chức. Chỉ khi đó, ta mới có được những nhân tố lãnh đạo cần thiết làm hạt nhân duy trì và nhân rộng thành công của tổ chức.

    Làm gì để có thể phát huy được dân chủ trong tổ chức xã hội?

    Tuy vậy, cần có sự đầu tư suy nghĩ và từng bước chuẩn bị để có thể thực hành dân chủ một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí về thời gian, công sức và kỳ vọng tập thể.

    Chuẩn bị và tăng cường mức độ phù hợp: dân chủ phải phù hợp với năng lực và ý thức của đối tượng tiếp nhận quyền ấy. Chúng ta không thể để cho những đứa bé ba tuổi tự quyết định về cuộc đời của chúng. Dù may mắn là trong các tổ chức xã hội, đặc biệt là của doanh nhân và trí thức, đây không phải là vấn đề quá lớn, nhưng vẫn cần có lộ trình đánh giá mức độ sẵn sàng, cung cấp đào tạo nhằm điều chỉnh ý thức chung và nâng cao năng lực khai thác của thành viên.

    Tại JCI Việt Nam, đã cần một lộ trình kéo dài nhiều năm để có thể thực hành trọn vẹn nỗ lực dân chủ này. Mỗi nhiệm kỳ chủ tịch cố gắng thay đổi và chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình dân chủ. Và bây giờ, JCI Việt Nam đã hoàn toàn hoạt động theo cơ chế dân chủ hoàn toàn: hội viên là chủ thể hoạt động của các chi hội, chi hội là cổ đông của CLB. Trong các buổi họp, chủ tịch đề xuất chương trình nghị sự và điều phối cuộc họp. Khi có một vấn đề được đưa ra để bàn thảo và quyết định, chủ tịch không được phép có ý kiến hoặc tỏ thái độ khi người khác có ý kiến. Chủ tịch cũng không được quyền bỏ phiếu quyết định. Chỉ khi trong tập thể số phiếu bằng nhau, chủ tịch mới quyết định bằng phiếu bầu của mình, hoặc để lại bàn sau trong cuộc họp khác. Nhờ vậy mới có được không khí dân chủ thực sự trong tập thể. Và cũng nhờ vậy, chủ tịch luôn là người đúng, không bao giờ là người sai hoặc có ý kiến thiểu số. Mỗi nhiệm kỳ chủ tịch cũng chỉ kéo dài một năm, và do đó cố gắng cống hiến nhiều nhất trong nhiệm kỳ ấy. Hết nhiệm kỳ, chủ tịch ở lại thêm một năm trong Ban chấp hành để hỗ trợ thêm cho chủ tịch mới nhằm bảo đảm tính liên tục của các nỗ lực dài hơi. Tại các chi hội cũng thực hành tinh thần tương tự, nhưng mức độ còn chưa đồng đều. Trong những năm tiếp theo, JCI Việt Nam sẽ còn cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này xuống cơ sở.

    Trên cơ sở ấy, tăng cường tính công khai, minh bạch và mở ra văn hoá đo lường hiệu quả. Tránh những hô hào, tuyên bố, khẳng định chung chung, thiên về phẩm chất - thành tích cá nhân chẳng liên quan, thiếu về hành động - đóng góp cụ thể cho tổ chức. Thực tập phát biểu những mục tiêu, kế hoạch một cách đo lường được, hành động được thay vì chỉ là những tính từ hay danh từ sáo rỗng không thể đo lường hay kiểm chứng được.

    Tại một tổ chức kết nối doanh nhân trên cơ sở hỗ trợ bán hàng lẫn nhau và giúp nhau, hoạt động của các chi hội và của từng thành viên được đo bằng hệ thống đo lường khá hiệu quả. Từng tuần, số lượng người tham dự, số lượng và giá trị giới thiệu bán hàng,… được theo dõi và báo cáo. Và do hội phí tham dự là rất cao, hội viên sẽ không tham dự tiếp khi không thấy giá trị được bảo đảm, nên số lượng hội viên này sẽ là tiêu chí chủ yếu và khách quan để quyết định hiệu quả làm việc của chi hội và chi hội trưởng trong nhiệm kỳ 6 tháng của họ.

    Cơ chế kiểm soát - giám sát cũng cần được chú trọng và đầu tư một cách thực chất. Cả ở từ bên trong như một văn hoá, lẫn từ bên ngoài như một một cơ chế kiểm soát - giám sát khách quan. Không để đến cuối năm hay cuối kỳ mới yêu cầu làm kiểm toán hay làm báo cáo: phát hiện, ở thời điểm đó, sẽ khó tìm thấy; nếu có thấy thì cũng không chính yếu; và nếu có nghiêm trọng thì cũng không còn khắc phục được nữa rồi. Kiểm soát hay giám sát là để tránh việc không như ý diễn ra, chứ không để giải quyết hậu quả của nó.

    Tại JCI Việt Nam, có một vị trí trong Ban chấp hành chỉ để đảm nhiệm một việc duy nhất: bảo đảm mọi việc được thực hiện đúng quy chế. Vị trí này có thể được quyền yêu cầu dừng cuộc họp, phủ quyết những ý kiến hay quyết định sai nguyên tắc. Vị trí này vừa hoạt động vừa với chức năng tham mưu, vừa với chức năng giám sát kiểm soát.

    Kết luận

    Đối với các tổ chức xã hội, dân chủ không phải là mục tiêu, nó chỉ là một cứu cánh. Mục tiêu của tổ chức là đem lại quyền lợi ngày càng nhiều cho hội viên. Quyền lợi đó, trong một số tổ chức, không bao gồm dân chủ. Do đó, cần tránh dân chủ theo thời thượng hay dân chủ tràn lan mất phương hướng.

    Dân chủ không phải là một khẩu hiệu để gào thét đòi hỏi, không phải là một quyền để muốn dùng hoặc không, mà nó là một trách nhiệm thực sự đối với người tiếp nhận quyền ấy. Và do vậy, cần từng bước chuẩn hoá cơ cấu tổ chức, thống nhất quy định trách nhiệm, quyền hạn và những ràng buộc giữa quyền và nghĩa vụ để bảo đảm dân chủ thực chất.

    Dân chủ chỉ được cần tới như một cơ chế để giúp tổ chức phát triển bền vững và ổn định hơn mà thôi. Cơ chế này giúp tổ chức phát huy năng lực tự chủ của các bộ phận, và khai thác tốt năng lực và nhiệt huyết của những người tham gia. Vì tổ chức xã hội là hình thức gắn kết không bền vững, nên vai trò của dân chủ càng trở nên quan trọng hơn trong việc gắn kết mọi người với tổ chức, đoàn kết các thành viên và tạo ra giá trị cho xã hội.

    Việt Nam chúng ta đang trên con đường hội nhập khu vực và toàn cầu. Rất nhiều biến động kinh tế xã hội đang và được dự đoán là sẽ xảy ra. Vai trò của các tổ chức xã hội là cần thiết để phục vụ cho lộ trình đúng đắn ấy của dân tộc. Phát huy tốt dân chủ sẽ tạo nền tảng vững vàng và bản lĩnh giúp các tổ chức xã hội hoạt động hiệu quả, bền vững, đúng hướng và đóng góp vào bước tiến của dân tộc.

    Chúc cho những bước tiến ấy mạnh mẽ và thành công!

    Chúc cho dân tộc Việt Nam chúng ta trường tồn và hạnh phúc!

    1.10.2014
    Trần Bằng Việt
    Bài viết nhân dịp Đại hội Doanh nhân Trẻ Tp HCM 2014. Hôm nay nhân dịp Facebook nhắc nên post lại nguyên văn không chỉnh sửa để mọi người cùng đọc vì thấy có nhiều ý có ích cho những người quản lý tổ chức, quản lý doanh nghiệp.
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...