DINNER INTERVIEW

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Liberty, 27/11/17.

  1. Liberty

    Liberty Member

    Nhiều khi đi nhà hàng nhưng không phải để ăn mà để làm một việc khác quan trọng hơn ăn. Như để dự một cuộc phỏng vấn chẳng hạn.

    Tại sao lại lựa chỗ ăn uống để phỏng vấn? Câu trả lời là vì trong lúc ăn uống hay vui chơi giải trí con người thường bộc lộ ra hết những cá tính, đặc điểm, những thứ mà trong một cuộc phỏng vấn thông thường sẽ không bao giờ thấy được. Đó là lý do mà nhiều sếp lớn hay mời ứng viên tiềm năng cho các vị trí quản lý cao cấp đi ăn cơm tối trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

    Cho nên đi ăn trong trường hợp này cũng cần phải chuẩn bị cẩn thận y như đi phỏng vấn. Mặc quần áo gì, phong cách ra sao cũng cần phải cân nhắc để phù hợp với hoàn cảnh, với “gu” của sếp.

    Nếu sếp tương lai của mình là người có vẻ cổ điển - “kính cổng cao tường”, thì chắc sẽ không có ấn tượng tốt lắm đối với những người có cách ăn mặc cách tân, điệu đàng. Hoặc ngược lại. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, còn bao nhiêu thứ linh tinh khác mà người đi tìm sự chu đáo có thể cân nhắc.

    Vào đến nhà hàng, chọn món gì trên thực đơn coi vậy mà cũng cần một chút lưu ý, tinh tế. Ví dụ, nên tránh kêu những món thuộc loại khó ăn, gặm xương, khó gắp vì nó dễ làm cho mình lúng túng, vụng về. Những món quá đắt tiền trên thực đơn cũng vậy, nên tránh xa vì mục đích chính của bữa ăn là cuộc phỏng vấn chứ không phải là ăn cho ngon, cho đã. Và đối với các món khai vị thì nên thận trọng quan sát xem chủ tiệc hay người phỏng vấn mình có gọi hay không, nếu người ta không ăn thì mình cũng không ăn.

    Bia rượu cũng vậy, nếu chủ tiệc không uống thì mình cũng không uống. Thậm chí nhiều khi được mời cũng không nên uống, và đối đế có uống thì chỉ uống ở mức tối thiểu, chừng mực. Vì uống nhiều bia rượu chỉ làm mình nói ra những điều đúng ra không nên nói.

    Tuy vậy, nếu sở hữu một vốn kiến thức về rượu có khi là một điểm cộng, và ngược lại nếu bạn “mù chữ” hoàn toàn về khoản này thì có khi là một điểm trừ. Tôi biết có người đối phó nhanh bằng cách chạy đến nhà hàng mà mình sẽ ăn, tìm cách chụp vài pô danh sách rượu để về nhà nghiên cứu trước.

    Đối với các nhà hàng Tây thuộc loại cao cấp, sang trọng thì phần set-up bày biện ly-chén-dĩa-dao nĩa trên bàn đôi khi cũng làm mình choáng! Dĩa thì hai ba loại, dao, nĩa hai ba cây, ly lớn ly nhỏ đủ cỡ. Cũng may mà thời buổi bây giờ thông tin gì cũng có đầy trên mạng, nên chỉ vài cú nhấp chuột là có thể biết ngay công năng cụ thể của từng món đó.

    Nhưng biết là một chuyện, còn nhớ được hay không là chuyện khác. Sau đây là mấy nguyên tắc nho nhỏ có thể giúp bạn tự cứu mình một khi quên bài:

    Nếu trên bàn đặt sẵn nhiều loại dao, muỗng, nĩa thì cứ sử dụng từ ngoài vào trong cho mỗi món ăn đưa ra.
    Dĩa nhỏ đựng bánh mì lúc nào cũng nằm bên trái, còn ly nước và các ly rượu chát lúc nào cũng nằm bên phải. Đừng bốc nhầm ly hay dĩa của người kế bên!
    Nếu mấy nguyên tắc cơ bản nhất mà cũng quên thì áp dụng nguyên tắc này: Ngồi yên quan sát, chờ chủ tiệc làm gì thì mình làm y chang là chắc ăn!

    Còn sau khi ăn xong, một điều cần lưu ý là đừng bao giờ xỉa răng ngay trên bàn ăn, một thói quen xấu và khá phổ biến ở các nước Châu Á. Nếu kẹt quá thì hãy làm việc đó trong toilet! Phụ nữ đánh son trang điểm lại sau bữa ăn cũng vậy, cũng cần đi vào bên trong hậu trường mà làm. Đừng làm ngay trước mặt khách.

    Cuối cùng, đừng bao giờ nhảy ra giành tính tiền hay chia tiền với chủ tiệc vì đây là một cuộc phỏng vấn chứ không phải một buổi ăn ngoài đúng nghĩa. Chỉ cần cảm ơn một cách chân thành và khi về nhà thì đừng quên viết thư hay email cảm ơn một lần nữa.

    Bức thư cảm ơn này phải cho thấy sự trân trọng và hào hứng đối với một cơ hội quí giá mà người ta đang cân nhắc để trao cho mình. Biết đâu nó chính là yếu tố quyết định cuối cùng.

    Lý Quí Trung
    Từ Sydney
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...