KHỞI NGHIỆP: NÊN CHỌN BẠN THÂN?

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Ẩn Danh, 4/9/17.

  1. Ẩn Danh

    Ẩn Danh Member

    “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

    Thân gửi các Anh Chị Em (ACE) trong cộng đồng “Quản Trị và Khởi Nghiệp”
    Theo dõi các bài viết trong trang này mình thấy đây là một sân chơi hữu ích các ACE đã và đang trên con đường tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Vì thế mình xin mạo muội chia sẻ câu chuyện “Khởi Nghiệp Thất Bại” của mình. Hy vọng ACE có thể rút ra được phần nào kinh nghiệm thất bại để có thể tránh cho việc “khởi nghiệp” của mình.

    Năm 2007 lúc mình đang điều hành thuê cho một doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đồ gỗ, là một công ty cổ phần với 4 nhà máy nằm rải Miền Trung và Bình Dương. Và cũng năm đấy, để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi là chuyển gia đình về định cư tại Đà Nẵng để sống với Ba Mẹ đã lớn tuổi. Thế là mình tìm kiếm cơ hội để khởi nghiệp tạị Đà Nẵng với mong muốn nếu thành công thì sẽ chuyển về Đà Nẵng sinh sống và làm việc. Quá trình khảo sát thị trường và đánh giá các cơ hội thì mình chọn lĩnh vực phân phối bán lẻ kiêm thi công nội thất các sản phẩm liên quan đến hàng ngoại thất (outdoor furniture). Vì chọn phương án giảm rủi ro (duy trì thu nhập hiện tại), mình vẫn giữ công việc Giám đốc điều hành thuê cho doanh nghiệp trong Sài Gòn nên mình tìm một đối tác khác để thành lập doanh nghiệp chung. Để tìm được đối tác tin cậy, mình chọn một người bạn thân học phổ thông để cùng khởi nghiệp. Mình chọn bạn than vì suy nghĩ bạn có background về sales trong các doanh nghiệp lớn như Unilever và cần người tin cậy để có thể không cần tham gia điều hành từ xa. Anh bạn mình rất thân vì đã từng chia sẻ cùng nhau những khó khăn thời kham khổ, hiểu nhau trong cuộc sống (thực ra công việc thì mình chưa hiểu hết năng lực và tố chất cần có của một doanh nhân từ anh bạn này). Thế là tụi mình cùng nhau khởi nghiệp.
    Thời gian đầu mình chỉ mỗi tháng bay ra Đà Nẵng 1 lần để kiểm tra và theo dõi công việc, hỗ trợ khi cần vì đa số các kênh quan hệ là của mình. Phân khúc thị trường chiến lược mình chọn là các resorts nằm trên dọc biển từ Đà Nẵng kéo dài đến Hội An và các khu vực trong nước. Kế đến là các khu biệt thự đang phát triển rầm rộ tại Đà Nẵng lúc bấy giờ. Mình xác định thời gian lỗ cho phép là không quá 1 năm và năm thứ 2 thì doanh công ty sẽ phải tự nuôi lấy bản thân. Thế là hàng tháng mình gửi tiền về để trang trải chi phí lương, chi phí hoạt động v.v…

    Trong năm đầu tiên tình hình có vẻ đi đúng quỹ đạo mình dự tính và cũng tràn trề hy vọng sẽ thành công. Đến năm thứ 2 thì tình hình kinh doanh bắt đầu bộc lộ những khó khăn cả khách quan và chủ quan. Về khách quan thì cái khó đầu tiên phải kể đến là mình đánh giá sai môi trường kinh doanh, cụ thể là văn hoá tiêu dùng ở địa phương dẫn đến việc sai lầm trong việc xây dựng chiến lược thị trường. Ai đã từng có cơ sở ở Sài Gòn và đầu tư kinh doanh ở Đà Nẵng sẽ hiểu được điều này rất rõ. Một là phải có quan hệ để có thể “chỉ định” việc mua hàng. Hai là việc bán lẻ vô cùng khó khăn bởi người tiêu dùng địa phương ở đây ra quyết định mua một món hàng là vô cùng khó khăn. Người ta phải so sánh giá nhiều nơi, nhiều lần trả giá và chỉ cần lệch giá một chút là quyết định mua hàng đã thay đổi.
    Đối với kênh bán hàng dự án, năm 2008-2009 tình hình kinh tế khủng hoảng trầm trọng khiến hàng loạt dự án resort đắp chiếu, không có tiền thanh toán cho nhà cung cấp. Mình đã sử dụng nguồn thu nhập là lương từ công việc điều hành thuê để gửi về trang trải chi phí cho doanh nghiệp. Anh bạn thân mình khi gặp khó khăn đâm ra chán nản bởi doanh thu không đủ chi phí trang trải và phải dựa vào nguồn tài chính mình xử lý mà tồn tại. Bạn mình vốn là một sales giỏi ở Uniliver và các công ty phân phối hành tiêu dung danh tiếng. Tuy nhiên, một giám đốc sales ngồi ở vị trí giám đốc điều hành sẽ vô tình làm cho tình trạng trở nên tệ hơn bởi trọng số đặt nặng ở doanh số chứ không phải là kiểm soát chi phí và lợi nhuận. Năm thứ 3 doanh số tốt hơn các năm trước nhưng lợi nhuận tiếp tục âm và mình vẫn phải tiếp tục “bơm” tiền về để giúp công ty trụ tiếp. Năm 2009 là năm khủng hoảng, áp lực nặng lên vai cho những giám đốc điều hành thuê bởi doanh số giảm sâu, mất khác, thì trường khó khăn. Mình vừa gánh áp lực cho doanh nghiệp mình làm thuê và còn phải lo cho “đứa con ruột” của mình ở Đà Nẵng. Có thể nói là vô cùng căng thẳng và mệt mỏi bởi những áp lực. Vì là người điều hành thuê nên mình hiểu được việc tôn trọng và phân quyền cho người điều hành. Vì thế mình cũng rất tôn trọng anh bạn mình và chỉ can thiệp vừa phải vì một phần sợ bạn buồn, bạn tự ái. Còn anh bạn mình thì khi gặp khó khăn thì lại chán nản, say xỉn để tìm sự bình an trong những cơn say và hay quát tháo nhân viên. Nhân viên nản và không tôn trọng giám đốc mà chỉ thích làm việc trực tiếp với mình. Tình trạng bế tắt kéo dài gần 6 tháng trời và sức hịu đựng của mình về tài chính lẫn tinh thần cũng có giới hạn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, mình quyết định “đóng cửa giấc mơ” và bàn bạc với anh bạn đến việc đóng cửa công ty. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn vì nó vừa triệt đường hồi hương của mình và đẩy anh bạn mình vào một tình huống thất nghiệp. Thất nghiệp đối với mình và anh bạn mình không quan trọng bằng cảm giác “thất bại” vì khi khai trương công ty, một buổi lễ khá hoành tráng đã diễn ra ngược với kết quả hoạt động sau gần 4 năm của nó. Một quyết định dẫu biết như cắt đi phần da thịt của mình nhưng để cứu một cơ thể thì dù đau đớn mình vẫn phải làm và mình đã làm.

    Vấn đề ở đặt ra trong câu chuyện “khởi nghiệp” mà mình muốn chia sẻ ở đây là gì?
    Khi quyết định chọn anh bạn thân làm đối tác khởi nghiệp mình đã không tiên lượng được những vấn đề trong quan hệ, trong điều hành doanh nghiệp, trong việc can thiệp bởi vừa sợ bạn tổn thương, không dám “làm căng”. Còn việc nữa là không thể chia đôi sự tổn thất vì mình biết khả năng tài chính của mình tốt hơn bạn lúc đó. Có nhiều chi tiết mình không tiện chia sẻ ở đây nhưng có thể nói là mình nhận về phần mình những thiệt thòi. Mục đích của việc này là giúp bạn và nếu mình làm “thẳng tay” như một đối tác bình thường thì chắc chắn một điều là mình sẽ đánh mất tình bạn đẹp đẽ mà không dễ có được. Vậy đó, hoặc tiền hoặc bạn. Mình đã chọn giữ lấy bạn và nhận lấy một bài học cho riêng bản thần mình.
    Vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ khi quyết định chọn đối tác để cùng khởi nghiệp. Nếu là bạn thì hãy rõ ràng ngay từ đầu bằng quy định và văn bản để tránh những khó xử khi gặp chuyện.

    Rút kinh nghiệp từ bài học “chung chạ”, giờ đây, doanh nghiệp riêng của mình dù nhỏ nhưng chỉ của riêng mình, có thể dồn tâm huyết và điều hành theo cách mình muốn mà không ngại va chạm với ai và cũng chẳng cần báo cáo cho ai. Cuộc sống của mình hiện nay có được niềm vui và tự chủ trong công việc nên nó nhẹ nhàng và đi theo hướng mà mình mong muốn. Rất hài lòng là mình đã chuyển gia đình về Đà Nẵng sinh sống như kế hoạch và doanh nghiệp mới của mình vẫn hoạt động theo một mô hình “đặc biệt” tại Sài Gòn. Chỉ mỗi tháng phải đôi ba lần bay vào Sài Gòn vừa ghé văn phòng vừa cà phê với những người bạn Sài Gòn để giữ cái nhịp công việc năng động của Sài Gòn.

    Vậy vấn đề đặt ra là: Nên hay không nên khởi nghiệp cùng bạn thân? Có thể mỗi người một ý tùy hoàn cảnh nhưng theo mình thì có mấy ý sau đây. Nếu là bạn thân thì phải:

    1. Chọn lựa người bạn nào có năng lực, kiến thức sở trường trong ngành hang mình định khởi nghiệp, có thể ở mảng “sản xuất” hay bán hàng.
    2. Giỏi chịu áp lực, giỏi chịu đòn để “gồng gánh” khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn.
    3. Là người có tư duy mở và sẵn sàng tìm giải pháp hợp tác “win-win”.
    4. Khả năng tài chính tương đồng là tốt để có thể giảm áp lực cho bên còn lại.
    5. Quan trọng nhất là một bản quy định thống nhất rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn chi tiết của mỗi thành viên đồng sáng lập và làm ngay từ đầu, hai bên cùng đọc kỹ, điều chỉnh đến khi thống nhất. Và sau khi đã thống nhất thì cứ thế mà tuân thủ. Đây là điểm mấu chốt để đối tác có thể cùng thụ hưởng thành quả cùng nhau nhưng khi khó khăn thì cũng chia sẻ những tổn thất trong trạng thái thoải mái và duy trì được mối quan hệ tình thân.

    Mình đã chứng kiến nhiều trường hợp bạn bè hợp tác làm ăn và sau một thời gian thì mạnh ai nấy làm và kết thúc mối quan hệ hợp tác lẫn tình bạn dù ngày xưa vô cùng thân ái. Có được một đối tác là bạn thân hợp tác tốt thì sẽ tăng được năng lực của doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đi xa hơn nhờ tựa vào nhau. Tuy nhiện, chọn sai đối tác thì việc “đứt gánh giữa đường” là điều không tránh khỏi.

    Chúc các bạn khởi nghiệp chọn được đối tác phù hợp để cùng đưa ước mơ mình đi xa hơn .
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...