Cốt lõi của niềm tin không phải do thủ thuật, mà đến từ tính cách

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Y Dược, 10/7/17.

  1. Y Dược

    Y Dược Member

    "Cốt lõi của niềm tin không phải do thủ thuật, mà đến từ tính cách. Chúng ta được tin tưởng bởi cách chúng ta sống, không phải vì vẻ ngoài bóng bẩy hay phương pháp giao tiếp chuyên nghiệp". (Marsha Sinetar)

    [​IMG]

    Làm thế nào trong 20 năm, từ 1990 đến 2016, chị Khanh và chị Mỹ - hai người phụ nữ hơn 40 tuổi, không biết kinh doanh, lại có thể gây dựng nên một doanh nghiệp xã hội Mai Vietnamese Handcraft (gọi tắt là MVH) với 22 nhân viên, có doanh thu ít nhất 1 triệu USD/năm?

    Câu trả lời mà chị Khanh và chị Mỹ lặp đi lặp lại đơn giản đến không thể tin nổi. Chỉ là hai chữ "niềm tin".

    *Trích từ cuốn THÀNH CÔNG THEO CÁCH KHÁC -
    xuất bản bởi CSIP và NXB Phụ nữ

    --------------------

    Bắt đầu từ dự án dạy nghề thủ công cho trẻ em cơ nhỡ

    Những năm 90, tại Sài Gòn, nhiều gia đình xách đồ đạc, rời thành phố, về nông thôn làm kinh tế mới; hoặc trở về quê để lao động theo chủ trương của nhà nước.

    Nhưng bắt đầu cuộc sống mới tại nơi xa lạ không hề dễ dàng. Cô đơn, cơ cực, vất vả bủa vây lấy họ. Từ một chốn nhộn nhịp họ đối mặt với thị xã hoang vắng, thửa đất hoang mênh mông, bạt ngàn cỏ dại không trồng trọt được của vùng kinh tế mới, nhiều người không thích nghi được. Trụ được vài năm, họ từ bỏ, trở về Sài Gòn tìm đến nơi mình từng ở xưa kia hỡi ôi cảnh xưa vẫn còn đó nhưng mái nhà che mưa che nắng không còn đâu nữa. Đã thế công ăn việc làm cũng không có, họ phải sống trong những căn nhà tạm bợ để một lần nữa bắt đầu lại cuộc đời. Một ngôi nhà bé xíu, vài gia đình chen chúc. Thậm chí có người ra ở vỉa hè. Không nhà, không tiền, trẻ em cũng bỏ học đi lượm ve chai, bán vé số, bán bong bóng...

    Vì thế, đầu những năm 90, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm trẻ lang thang trên đường phố Sài Gòn. Có các em nằm ngủ trên bệ cửa của một ngôi nhà mặt phố. Có em ôm một cái cân đi lang thang đường phố, kiếm tiền để mưu sinh. Có những "đội quân" ăn xin lóc nhóc 8, 10 tuổi xuất hiện trong công viên. Cảnh những đứa trẻ gầy tong teo, đen thui, quần áo xộc xệch rách rưới, tóc tai bẩn thỉu cười giỡn trên đường phố đã lọt vào ống kính của nhiều nhiếp ảnh gia, có cả người nước ngoài.

    Nhìn thấy hình ảnh đó, Nhà nước đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành Phố, Phòng nghiên cứu Công tác Xã hội cùng với Quỹ bảo trợ Nhi đồng làm các cuộc nghiên cứu cộng đồng và môi trường sống tại phường 9, quận Phú Nhuận để có giải pháp giúp đỡ các em.

    Chị Khanh và chị Mỹ lúc đó là hai nhân viên thuộc phòng Nghiên cứu Công tác Xã hội. Cùng với Uỷ ban nhân dân phường, hai chị mở lớp học tình thương, tìm nguồn tài trợ, tổ chức cho các em những trò vui chơi giải trí. Lớp học lố nhố những đứa trẻ cơ nhỡ đủ lứa tuổi, 9 tuổi có, 12 tuổi có. Không biết đọc, không biết viết, các em không thể vào được trường tiểu học bình thường. Cùng với bốn người bạn khác, hai chị nghĩ ra cách tổ chức "Lớp dạy nghề", bày ra những món hàng nhỏ, dạy cho các em làm. Thực chất là một phương pháp đưa các em vào nề nếp, từ đó mọi người tiếp xúc được với các em, từ từ dạy các em, giúp các em hình thành nhân cách.

    Ban đầu mục tiêu của chương trình từ 1990 đến 1993 là chăm sóc trẻ em bỏ học, giúp tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo. Mọi người chỉ dạy các em làm những còn búp bê nho nhỏ, mang dấu ấn Việt Nam. Sau đó hai chị tìm cách vận động quầy lưu niệm của khách sạn, nhà nghỉ để mua sản phẩm, để lấy tiền trả công cho các em. Mọi người muốn các em lao động để có tiền, chứ không làm từ thiện bằng cách đưa tiền trực tiếp.

    Lăn lộn vào thực tế, hai chị nhận ra, mấu chốt nằm ở cha mẹ các em. Lứa tuổi 9 đến 12 chỉ nên học hành là chính chứ không phải làm việc. Nhưng cha mẹ bắt các em phải đi khắp mọi nơi kiếm tiền. Còn họ thì thường xuyên gây gổ, uống rượu, đánh bài. Chương trình quyết định chuyển hướng, để các em đến Trung tâm nhận hàng về, chỉ cho bố mẹ cách làm đồ thủ công, nếu mẹ may đồ thì bố cắt chỉ để từ đó gia đình gắn bó với nhau hơn. Một điều rõ ràng là bố mẹ hạnh phúc hơn thì cuộc sống của các em cũng tươi sáng hơn.

    Để mở rộng ra, hai chị tìm những nhóm sản xuất nhỏ mà họ không có điều kiện tiếp cận thị trường để tư vấn họ làm ra những vật dụng có thể mang lại thu nhập. Rồi đi tìm những nguồn cung cấp khác, tìm những người có tay nghề ở vùng nông thôn có nguyên liệu sẵn để làm ra sản phẩm thủ công chào bán cho các khách. Nhóm làm thủ công đầu tiên ở Sài gòn tên là "Mai", vì thế mọi người gọi dự án của các chị là "Cửa hàng Mai".

    Khi mới bắt đầu, "Cửa hàng Mai" chỉ là một dự án xã hội thuần tuý, hoàn toàn không định kinh doanh. Mọi người biết hoàn cảnh nghèo khó của các em, chỉ muốn giúp, làm được cái gì thì làm, không tâm đến lợi ích cho bản thân mình. Tiền bán hàng chỉ dùng để trả cho các em mưu sinh. Hai chị viết đề án "Cửa hàng Mai" gửi ra ngoài Bắc để xin hỗ trợ. Cuối cùng, chị nhận được 3000 USD, chỉ trong 3 năm. Tại thời điểm đó, 3000 USD là một con số cực kỳ lớn.

    Suýt đóng cửa

    Khi tỉnh dậy giấc mơ sẽ biến mất, thay vào đó là hiện thực ngay trước mặt, hiện thực của nhóm đó là họ không biết tí gì về kinh doanh cho nên dù có cố gắng bao nhiêu thì họ vẫn không đủ tiền để trả lương cho người làm.

    Họ đã mắc những sai lầm gì?

    Không hiểu tâm lý khách hàng là sai lầm thứ nhất chị Khanh và chị Mỹ mắc phải. Hai chị không biết, hàng thủ công để khách nước ngoài mua về phải bé, họ bỏ vừa vali thì họ mới mua những "Cửa hàng Mai" lại làm những con thú nhồi bông to đùng. Cạnh tranh trong nước thì không lại; xuất khẩu thì không được; trưng bày khách không mua. Giờ bán cho ai?

    Không biết buôn bán là sai lầm thứ hai. Chị Khanh và Mỹ mang hàng ra chợ gửi bán những hai chị không biết cách nào để trở nên dữ dằn, nên mối chợ qua mặt, bán hết xong không trả tiền lại cho chị. Không những không thu được lời, mà mất hết vốn. Cứ như thế, sau 3 năm buôn bán, các chị lỗ 2100 USD, chỉ còn 900 USD tiền vốn.

    Không am hiểu ngành nghề là sai lầm thứ ba. Sản phẩm của "Cửa hàng Mai" chỉ quanh quẩn với những nón mây, nón lá đã cũ của Việt Nam. Cửa hàng không có người thiết kế sản phẩm. Hai chị không biết vận hành một công việc kinh doanh, càng không biết hợp tác với ai để ra hiệu quả.

    Mọi người nản chí. Làm hoài làm mãi, nhưng lãi không có, phải làm sao đây? Còn mấy đứa nhỏ đang làm hàng thủ công, các chị không có đủ tiền trả lương đàng hoàng, làm sao chúng sống được? Chắc phải bỏ cuộc thôi, hai chị nói với nhau, miệng thì cười nhưng trong lòng tan nát.

    40 tuổi, học vẫn chưa muộn

    Đôi khi trong những lúc khó khăn nhất, chúng ta nghĩ mọi thứ đã chấm dứt rồi. Kỳ thật, chuyện mới chỉ bắt đầu. Trường hợp này hoàn toàn đúng với "Cửa hàng Mai".

    Khi sắp bỏ cuộc, các chị tình cờ gặp một doanh nhân người Canada. Ông ta gặp gỡ, hỏi han chị Khanh và chị Mỹ. Ông hỏi: "Tại sao lại đặt giá như thế này?". Chỉ cần nghe hai chị đáp qua, ông biết ngay: "Hai người mù tịt về kinh doanh, không hiểu một chút gì hết". Ông bảo hai chị phải học quản trị doanh nghiệp và hãy qua Thái Lan - thiên đường của đồ thủ công mỹ nghệ xem sao.

    Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, khả năng nhận thức của con người giảm dần theo tuổi tác. Do đó, càng lớn tuổi, việc học sẽ càng khó khăn. Thế nhưng, ở độ tuổi 40, lần đầu tiên chị Khanh và Mỹ xách cặp đi học cách quản trị doanh nghiệp.

    Những người bạn làm ở những tổ chức phi chính phủ khác khuyên rằng: "Phải biết thị trường người ta muốn gì". Khi đó ngoài Bắc đang có chương trình huấn luyện cho các NGO chuyên làm sản phẩm thủ công đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Họ tài trợ tiền vé máy bay đi về để hai chị ra Bắc học.

    Sau đó họ hỗ trợ cho các chị sang Thái Lan. Những năm 1990 thị trường Việt Nam về hàng thủ công rất nghèo. Chỉ có sơn mài, mây tre đan, với mấy hàng bạc, quế, từng món hàng chút xíu, bán lẻ tẻ ngoài đường. Khi đến Thái, hai chị mới hiểu được lời cô Nguyễn Thị Oanh nói: "Các em cứ ráng đi, chị thấy thế giới họ làm nhiều lắm, sẽ có đường ra, mình phải cố gắng". Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ vô cùng lớn. Sản phẩm tại Thái Lan có đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Trở về Sài Gòn, các chị thay đổi kiểu dáng, bổ sung sản phẩm mới vào "Cửa hàng Mai".

    Bắt đầu có khách đặt những lô hàng giá trị lớn một chút. Họ nghĩ lớn, họ dạy hai chị phải mở đầu óc ra. Họ đòi ý tưởng lạ. Họ mang những mẫu mới tới. Họ muốn sự kết hợp độc đáo hơn. Ví dụ như họ thấy chiếc giỏ lát mà dân quê hay cầm đi chợ rất hay nhưng kiểu dáng xấu quá, họ hỏi rằng có thể làm kiểu giỏ lát gọn gàng, có giấy xếp trang trí không? Có mẫu không, đưa cho họ xem?

    Vấn đề là người sản xuất của "Cửa hàng Mai" không muốn làm hàng mẫu. Với họ, nghề thủ công chỉ là ngành phụ. Sau vụ nông nhàn, giờ rảnh rỗi họ mới đan lát để kiểm thêm tiền. Đã thế làm ra mẫu mới ra một lần rất cực, lại không biết khách có mua hay không. Mỗi khi nhìn thấy kiểu dáng mới toanh, họ đều hỏi chị: "Đặt bao nhiêu hả cô?". Hai chị làm sao biết được? "Cửa hàng Mai" chỉ đang chào hàng. Sản phẩm mình có đẹp thì khách mới mua nhiều.

    Hai chị nghĩ cách thuyết phục bên sản xuất bằng cách chấp nhận trả tiền công. Làm mẫu mới, họ mất 10 ngày công, hai chị trả tiền 10 ngày công. Nếu bán được hàng, họ có đơn lớn, họ trả lại tiền 10 ngày đó cho "Cửa hàng Mai". Nếu không bán được, coi như "Cửa hàng Mai" mất tiền công 10 ngày cho họ. Đằng nào người sản xuất cũng chẳng thiệt thòi gì, nên họ chấp nhận. May mắn thay, người sản xuất chịu khó, sau khi mày mò làm ra được những mẫu đẹp, khách ưng nên "Cửa hàng Mai" bán được rất nhiều.

    Năm 1995 là bước ngoặt của "Cửa hàng Mai" khi hai chị quyết tâm thay đổi hướng đi, làm mới mẫu mã. Ban đầu, nỗi sợ thất bại vẫn bủa vây. Nhận được đơn hàng trị giá 2000 USD, các chị đến mất ăn mất ngủ, không biết làm sao mà xuất hàng đi được. Nhưng sau đó hai chị thấy rằng mình làm được, nhóm thủ công cũng làm được. Mọi chuyện dần trở nên tốt đẹp hơn khi các chị có được những đồng lãi đầu tiên.

    Không phải là đi từ thiện!

    Doanh nghiệp xã hội có phải là đang làm từ thiện hay không? Bởi vì họ mang tiền vào đầu tư một thứ mà khách hàng không quan tâm, đó là chất lượng sống của người nghèo. Cũng vì mang tính chất xã hội cho nên dẫn đến việc chi phí mà doanh nghiệp xã hội chi trả cao hơn, khả năng cạnh tranh lại kém đi. Đó có phải là con đường nên đi?

    Lúc đầu hai chị cũng nghĩ rằng mình đang làm tiền từ thiện. Nhưng thực tế thì không phải vậy, khách hàng chỉ mua sản phẩm họ thích, thấy hàng đẹp hàng rẻ thì chọn, chứ không phải ai cũng nghĩ đến người sản xuất ra nó có nghèo hay không, có sống trong môi trường sạch sẽ hay không.

    Đến năm 2014, doanh nghiệp xã hội chính thức đi vào luật và được quy định tại điều 10, Luật Doanh nghiệp 2014, với cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Thế nhưng, doanh nghiệp xã hội bản chất vẫn là một công ty với nghĩa vụ thuế phải thực hiện đầy đủ, chứ không phải tổ chức từ thiện. Tự bản thân sản phẩm của công ty phải thật tốt mới trụ vững được giữa thị trường đầy cạnh tranh. Mọi người yêu mến giá trị thực của sản phẩm chứ không phải vì "từ thiện".

    Bước ra thế giới nhờ "Thương mại công bằng"

    Năm 1994, các chị biết đến "Thương Mại Công Bằng" (World Fair Trade Organization - WFTO).

    Tiền thân của WFTO là Liên đoàn Quốc tế về Thương mại Thay thế (International Federation of Alternative Trada - IFAT) được thành lập từ 12/3/1989, tại Hà Lan. Mục đích của liên đoàn là ủng hộ sự công bằng trong thương mại. Đến năm 2008, tại Sri Lanka, IFAT đổi tên thành Tổ chức Thương mại Công bằng. Cái tên mới thể hiện rõ mục tiêu của tổ chức là thay đổi sự bất công đang hiện hữu trong thương mại quốc tế, cải thiện cuộc sống đang ngày một khó khăn hơn của những công nhân và nhà sản xuất, đặc biệt là ở đặtvùng Nam bán cầu. Trụ sở của WFTO đặt tại Culemborg, Hà Lan. Cho đến nay, Tổ chức "Thương Mại Công Bằng" đã có hơn 370 thành viên ở hơn 70 quốc gia.

    Công ty Mai Vietnamese Handicraft là một trong số đó. Để vào được WFTO, các chị phải có người giới thiệu, đóng một khoản phí hội viên và thoả mãn 10 tiêu chí của WFTO, gồm: công khai, minh bạch, trả lương ít nhất đủ sống cho người sản xuất, cải thiện bình đẳng giới, bảo đảm điều kiện làm việc không độc hại, bảo đảm sức khoẻ cho người sản xuất, tôn trọng quyền trẻ em theo Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc...

    Các chị biết thư giới thiệu về MVH, nói ra mục đích của MVH là trả lương để giúp cho những gia đình nghèo, và lưu giữ nghề thủ công truyền thống. Sau đó, WFTO cử người tới công ty, tới các nhóm sản xuất của MVH để kiểm tra, đánh giá, báo kết quả. Họ cho các chị một khoản thời gian hoàn thiện trước khi kiểm tra lần hai. Kết quả đánh giá có ba mức, tượng trưng bởi 3 màu: xanh là tốt, vàng và cam là có vấn đề cần chỉnh sửa, đỏ là gặp vấn đề.

    Không phải lúc nào hai chị cũng giữ được màu xanh cho MVH, đã có nhiều vấn đề xảy ra. Hơn ai hết các chị hiểu rõ rằng tiền bạc là thứ giải quyết được nhưng ý thức của người sản xuất mới là chuyện khó, thí dụ về môi trường. Để làm nguyên liệu, có những nhóm phải cưa gỗ, tre, nứa khiến bụi bay mù mịt khắp nơi. Thấy vậy hai chị muốn hỗ trợ họ, lấy tiền từ lợi nhuận của MVH mua cho họ máy hút bụi. Nhưng họ bảo: "Em làm bao nhiêu năm, có thấy ai bị lao đâu mà các cô phải sợ?". Khuyên không được thì phải ép: "Nhưng người ta (WFTO) quan tâm tới sức khoẻ của mình, thì mình phải theo. Em phải là thành viên của họ, họ mới mua hàng của em". Sau khi lắp máy hút bụi để không khí sạch hơn, hàng xóm không la lối nữa, họ mới cảm nhận được lợi ích, quay sang cảm ơn mình. Thế nhưng, khi WFTO kiểm tra, đánh giá máy chạy kêu tiếng to quá, ô nhiễm âm thanh, cũng không đạt. Hai chị phải làm sao? Thì kiểu gì cũng phải tìm cho ra giải pháp chứ làm sao. Bởi đã chọn con đường gìn giữ môi trường sống là chọn đường khó đi, ngoài nỗ lực và kiên trì thì không có cách nào cả.

    Được tin tưởng

    Hai công ty ở hai quốc gia khác nhau, chưa biết đối tác có thể tin tưởng dài lâu hay không, hợp tác lần đầu tiên. Có ai trả trước 100% ngay sau khi ký hợp đồng trị giá 5000 USD và chưa nhận hàng? Chuyện tin tưởng như vậy có lẽ chỉ xảy ra tại WFTO. Bởi hỗ trợ về tài chính là một trong 10 tiêu chí của Thương mại công bằng.

    MVH đã từng nhận những đơn trị giá 5000 USD dù công ty chưa giao hàng. Bởi vì họ biết hai chị không có vốn nên trả luôn 5000 USD để hai chị có tiền làm hàng. Đến khi công ty MVH đủ lớn mạnh rồi thì họ mới rút dần, trả trước 50%, khi nhận hàng rồi thanh toán 50% còn lại.

    Không chỉ về tiền, gia nhập WFTO, các chị còn được chính bạn hàng của mình dạy mua bán, mời qua nước khác có khoá huấn luyện làm marketing, tính toán hàng hoá... Mỗi năm họ cho MVH biết xu hướng mới của thế giới, ví như 2016 sẽ là dùng đồ tái chế, để các chị sáng tác mẫu, chọn màu sắc, làm hàng mới...

    Đến nay, 90% khách của MVH đến từ kênh Thương mại Công bằng tuy rằng bản thân trong mạng lưới WFTO vẫn có cạnh tranh. Nhiều công ty thủ công mỹ nghệ ở ngoài Bắc, Indo, Thái Lan... cũng có sản phẩm gần giống với MVH. Các chị phải làm cách chào hàng tốt để khách chọn mình, chứ không thể ngồi đó đợi may rủi. Tuy nhiên, niềm tin vẫn là điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất của Thương mại Công bằng. Chính nhờ niềm tin đó, Mai Vietnamese Handicraft đã từng bước lớn lên.

    Trao sự tin tưởng

    Chia sẻ không làm mất đi, chỉ làm tăng lên. Diều này đúng với niềm tin. Như khách giúp MVH thế nào, các chị giúp lại người sản xuất y hệt như thế. Giữa MVH và các nhóm làm hàng cũng không có quan hệ sếp - nhân viên. Mọi người tin tưởng nhau, hợp tác nhau, sống tình cảm hơn, quan tâm tới cuộc sống của nhau và hỗ trợ nhau nếu có thể. Hai chị nói với những nhóm sản xuất của mình rằng: "Khi làm mình có sự tin tưởng lẫn nhau. Chị muốn bán hàng được chị phải làm hàng thật thà. Ở đây không lừa đảo khách hàng. Khách của mình là người bạn tốt, mình không chỉ bán một lần. Thành ra bạn phải làm đàng hoàng, mình không giựt tiền của họ, mình không làm họ thiệt hại".

    Biết nhóm sản xuất không có tiền mua vật liệu, các chị giao tiền trước, nhận hàng sau. Nếu họ không có tiền, phải thế chấp nhà vay ngân hàng để xây xưởng, mua máy móc, thì hai chị sẵn sàng cho mượn không lấy lãi, trừ dần vào tiền hàng.

    Biết nhiều người không tính được giá sản phẩm, chỉ áng chừng, hai chị dạy họ cách tính để có đồng lương đủ sống. Ngoài tiền nguyên liệu, phải cộng tiền điện, nước, đổ xăng xe... để bán giá không lỗ vốn. Bên cạnh đó phải biết thị trường bán bao nhiêu để bán giá vừa phải, chứ cao quá sẽ bị ứ hàng không bán được.

    Không chỉ hỗ trợ về tiền vốn, các chị chỉ cho họ cách kinh doanh. Họ làm xưởng, hai chị không cho tiền 100% nhưng cho dụng cụ, mời chuyên gia tư vấn, chỉ cho họ biết làm thế nào thì tốt.

    Đối với những hộ quá nghèo, không có tiền cho các cháu đi học, các chị lấy dnah sách, hỗ trợ các cháu học phí.

    Điều mà hai chị muốn làm để trao sự tin tưởng để các nhóm sản xuất cũng nhau tiến bộ với MVH. Khi được hỏi những lợi ích đó có làm giảm lợi nhuận, tăng chi phí của MVH không, các chị suy nghĩ rất đơn giản: Có hỗ trợ, có tin tưởng; nhưng chị không nghĩ rằng những điều ấy tốn kém đến mức phải rút lại.

    Có thể nói, sự tin tưởng và hỗ trợ mà MVH trao đi không dựa trên lợi ích thương mại đạt được đằng sau. Đơn giản đó là cách sống của các chị mà thôi.

    Lung lay?

    Nhưng không phải ai cũng sống bằng cái tâm, không phải ai cũng ngay thẳng, chính trực. Để tin tưởng người khác, hai chị cũng phải đắn đo nhiều bởi lợi nhuận làm ra đâu có dễ dàng.

    Khách hàng của WFTO luôn thanh toán sòng phẳng, nhưng những công ty ngoài mạng lưới WFTO thì khác. Chị Khanh và Mỹ từng bị khách lấy hàng rồi quỵt tiền, ví như đơn hàng trị giá 2000 USD ở Mỹ nhưng hai chị không thể làm gì được vì công ty của đối tác bị phá sản, họ phá sản rồi thì lấy tiền đâu mà trả bây giờ.

    Có trường hợp khách hàng ở Mỹ đã làm việc lâu năm với MVH. Những năm kinh tế suy thoái, họ mua bán thua thiệt, dần dần chậm trả, rồi không trả. Năm 2016, họ xây dựng lại, muốn MVH cung cấp hàng hoá cho họ. Chị bắt họ phải trả trước 50%. Họ hứa tháng 4/2016 gửi, nhưng đến 6/2016 vẫn không thấy tiền. Lô hàng đã làm riêng cho họ cũng không bán được cho ai khác, cuối cùng là cả hai cùng mất.

    Có trường hợp nhóm sản xuất đã nhận tiền hàng nhưng hàng sản xuất không đáp ứng được yêu cầu của đối tác và bị từ chối. Lô hàng đó MVH bị lỗ toàn bộ nhưng hai chị đã trả tiền trước cho nhóm sản xuất rồi làm sao đòi được. Chỉ có cách để bạn trả góp từ từ bằng cách làm hàng cho MVH, mỗi lần giao lại trả một ít.

    Thật kỳ lạ, cho dù mất tiền cũng có, mất hàng cũng có nhưng niềm tin vào MVH chưa bao giờ mất. Hai cị vẫn tin vào khách hàng của mình, tin vào 18 nhóm sản xuất mình đang hợp tác.

    Có phải vì lý do đó, Mai Vietnamese Handicraft sau hơn 20 năm tin tưởng, từ một dự án lỗ 2100 USD trở thành doanh nghiệp có doanh thu hơn 1 triệu USD?

    Trở thành doanh nghiệp triệu USD

    Năm 2002, hai chị xin thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, hoạt động và nộp thuế theo luật doanh nghiệp, xuất khẩu trực tiếp cho bạn hàng nước ngoài chữ không qua trung gian nữa. Ngày trước, MVH xuất lô hàng lớn nhất là 10000 USD. Nhận đơn hàng 20000 USD là mất ăn mất ngủ, không biết làm sao mà xuất được hàng còn giờ lô hàng 100000 USD cũng có, 50000 USD thì nhiều lên, lô hàng 20000 USD là chuyện bình thường.

    Cho tới năm 2016, Công ty Mai Vietnamese Handicraft đã có khách hàng ở 18 quốc gia, từ châu Âu tới Mỹ. Doanh số xấp xỉ 1 triệu - 1,9 triệu USD/năm. Công ty có 22 nhân viên, hợp tác với 18 nhóm thủ công, khoảng 200 người, trải dài từ Bắc tới Nam.

    Sau hơn 10 năm làm doanh nghiệp, hai chị đúc kết lại điều quan trọng nhất trong ba yếu tố của doanh nghiệp xã hội (quản trị, đảm bảo cuộc sống cá nhân, sứ mệnh mang giá trị cho xã hội) là quản trị. Phải có đường hướng kế hoạch rõ ràng mới bắt đầu đi. Trước kia đâm đầu vào làm, hai chị dẫn mọi người đi lòng vòng suốt 3 năm vẫn thất bại. Sau này, khi học cách đi đúng, hai chị mới hiểu ra rằng, mình phải đúng trước mới dắt người ta đi đúng được. Phải biết khách hàng muốn gì, làm marketing như thế nào, thị trường đang có nhu cầu gì chưa được đáp ứng thì mới làm. Cần có kiến thức về kinh doanh trước khi bắt đầu dẫn thân vào con đường này nếu không bạn sẽ giống như tự tìm đường chết.

    Biết đủ là hạnh phúc

    Sau hơn 20 năm làm doanh nghiệp, hai chị đã trải qua không ít thăng trầm. Thế nhưng, với hai chị, hạnh phúc đơn giản là biết đủ.

    Tiền bạc có thể không quá nhiều đến mức sắm nhà, mua xe; nhưng đủ để có cuộc sống thoải mái, thế là đủ tốt.

    Doanh nghiệp không có hàng ngàn nhân viên, doanh thu nghìn tỉ, nhưng nhân viên hạnh phúc, vui vẻ, hỗ trợ nhau, thế là đủ vui.

    Bạn bè đối tác không quá nhiều, nhưng duy trì suốt nhiều chục năm, để khi rảnh rỗi mời một ly nước, kể chuyện đời, chia sẻ niềm vui với hai chị tại ngôi nhà MVH, thế là đủ hạnh phúc.

    20 năm gây dựng doanh nghiệp từ con số 0 lên doanh thu triệu USD, với hai chị có thể gọi là thành công. Nhưng hai chị vẫn đau đáu một nỗi niềm, đó là tuổi đã cao, sắp đến lúc nghỉ ngơi. Mai Vietnamese Handicraft đang tìm người nhiệt huyết với làm xã hội và đam mê ngành thủ công để kế thừa và phát triển thành quả 20 năm, nhưng duyên chưa tới. Mong rằng chị Khanh và chị Mỹ sẽ tìm được người đó trong một ngày không xa.

    NGUYỄN HỮU PHÙNG NGUYÊN

    THÀNH CÔNG THEO CÁCH KHÁC - CSIP (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng) và NXB Phụ nữ
     

    Các file đính kèm:

    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...