BÀN VỀ SỞ TRƯỜNG & SỞ THÍCH

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Khởi Nghiệp, 27/7/17.

  1. “Hãy luôn nhớ rằng bạn có trong người mình sức mạnh, sự kiên nhẫn và lòng đam mê để trở thành ngôi sao thay đổi thế giới.”
    (Always remember, you have within you the strength, the patience and the passion to reach for the stars to change the world - Harriet Tubman)

    Sức mạnh của chúng ta đến từ sở trường, còn kiên nhẫn và lòng đam mê thì thuộc về sở thích. Thường thì khi một người hội đủ cả hai yếu tố sở trường và sở thích đối với một việc gì đó, thì chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để làm việc đó thành công. Bài viết này xin chia sẻ với các bạn trẻ về cách nhìn nhận và ứng dụng sở trường & sở thích của mình vào công việc trong thời đại công nghệ phát triển quá nhanh như hiện nay, để có được sự lựa chọn thông minh khi lập nghiệp.

    SỞ TRƯỜNG - ĐIỂM MẠNH HƠN NGƯỜI KHÁC
    Sở trường của chúng ta đến từ khả năng thực hiện công việc hiệu quả hơn người khác. Khả năng này do hai yếu tố cấu thành, đó là kiến thức & kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc.

    Kiến thức công việc là những hiểu biết cần phải có liên quan đến công việc, như hiểu biết về chuyên môn (chuyên ngành được đào tạo liên quan đến chức năng của các bộ phận trong một tổ chức, như kinh doanh tiếp thị/kế toán tài chính/nhân sự/cơ khí/kỹ thuật/vi tính,…), hiểu biết về pháp luật, về thị trường, về văn hoá, về con người,…có liên quan đến công việc. Những hiểu biết này phải có đầy đủ để làm cơ sở cho chúng ta ra những quyết định, giải quyết những công việc một cách khoa học và đúng đắn và dành được sự đồng thuận của những người liên quan. Ví dụ một quản lý kinh doanh phải được đào tạo đầy đủ về quản trị kinh doanh, phải hiểu biết lĩnh vực ngành nghề tổ chức mình đang hoạt động, tình hình các đối thủ cạnh tranh, khả năng cung cầu của các sản phẩm/dịch vụ trên thị trường,… để từ đó có thể ra quyết định sản xuất/kinh doanh cái gì, bằng cách nào và trong thời gian bao lâu,…Biết cái thị trường đang cần và tìm cách cung cấp cái đó, chớ không chỉ cung cấp cái mình biết làm!

    Kiến thức là những thông tin, hiểu biết cần thiết để chúng ta hoạch định mọi việc một cách chiến lược và chuẩn xác đến mức có thể.

    Để có những kiến thức cần thiết, để trở thành người giỏi giang, hơn người, chúng ta cần phải không ngừng học hỏi tất cả những gì liên quan đến công việc chúng ta phải làm trong hiện tại & tương lai. Khỗng Tử nói: “Người sinh trước ta, biết những điều ta chưa biết, ta học từ người đó; người sinh sau ta mà biết những điều ta chưa biết, ta cũng học từ người đó” hay “Tam nhân hành, tất hữu ngả sư giả - nghĩa là 3 người cùng đi trên đường, có một người chắc chắn có thể làm thầy mình”. Không ngừng học tập từ khắp mọi nơi: học từ công việc, từ thành bại của bản thân; học từ quan sát các đồng nghiệp, học từ các sếp của mình và học từ các phương tiện thông tin đại chúng, sách vở, internet,… Phải luôn không ngừng cập nhật những thông tin quan yếu để luôn theo kịp với đà phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay.

    Kỹ năng là mức độ thành thạo của chúng ta khi áp dụng những kiến thức đã biết. Có hai loại kỹ năng gọi là kỹ năng cứng & kỹ năng mềm.

    Kỹ năng cứng là khả năng áp dụng chuyên môn đã biết vào trong công việc, ví dụ như kỹ năng kinh doanh bán hàng/kỹ năng tiếp thị/kỹ năng quản lý công nợ/kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng/kỹ năng thao tác máy móc thiết bị/kỹ năng sửa chữa cơ điện/kỹ năng quản lý mạng,…

    Kỹ năng mềm được chia làm hai loại đó là kỹ năng làm việc độc lập và kỹ năng làm việc với con người.

    Kỹ năng làm việc độc lập như kỹ năng Tự lãnh đạo bản thân, Tư duy chiến lược, Hoạch định, Tổ chức & Kiểm soát công việc, Quản lý thời gian/Quản lý công việc, Chịu đựng stress, Thích ứng sự thay đổi.

    Kỹ năng làm việc với con người bao gồm các kỹ năng như: Kỹ năng lãnh đạo người khác, Giao tiếp, Xây dựng mối quan hệ, Lắng nghe, Gây ảnh hưởng/thuyết phục, Động viên, Truyền cảm hứng, Phát triển người khác, Đám phán, , Giải quyết vấn đề, Làm việc nhóm, Trình bày/thuyết trình, Chăm sóc khách hàng bên trong/bên ngoài, v.v…

    Tuỳ theo yêu cầu công việc, chúng ta cần xác định những kỹ năng nào cần phải có để làm tốt công việc theo yêu cầu. Ví dụ như một Quản lý kinh doanh thì không thể thiếu các kỹ năng như Hoạch định, Tổ chức & Kiểm soát công việc, Quản lý công việc, Thích ứng sự thay đổi, Lãnh đạo đội nhóm, Làm việc nhóm, Giao tiếp, Lắng nghe, Đàm phán, Giải quyết vấn đề, Chăm sóc khách hàng,…

    Để có những kỹ năng cần thiết, để trở thành người làm việc nổi trội hơn người, chúng ta cần phải không ngừng thực hành, ứng dụng những kiến thức đã học vào trong công việc. Hãy bắt tay vào làm, đừng chỉ nói mãi mà không hề thực hiện, trăm hay không bằng tay quen, lâu ngày sẽ trở thành thói quen, thành kinh nghiệm làm việc của bản thân mình. Thực ra, biết thì dễ nhưng làm để tạo ra thành tích mới khó. Nếu không làm, chúng ta sẽ không bao giờ phát hiện ra mình thực sự mạnh chổ nào và còn yếu chỗ nào. Chính những sai lầm thường mắc phải khi thực hiện công việc báo hiệu cho chúng ta biết nơi tồn tại yếu điểm của mình, đó chính là sở đoản của chúng ta.

    Nhân vô thập toàn, phàm là người thì ai cũng đều có sở trường & sở đoản trong công việc. Một câu hỏi đặt ra là để không ngừng cải tiến bản thân trong sự giới hạn của thời gian, thì chúng ta nên ưu tiên vào cái nào: Phát huy sở trường hay cải thiện sở đoản?

    Chúng ta hãy xem một tình huống sau đây: Đầu bếp A có tay nghề nấu các món mặn khá, được khách hàng cho điểm 7 trong thang điểm 10, và tay nghể nấu các món chay thì được khách hàng cho điểm 4 trong thang điểm 10. Nếu đầu tư tiền bạc & công sức để cải tiến, thì 3 tháng sau kỹ thuật nấu ăn của các món mặn hoặc các món chay của đầu bếp A đều có thể tăng lên 2 điểm, theo bạn, đầu bếp A nên chọn phương án nào, cải tiến món mặn hay món chay?

    Khi bạn đến một nhà hàng để ăn uống, bạn sẽ chọn nhà hàng có đầu bếp có kỹ năng nấu ăn đạt điểm 9 hay điểm 6. Chắc là không ai chọn điểm 6 cả. Diễn giả John C. Maxwell cũng từng nói là khi cần phải xác lập thứ tự ưu tiên trong việc phát triển bản thân, khi thời gian không cho phép làm tất cả cùng một lúc, thì chúng ta nên tập trung vào phát huy điểm mạnh hơn là đi cải tiến điểm yếu. Trong kỹ năng xây dựng đội nhóm ở các công ty đa quốc gia MNC, thì họ chọn những người có kỹ năng bổ sung cho nhau để hình thành nhóm. Khi đó, điểm yếu của người này lại là điểm mạnh của người khác trong nhóm. Vì thế, hãy chọn làm những việc thuộc về sở trường của mình và không ngừng phát triển nó, còn việc thuộc sở đoản thì hãy giao cho người khác có sở trường hơn làm thay. Một trong những yêu cầu của “đúng người, đúng việc” chính là giao/chọn việc đúng sở trường của người đó!

    SỞ THÍCH - NIỀM ĐAM MÊ CÔNG VIỆC
    Khỗng Tử nói: “ Hãy chọn công việc bạn thích, bạn sẽ mãi mãi không phải làm việc một ngày nào trong đời.”

    Nói đến sở thích đối với công việc là nói đến thái độ, nói đến động lực làm việc. Một người có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc, nhưng nếu như không có động lực làm việc, không có sự yêu thích công việc thì kết quả đạt được chắc chắn sẽ không cao. Khi có động lực làm việc, chúng ta sẽ không cảm thấy mệt mỏi khi làm việc. Khi yêu thích công việc chúng ta sẽ luôn cảm thấy vui vẻ và phấn khởi khi làm việc. Cảm giác “được làm việc” hay “phải làm việc” đều do sở thích & động lực của chúng ta quyết định.

    Sở thích thường đến từ sự đam mê công việc. Khi đam mê làm một việc gì đó, chúng ta luôn có được sự nhẫn nại và sẵn sàng vượt qua tất cả những trở ngại để hoàn thành công việc. Sự đam mê tạo ra lửa nhiệt tình trong ta và luôn cảm thấy phấn khởi khi làm việc, như là đang “hưởng thụ cuộc sống”, chớ không phải đang làm việc, như Khỗng Tử đã nói “… mãi mãi không phải làm việc một ngày nào trong đời.” vậy. Sở thích đối với công việc có khi cũng đến từ động lực làm việc. “Tôi muốn làm việc đó vì nó mang lại cho tôi nhiều tiền của, hoặc danh tiếng, hay cơ hội phát triển, v.v…” Khi một người có động lực làm việc, họ cũng sẽ yêu thích công việc của họ. Tuy nhiên sự yêu thích đó không mãnh liệt bằng lòng đam mê đối với công việc, vì khi đó công việc chỉ là phương tiện để họ đạt được một mục tiêu nào đó, chớ họ thường không “ăn đời ở kiếp” với công việc.

    Như vậy, để làm tốt một công việc nào đó, đòi hỏi chúng ta phải có cả sở trường & sở thích để thực hiện công việc đạt kết quả cao nhất. Một câu hỏi đặt ra là không phải lúc nào chúng ta cũng có được cả hai. Vậy khi phải chọn một trong hai, chúng ta nên chọn cái nào: Sở trường hay sở thích?

    Ví dụ, đã từng có người hỏi: "khi ra lập nghiệp (lập nghiệp bao gồm đi làm cho công ty người khác và tự khởi nghiệp), nên chọn ngành nghề ta yêu thích hay ngành nghề ta có sở trường, năng khiếu?". Đây là câu hỏi không dễ trả lời và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh & mục tiêu sống của chúng ta. Tôi thường ví việc chọn ngành theo sở trường giống như một thau nước đã nóng ngay từ ban đầu và sẽ nguội dần theo thời gian (kết quả ban đầu tăng sau giảm dần), còn chọn theo sở thích sẽ như một thau nước lạnh sẽ nóng dần lên theo thời gian (kết quả ban đầu thấp nhưng sẽ tăng dần). Nếu như bạn muốn ưu tiên đạt những mục tiêu ngắn hạn thì chọn đúng sở trường sẽ phù hợp, còn nếu bạn có tầm nhìn chiến lược, nghĩ đến mục tiêu lâu dài, đến tương lai sau này thì theo sở thích sẽ là một lựa chọn thông minh.

    Khi ví vón giữa thau nước nóng dần và thau nước nguội dần, tôi mặc nhiên đã muốn khuyên các bạn hãy chọn cách làm thau nước nóng dần và nóng mãi, đó chính là chúng ta chọn cách giữ lửa nhiệt tình nóng mãi trong lòng đối với công việc mình đam mê, yêu thích. Có đam mê rồi sự kiên nhẫn và khả năng làm việc sẽ đến một ngày không xa.

    Tóm lại, Sở trường và sở thích là hai điều kiện cơ bản không thể thiếu để thành công trong công việc. Khi phải đứng trước sự lựa chọn giữa công việc mình có sở trường hay sở thích, thì lựa chọn theo sở thích sẽ là một lựa chọn thông minh và có tầm nhìn. Không phải ngẫu nhiên mà một tỉ phú, người giàu thứ 2 nước Mỹ, Warren Buffett, dù đã ở tuổi 86, đã từng chia sẻ ông không hiểu vì sao người ta cứ chọn làm những công việc mình không thích, vì ông tin rằng bạn nhất thiết chỉ nên làm những việc mình yêu vì cuộc đời này quá ngắn ngủi!

    La Kiến mỹ (Anthony Mỹ)
    Chuyên gia đào tạo & tư vấn Doanh nghiệp
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...